MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Những thương hiệu hàng đầu – Ngày ấy và bây giờ

30-11-2016 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Cửa hàng đầu tiên của những chuỗi franchise nổi tiếng thế giới trông như thế nào? Bây giờ chúng ra sao? Một vài trong số những chuỗi franchise nổi tiếng nhất thế giới đã dựng lại những cửa hàng đầu tiên của mình để khách hàng có thể chiêm ngưỡng.

Mọi chuỗi kinh doanh nhượng quyền (franchise) đều có điểm khởi đầu của mình. Đầu tiên là một cửa hàng đơn lẻ được giới thiệu với công chúng – những người chưa từng nghe thấy cái tên lạ hoắc và cũng không biết mong đợi gì ở đó. Chính bản thân các ông chủ cũng không có bất kỳ ý tưởng về việc những ý tưởng của mình sẽ lớn mạnh và đến với thế giới như một “cơn bão”.

Cửa hàng đầu tiên của những chuỗi franchise nổi tiếng thế giới trông như thế nào? Bây giờ chúng ra sao? Một vài trong số những chuỗi franchise nổi tiếng nhất thế giới đã dựng lại những cửa hàng đầu tiên của mình để khách hàng có thể chiêm ngưỡng.

KFC và Ngôi nhà của Ngài đại tá

Năm 1940, tại Corbin (bang Kentucky), Harland Sanders đã mở một trạm xăng và một nhà nghỉ nhỏ bên cạnh một cửa hàng rộng gần 300m2 với tên gọi Sanders Court and Café. Trong nhà hàng có một phòng nghỉ kiểu mẫu mà Steve Dearing, một phó chủ tịch cấp cao về thiết kế và xây dựng của tập đoàn JRN Inc., cho rằng là "để thuyết phục những người phụ nữ của gia đình rằng nhà nghỉ của ông sẽ là một nơi tốt cho gia đình họ ở lại”. JRN hiện là một đối tác nhượng quyền của KFC với 154 cửa hàng KFC hoạt động ở 11 bang của nước Mỹ, trong đó có cửa hàng ở Corbin.

Trong quá khứ phòng ăn đã được sử dụng để tổ chức tiệc cưới, và ông Sanders cung cấp cả dịch vụ ăn uống tại chỗ. Tuy nhiên, khi hoạt động kinh doanh kém đi do sự ra đời của đường cao tốc liên bang với lộ trình khác đi, Sanders đã bật mí công thức nấu ăn của mình, bán thương hiệu và thu phí 1 nickel trên mỗi con gà mà những người chủ bán được.

Ngày nay, nhà hàng Corbin giống như một viện bảo tàng với khu vực phong tỏa và có cả một mô hình món gà KFC thưở sơ khai.

"Chúng tôi cố gắng phục hồi tất cả mọi thứ sao cho càng giống với nguyên bản càng tốt, kể cả tấm vách gỗ cũ mọt trong phòng ăn," Dearing nói. "Chúng tôi có một bộ bàn ghế nguyên bản cũng như nhiều hiện vật từ các nhà hàng ban đầu”.

Những kỷ vật như chén đĩa sứ, lọ đựng gia vị và bột mì cũng như menu gốc đều được giữ lại. Tuy không có thứ gì bị bỏ đi, vẫn có một số thay đổi về vị trí. Ví dụ, vị trí đặt ống khói ở phía sau, đã được chuyển đổi thành phòng ăn.

Trong khi đó, khách hàng cũng có thể đến thăm cửa hàng KFC đầu tiên ở thành phố Salt Lake (hiện là một trong 4.270 nhà hàng KFC trên toàn nước Mỹ). Ở đây có bức ảnh Đại tá trong bộ vest màu trắng, và ở lối ra, khách hàng có thể mua những chiếc áo phồng có chữ "Tôi đã từng đến cửa hàng KFC đầu tiên trên thế giới".

Lịch sử của chuỗi cà phê Dunkin’ Donuts

William Rosenburg điều hành một doanh nghiệp chuyên bán cà phê, bánh ngọt và bánh mì cho công nhân nhà máy ở khu vực Quincy, Massachusset. Đầu tiên, ông gọi đó là Dịch vụ bữa trưa công nghiệp, sau đó là Open Kettle, và cuối cùng năm 1950 đổi tên 1 lần nữa sau khi nhận ra 40% doanh số đến từ cà phê và bánh rán doughnuts. Lần này, cái tên được đặt là: Dunkin 'Donuts.

Trong khi hầu hết các cửa hàng bánh rán bán 4 loại khác nhau, ông đã quyết định cung cấp những 52 loại, một loại khác cho mỗi tuần của năm.

Diện mạo của nhà hàng ở Quincy đã thay đổi theo năm tháng, nhưng trong năm 2011, nhà hàng được thiết kế lại với phong cách giống như những ngày đầu tiên: biển hiệu được trang trí lại theo kiểu cũ, bổ sung ghế đẩu trước quầy bar, đặt bàn ăn ở cả trong và ngoài, các kỷ vật được đóng khung trên tường, bao gồm cả hình ảnh của người sáng lập và hình ảnh của cửa hàng trông như thế nào khi nó mới thành lập.

Thực đơn có sự pha trộn giữa cái cũ và mới, vẫn có nhiều loại bánh cổ điển bên cạnh việc bổ sung món mới như cà phê lạnh Brew, đồ uống espresso, bánh rán bánh sừng trâu và bánh kẹp nướng.

Cửa hàng McDonald đầu tiên trông như thế nào?

Năm 1948, tại San Bernardino, California., Richard và Maurice McDonald mở ra một cửa hàng bánh hamburger nhỏ và sau đó đã trở thành một trong những thương hiệu được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Ở phía trước cửa hàng có một biển quảng cáo bán bánh hamburger với giá 15 cent. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng bán thêm cheeseburgers, khoai tây chiên và nước ngọt. Sáu tháng sau, thêm món sữa lắc, và khoai tây miếng chiên thay thế khoai tây lát. Phía sau cửa hàng là văn phòng cá nhân của hai anh em cùng với bãi đậu xe, kho thực phẩm, giấy và đồ khô, và nơi chứa khoai tây.

Cửa hàng nhượng quyền đầu tiên của McDonald ra đời ở Phoenix năm 1953, với logo có hình mái vòm màu vàng trên nền đỏ đi kèm chữ trắng.

Năm 1998, Albert Okura đã mua cửa hàng ở San Bernardino sau đó sửa sang lại và biến tòa nhà thành một bảo tàng “không chính thức” rộng lớn của McDonald. Bên trong là những bức ảnh của những nhân viên đầu tiên được đóng khung trên tường, những tấm ảnh, cuộc sống của Ronald McDonald và Hamburglar được trưng bày cùng các kỷ vật. Bên ngoài vẫn là chiếc biển hiệu ngày trước.

Lịch sử 100 năm của món bánh mì kẹp xúc xích

Khi Nathan Handwerker mở một quầy xúc xích nóng ở góc giao giữa phố Surf và Stillwell ở đảo Coney năm 1916, nó thậm chí còn không có tên. Mọi người chỉ biết đó là nơi cần đến khi họ thèm một chiếc xúc xích nóng. Nhưng khi có tiếng tăm rộng rãi, bạn bè khuyến khích ông Handwerker đặt tên cho nó. Cái tên Nathan’s Famous đã ra đời.

Khi thực đơn có nhiều món hơn cũng là lúc cái quầy cũng lớn hơn. Đầu tiên là bánh mì kẹp thịt, sau đó là món mì xào, bánh san-wich kẹp thịt bò nướng, và thịt lợn nướng. Một khu vực riêng đã được dựng lên để dành riêng cho khoai tây chiên - món cực kỳ nổi tiếng.

Trạm tàu điện ngầm trên phố Stillwell mở cửa năm 1919 đã làm tăng đáng kể số lượng du khách đến khu vực này. Trong những năm 1940, khu vực món ăn hải sản được mở ra và sau đó là khu vực dành cho món trai sò.

​Ngày nay, cửa hàng Nathan nguyên bản có 48 máy tính tiền và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Từ cửa hàng ban đầu đã phát triển thành chuỗi 270 nhà hàng.

Hiền Phạm

WSJ

Trở lên trên