Những thương hiệu hàng không mà bạn không ngờ có tồn tại trên đời: Hãng có những cô nàng nóng bỏng, hãng khác chỉ cho khách đọc Kinh thánh
Vào cuối những năm 1970, chính phủ Mỹ đã bãi bỏ quy định đối với ngành hàng không, loại bỏ quyền kiểm soát của liên bang đối với giá vé, đường bay và sự gia nhập của các hãng hàng không mới vào thị trường.
- 26-04-2022Bật mí về lối sống xa hoa của chủ nhân các siêu du thuyền
- 26-04-2022Bí ẩn 21 tỷ USD trong thương vụ Elon Musk mua đứt Twitter: CEO Tesla gom tiền từ đâu trong khi chỉ có 3 tỷ USD tiền mặt?
- 26-04-2022Thị trường toàn cầu chao đảo, các quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới đổ tiền vào một loại tài sản đã bị 'lãng quên'
Kết quả là, một loạt các hãng hàng không mới đã xuất hiện kể từ những năm 1980, trong số đó lại có vài hãng mang phong cách lạ đời.
Hooters Air – Những nhân viên phục vụ nóng bỏng
Năm 2002, Robert Brooks - chủ tịch của chuỗi nhà hàng Hooters - đã mua lại Pace Airlines. Đây là hãng hàng không cho thuê với đội bay gồm 8 chiếc máy bay, chủ yếu là Boeing 737. Một năm sau, ông chuyển nó thành Hooters Air, một hãng hàng không được đặt tên và có thiết kế giống với chuỗi nhà hàng của Robert.
Biểu tượng của hãng hàng không này là con cú mắt to có màu cam rực, cũng là màu chủ đạo của những chiếc máy bay hãng Hooters Air.
Tuy nhiên, điều đặc biệt của hãng chính là có 2 "cô nàng Hooters" sẽ ở trên máy bay, hòa mình cùng với các hành khách và tổ chức các trò chơi đố vui với các giải thưởng khác nhau. Họ mặc những chiếc áo thun và chiếc quần đùi màu cam được coi là đồng phục của chuỗi nhà hàng Hooters.
Tuy nhiên, họ không phục vụ đồ ăn hoặc xử lý các nhiệm vụ trên máy bay vì những việc này được thực hiện bởi 3 tiếp viên hàng không được FAA chứng nhận.
Hãng hàng không này có trụ sở tại Myrtle Beach, Nam Carolina, một địa điểm chuyên về nghỉ dưỡng, nổi tiếng với các sân gôn và khu nghỉ dưỡng bên bờ biển.
Do giá cả phù hợp với túi tiền và có thể bay thẳng đến các thành phố như Newark và Baltimore, Hooters Air đã thu hút được đa dạng các nhóm khách hàng, chủ yếu là người chơi golf, khách du lịch và cả gia đình của họ.
Tuy nhiên, hãng này đã không thể làm ăn phát đạt và phải ngừng hoạt động vào đầu năm 2006 do giá nhiên liệu tăng sau các cơn bão Katrina và Rita.
The Lord's Airline – hãng hàng không của Chúa
Nghiêm cấm không có rượu trên máy bay, Kinh thánh và Kinh Torah (Ngũ thư) được đặt trên kệ thay vì tạp chí, chỉ chiếu phim tôn giáo và 1/4 giá vé được dành để tài trợ cho công việc truyền giáo. Đây là những đặc điểm độc đáo của hãng The Lord’s Airline do doanh nhân Ari Marshall ở New Jersey thành lập vào năm 1985. Ông đã mua một chiếc DC-8 cũ và nó được coi là chiếc máy bay duy nhất của hãng hàng không này.
Lịch trình bay của The Lord’s Airline có 3 chuyến hàng tuần từ Miami đến sân bay Ben Gurion ở Israel, phục vụ một đường bay thẳng đến Jerusalem, cách đó khoảng 30 dặm.
Vào thời điểm đó, những người hành hương tôn giáo khi muốn đến Thánh địa phải đặt chuyến bay nối chuyến đến New York. "Người Nga có hãng hàng không của họ. Người Anh có hãng hàng không của riêng mình. Thậm chí Playboy cũng có. Vậy tại sao Chúa lại không có hãng hàng không của riêng mình?" Marshall cho biết vào năm 1986, theo The Associated Press.
Tuy nhiên, đến năm 1987, hãng hàng không này đã không đủ điều kiện để được FAA cấp giấy phép vì các sửa đổi và bảo dưỡng máy bay chưa hoàn thành. Các nhà đầu tư đã trở nên lo lắng và đưa ra quyết định cách chức Marshall, thiết lập một ban giám đốc mới để xoay chuyển tình hình.
Vị chủ tịch mới, Theodore Lyszczasz, bất đồng ý kiến với Marshall và hai người bắt đầu khẩu chiến trên báo chí.
Cuối cùng, Lyszczasz và anh trai ông đã xuất hiện tại nhà của Marshall để yêu cầu hồ sơ công ty. Theo báo chí đưa tin, điều đó đã dẫn đến một trận ẩu đả khiến Marshall kiện họ vì tội xâm phạm. Hai anh em nhà Lyszczasz đã được trắng án. Tuy nhiên, hãng hàng không của Chúa cuối cùng đã sụp đổ và chiếc máy bay cuối cùng đã trở thành phế liệu.
Smokers Express & SmintAir - Không được hút thuốc trên máy bay nên tự lập luôn một hãng riêng
FAA đã cấm hút thuốc trên tất cả các chuyến bay nội địa ở Mỹ vào năm 1990, nhưng William Walts và George Richardson - hai doanh nhân đến từ Hạt Brevard của Florida – đã không hài lòng về điều này. Đầu năm 1993, họ quyết định lách luật bằng cách thành lập một hãng hàng không dựa trên cách thức hoạt động của một câu lạc bộ tư nhân. Hãng này yêu cầu phí thành viên 25 USD và chỉ dành cho những người trên 21 tuổi.
Smokers Express & SmintAir có trụ sở tại sân bay Space Coast Regional ở Titusville, Florida. Theo dự kiến, hãng sẽ phục vụ món bít tết và bánh mì kẹp thịt trên máy bay cùng với thuốc lá miễn phí.
Tuy nhiên, gần một năm sau khi được công bố, hãng hàng không vẫn chưa có giấy phép hay một chiếc máy bay nào. Cùng với đó, mặc dù những người sáng lập được cho là đã kết nạp được hơn 5.000 thành viên, các nhà quản lý đã từ chối cấp phép hoạt động của Smokers Express, khiến hãng này "bốc hơi" như một làn khói thuốc mà không bao giờ được cất cánh.
Năm 2006, ý tưởng này được chỉnh sửa lại bởi doanh nhân người Đức Alexander Schoppmann, người đã tuyên bố ý định thành lập Hãng hàng không quốc tế của những người hút thuốc (Smoker's International Airways), gọi tắt là SmintAir.
Schoppmann, người hút đến 30 điếu thuốc mỗi ngày, muốn khai trương dịch vụ hàng ngày giữa Tokyo và Dusseldorf. Đây là quê hương của ông và là nơi có đông người nước ngoài Nhật Bản và các văn phòng châu Âu của hàng trăm công ty Nhật Bản.
Đức và Nhật Bản vẫn có một số lượng đáng kể người hút thuốc vào thời điểm đó. Tuy nhiên, SmintAir cũng chịu chung số phận với Smokers Express. Hãng này cũng không huy động được số vốn cần thiết để bắt đầu hoạt động và cũng không bao giờ được bay trên không trung.
MGM Grand Air - Hãng hàng không chỉ dành cho đại gia
Được khánh thành vào năm 1987, MGM Grand Air là hãng hàng không hạng nhất và siêu sang trọng. Ban đầu, hãng này chỉ có một tuyến đường bay duy nhất là từ sân bay quốc tế Los Angeles đến sân bay quốc tế John F. Kennedy trên những chiếc máy bay Boeing 727 và Douglas DC-8 được thiết kế xa hoa. Quy tắc là không có chuyến bay nào có thể có hơn 33 hành khách, mặc dù các máy bay vốn có thể chở 100 hành khách hoặc hơn khi so với các thiết lập tiêu chuẩn.
MGM Grand Air hứa hẹn hành khách sẽ không phải xếp hàng, không phải đăng ký và không phải chờ đợi lấy hành lý. Nhân viên sẽ khuân vác hành lý lên máy bay và trả chúng tại điểm đến. Hãng này thậm chí còn cung cấp dịch vụ xe limousine đưa đón tận nơi tùy chọn. Các phòng chờ đặc biệt ở cả hai sân bay đều cung cấp các tiện nghi sang trọng và dịch vụ trợ giúp đặc biệt.
Trên tàu có 5 tiếp viên hàng không và quầy bar cũng như các khoang riêng dành cho các cuộc họp. Dịch vụ bữa ăn đầy đủ với rượu vang và sâm panh hảo hạng luôn được cung cấp và phòng vệ sinh có vòi nước bằng vàng và xà phòng có khắc chữ lồng. Tất cả những điều này được cung cấp chỉ với giá cao hơn giá vé hạng nhất của các hãng hàng không khác.
Ban đầu hãng được những người nổi tiếng và những người rất giàu có ưa chuộng. MGM Grand Air cuối cùng đã mở thêm nhiều đường bay hơn, nhưng đang phải vật lộn để lấp đầy tất cả 33 ghế trên máy bay của mình.
Hãng này đã phải hoạt động chậm lại trong những năm 1990 khi máy bay phản lực tư nhân trở nên phổ biến hơn. Năm 1995, MGM Grand Air đã được bán đi và đổi tên thành Champion Air, cung cấp các chuyến bay thuê cho các đội thể thao và các cơ quan chính phủ. Cuối cùng hãng mới này cũng đã đóng cửa hoàn toàn vào năm 2008.
Tham khảo CNN