MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày

08-09-2023 - 19:16 PM | Sống

Loại cuối cùng nhiều người nghĩ rằng ăn càng nhiều sẽ càng có lợi nhưng đó là lầm tưởng cực lớn.

Các nghiên cứu đều đã cho thấy viêm nhiễm mạn tính trong cơ thể có liên quan tới một loạt các bệnh từ viêm khớp, bệnh về đường ruột, tiểu đường, viêm loét đại tràng và thậm chí cả ung thư.

Khi nhắc tới viêm nhiễm, điều quan trọng cần phải biết đó là loại thực phẩm nào có thể dẫn tới tình trạng đó. Dưới đây là những thực phẩm gây viêm nhiễm mà bạn nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ.

1. Thực phẩm chứa nhiều đường

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày - Ảnh 1.

Thực phẩm nhiều đường có thể dẫn tới viêm nhiễm nếu ăn quá nhiều (Ảnh: ST)

Bánh quy, bánh nướng, nước ngọt và nhiều thực phẩm chế biến sẵn được bày bán ở khắp mọi nơi.

"Các loại thực phẩm và đồ uống được chế biến sẵn thường có rất nhiều đường bổ sung", Lisa Jones, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, cho hay. "Tuy nhiên, những món ăn ngọt ngào này lại có thể dẫn tới tình trạng viêm nghiêm trọng cho cơ thể. Chúng có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu và phản ứng insulin giải phóng các cytokine gây viêm", nữ chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ dẫn tới tăng cân và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người nên hạn chế tiêu thụ đường bổ sung. Theo đó, mỗi người không nên tiêu thụ quá 6% calo tới từ loại thực phẩm này trong tổng lượng calo tiêu thụ mỗi ngày.

Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có đường bổ sung có thể dẫn tới ung thư, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch.

2. Lạm dụng đồ uống có cồn

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày - Ảnh 2.

Đồ uống có cồn (Ảnh: ST)

Theo Amy Kimberlain, một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, đồng thời là người phát ngôn của Viện Dinh dưỡng và Đái tháo đường (Hoa Kỳ), để phòng tránh viêm nhiễm, một điều quan trọng mà mỗi người cần nhớ đó là không lạm dụng đồ uống có cồn.

"Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn sẽ làm suy giảm chức năng gan và gây gián đoạn sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong cơ thể. Quá trình này có thể dẫn tới viêm", chuyên gia Kimberlain cho hay. Cô nói thêm: "Tốt nhất mọi người nên tránh tiêu thụ đồ uống có cồn hoặc sử dụng ở mức độ vừa phải".

Theo Hướng dẫn Chế độ ăn dành cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025, mỗi nam giới không nên tiêu thụ quá 2 đơn vị cồn/ngày và con số đối với nữ giới là không quá 1 đơn vị cồn/ngày.

3. Thực phẩm chiên rán

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày - Ảnh 3.

Thực phẩm chiên rán (Ảnh: ST)

Thực phẩm chiên rán có thể giúp bạn ăn ngon miệng hơn nhưng lại không có lợi cho lá gan và sức khỏe tổng thể của bạn. Các thực phẩm như gà rán, khoai tây chiên thường có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cao làm tăng gánh nặng cho gan, khiến đường huyết tăng và dẫn tới viêm nhiễm.

TS dinh dưỡng Taz Bhatia cho biết: "Gan và đường ruột có liên quan mật thiết tới quá trình viêm nhiễm. Các bệnh có liên quan tới viêm nhiễm đều có biểu hiện trên 2 cơ quan này".

Nghiên cứu khoa học cho thấy ăn thực phẩm chiên rán thường xuyên sẽ khiến tuổi thọ của con người bị rút ngắn lại. Một nghiên cứu quy mô lớn được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Anh vào tháng 1/2019 cho thấy những phụ nữ thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chiên rán có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tử vong sớm cao hơn. Nghiên cứu này được thực hiện trên 107.000 phụ nữ sau mãn kinh trong độ tuổi từ 50-79 tại Mỹ.

4. Thực phẩm chế biến sẵn

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày - Ảnh 4.

Thực phẩm chế biến sẵn (Ảnh: ST)

Các thực phẩm chế biến sẵn có chứa lượng carb tinh chế có thể dẫn tới viêm nhiễm. Quá trình tinh chế sẽ loại bỏ phần nào chất xơ và các chất dinh dưỡng dưỡng. Điều này có thể khiến cho nhiều loại ngũ cốc đang là thực phẩm lành mạnh khi còn nguyên hạt nhưng sau khi chế biến lại có thể làm tăng lượng đường trong máu nếu tiêu thụ quá nhiều.

TS Bhatia cho biết chất bảo quản và hóa chất được sử dụng trong quá trình đóng gói các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Nữ tiến sĩ nhấn mạnh, các nghiên cứu đều đã cho thấy những hóa chất này có thể tác động tới hệ lợi khuẩn đường ruột, làm tăng cảm giác đói và tăng đường huyết.

Thực phẩm chế biến sẵn cũng làm tăng quá trình sản xuất insulin và gây ra viêm nhiễm. Do đó, tiêu thụ bánh mì và thực phẩm nguyên hạt sẽ là lựa chọn lành mạnh hơn.

5. Thịt đỏ

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày - Ảnh 5.

Thịt đỏ (Ảnh: ST)

Thịt đỏ từ các động vật được chăn nuôi công nghiệp có thể dẫn tới viêm nhiễm nếu chúng ta tiêu thụ quá nhiều. Thêm vào đó, quá trình tiêu hóa thịt đỏ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Điều này có thể khiến túi mật phải làm việc nhiều hơn, đường huyết và insulin trong cơ thể cũng tăng vọt.

Sự mất cân bằng nội tiết tố - ví dụ như mất cân bằng về insulin - có thể dẫn tới viêm trong các tế bào.

6. Tiêu thụ quá nhiều acid béo omega-6

Những thực phẩm tăng viêm nhiễm trong cơ thể mà nhiều người vẫn đang ăn hàng ngày - Ảnh 6.

Thực phẩm giàu omega-6 (Ảnh: ST)

Omega-6 là một acid béo thiết yếu duy trì sự phát triển bình thường của cơ thể. Chuyên gia dinh dưỡng Kimberlain cho biết: "Chúng ta cần tiêu thụ đồng đều cả 2 loại acid béo là omega-6 và omega-3".

Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều omega-6 có thể gây ra phản ứng viêm trong cơ thể. Do đó, chúng ta không nên lạm dụng mà hãy tiêu thụ thực phẩm chứa omega-6 ở mức độ vừa phải. Các loại thực phẩm này bao gồm dầu ngô, mayonnaise, các loại nước sốt salad, dầu lạc, dầu đậu nành, dầu từ một số loại rau củ quả khác.

Nhìn chung, một chế độ ăn uống cân bằng với các loại rau củ, trái cây tươi, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp chúng ta kiểm soát được viêm nhiễm và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính.

Theo Lam Chi

Phụ nữ số

Trở lên trên