Những thương hiệu "vang bóng một thời": Giày Thượng Đình, Mì Miliket, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Pin Con Thỏ,...đang làm ăn ra sao?
Hầu hết những cái tên này vẫn tồn tại và phải đối mặt không ít cạnh tranh trên thị trường, song không ít đã trôi vào quên lãng.
Nhắc đến những doanh nghiệp “vang bóng một thời” sở hữu những thương hiệu đi cùng năm tháng, nhà đầu tư lâu năm lại nhớ tới những ký ức tuổi thơ ùa về.
Một trong những cái tên quen thuộc như Giày Thượng đình, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Sá xị Chương Dương, Vang Thăng Long,… hầu hết vẫn tồn tại và phải đối mặt không ít cạnh tranh trên thị trường, song không ít dần trôi vào quên lãng.
Giày Thượng Đình dù “tọa” đất vàng, kinh doanh vẫn kém sắc
Được thành lập từ năm 1957, Giày Thượng Đình (mã GTD) tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân khu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội. Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình chính thức được áp dụng và trở thành một thương hiệu khó quên với người tiêu dùng Việt.
Tuy nhiên, làn sóng hàng hiệu từ Adidas, Nike,.. đổ bộ vào Việt Nam đã dấy lên cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu giày dép trong và ngoài nước trong nhiều năm khiến Giày Thượng Đình bị lép vế hoàn toàn.
Số liệu mới nhất từ BCTC 2021 cho thấy lỗ trước thuế hơn 770 triệu đồng. Dù mức lỗ đã giảm mạnh so với giai đoạn 2019-2020 lỗ đậm hơn chục tỷ nhưng Giày Thượng Đình đã ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2021 là gần 50 tỷ đồng.
Điểm tựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào quỹ đất của công ty, nằm tại những vị trí đông đúc của Hà Nội, điển hình như khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tuy vậy, việc sản xuất kinh doanh ở 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội không hiệu quả, kém lợi thế. Chi phí bình quân bị tăng do chi phí cố định như khấu hao, thuê đất…hầu như không thay đổi trong khi sản lượng giảm sút từ đó dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ vốn trong năm 2020.
Bóng đèn, phích nước Rạng Đông EPS cao top đầu thị trường chứng khoán
Những chiếc bóng đèn hay phích nước từ CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL) sản xuất là một thương hiệu cực quen thuộc từ thời bao cấp, đến nay vẫn “sống khỏe” và đạt mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm trước những áp lực từ thị trường.
Rạng Đông vừa trải qua năm 2022 kinh doanh đầy khởi sắc với việc thu về 6.910 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 21%. Lãi sau thuế đạt hơn 486 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ và là mức lãi kỷ lục kể từ khi hoạt động. Đáng chú ý, EPS năm 2022 đạt 21.196 đồng tiếp tục lọt top những cổ phiếu có EPS cao nhất sàn niêm yết.
Kết quả thuận lợi có được nhờ kỳ kinh doanh quý 4/2022, Rạng Đông đã sử dụng tập trung các công nghệ trong hai trụ cột cốt lõi là tái cấu trúc chiến lược sản phẩm – hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ 4.0 và chuyển đổi mô hình kinh doanh, triển khai mô hình DBM – O2O. Nhờ đó, lãi sau thuế của Rạng Đông quý 4 đạt 210 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 4/2021 và là con số lãi theo quý cao nhất trong lịch sử niêm yết.
Đặc biệt, Rạng Đông còn được biết đến doanh nghiệp chia cổ tức “đều như vắt tranh” với tỷ lệ khủng tới 50% mỗi năm.
Sá xị Chương Dương lao đao trước những cạnh tranh khốc liệt
Từng từng là “vua” dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía nam với sản phẩm sá xị nổi tiếng, Nước giải khát Chương Dương (mã SCD) lại nhanh chóng bị đánh mất thị phần trước sự xuất hiện của các hãng nước giải khát lớn mạnh khác.
Với quý 4/2022 thua lỗ gần nhất, Sá xị Chương Dương nối dài chuỗi thua lỗ lên 8 quý liên tiếp kể từ quý 1/2021. Luỹ kế cả năm 2022, SCD thu 169 tỷ đồng và lỗ ròng 49 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Tính chung 2 năm 2021-2022, công ty lỗ hơn 85 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ.
Hiện tại, Chương Dương vẫn hoạt động với vai trò là công ty con phụ trách hoạt động sản xuất nước giải khát của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hướng tới khắc phục kết quả thua lỗ năm 2022, Sá xị Chương Dương đã đưa ra một số phương án nhằm tối ưu giá vốn hàng bán như thay thế nguyên liệu, tối ưu năng suất lao động để giảm chi phí nhân công, tăng độ phủ ở các kênh trực tuyến, xuất khẩu...
Mì Miliket "teo tóp" thị phần, lợi nhuận thấp nhất 12 năm
Ngoài SCD, một cái tên khác trong ngành thực phẩm không thể không nhắc đến là mì ăn liền Miliket, thương hiệu mì ăn liền đầu tiên tại Việt Nam của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (mã: CMN). Mì Miliket quen thuộc với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì qua thời gian đã hằn sâu trong tiềm thức người tiêu dùng.
Giống như các thương hiệu khác, mì Miliket cũng chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều doanh nghiệp lớn từ trong và ngoài nước như: Mì 3 miền, Vina Acecook, Asia Food, Masan…, đã khiến vị thế của mì Miliket dần mất đi.
Báo cáo tài chính năm 2021 cho biết, doanh thu đạt gần 572 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt hơn 14 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 7% và 36% so với năm 2020. Đây cũng là mức lãi thấp nhất kể từ năm 2009 mà thương hiệu mỳ nổi tiếng một thời này ghi nhận.
Trong năm 2022, cổ đông của mì Miliket đã được chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 17%. Tuy nhiên, đây lại là mức chi trả cổ tức thấp nhất trong 4 năm gần đây của CMN do không đạt mục tiêu lợi nhuận. Trước đó, công ty thường chi trả với tỷ lệ cao từ 28% đến hơn 33% qua các năm 2018-2021.
Năm 2022, CMN đặt mục tiêu sản lượng 19.000 tấn, tổng doanh thu 792 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng.
Vang Thăng Long lỗ lũy kế hết 2022 gần 40 tỷ
Thêm một doanh nghiệp hết thời “hoàng kim” khác là Vang Thăng Long (mã VTL). Đứng trước sự “tấn công” của các thương hiệu nhập khẩu, Vang Thăng Long trở nên lép vế.
Năm 2022, doanh thu của Vang Thăng Long đạt gần 78 tỷ đồng, giảm nhẹ 2 tỷ so với năm 2021, công ty ghi nhận thua lỗ hơn 11 tỷ đồng. Trước đó, VTL đã từng thua lỗ kỷ lục hơn 15 tỷ đồng năm 2020 khi xuất hiện Covid-19 và có lãi trở lại 400 triệu đồng năm 2021. Tính đến hết 2022, khoản lỗ lũy kế xấp xỉ 39 tỷ đồng.
"Pin Con Thỏ" vẫn vững vàng trước nhiều sóng gió
Trong ngành sản xuất pin, chắc hẳn mỗi người Việt thế hệ 8x-9x trở về trước đều không thể quên được những viên pin in chữ “Con Thỏ” quen mắt trên khắp mọi miền đất nước. Đây chính là sản phẩm huyền thoại từ thời bao cấp, thời điểm đó, điện vẫn được coi như một thứ hàng hóa xa xỉ.
Pin Con Thỏ là sản phẩm của CTCP Pin Hà Nội (Habaco, mã: PHN) mà tiền thân là Nhà máy Pin Văn Điển, nhà máy công nghiệp hiếm hoi thành lập đầu năm 1960. Là một doanh nghiệp lâu năm, chủ quản nhãn hiệu Pin Con Thỏ vẫn giữ được kết quả kinh doanh tốt, đứng vững trên thị trường đầy cạnh tranh.
Đồng thời, Habaco có sản lượng xuất khẩu ổn định qua các thị trường Lào, Campuchia, và thông qua cổ đông chiến lược để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Ấn độ, Đông Âu, Trung Á, Châu Phi, Nam Phi, Mỹ… và là nhà phân phối độc quyền của GPBI tại Việt Nam từ 2019 đến nay.
Về tình hình kinh, doanh thu Habaco đều đặn mang về khoảng 300-370 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021. Sang năm 2022, kết quả kinh doanh bứt phá doanh thu đạt mức 461 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ và cũng là mức cao kỷ lục kể từ khi đi vào hoạt động. Theo đó, lợi nhuận của Pin Hà Nội 2022 cũng đạt mức tăng trưởng 2 con số 21% so với năm 2021, ghi nhận gần 37 tỷ đồng lãi ròng. Tuy không thể phá vỡ kỷ lục trước đó là 39 tỷ đồng năm 2020, con số này vẫn rất ấn tượng.
Sang năm 2023, chủ quản nhãn hiệu Pin Con Thỏ đặt kế hoạch doanh thu đạt 444 tỷ đồng và lãi trước thuế 37,6 tỷ đồng.
Diêm Thống Nhất không còn được “cháy sáng”
Diêm Thống Nhất (mã DTN) là cái tên rất đỗi quen thuộc từ nhiều năm nay của bao người dân Việt Nam thế hệ 8x trở về trước. Tuy nhiên, ngành sản xuất diêm đã dần đi vào thế khó, mất thị phần và vị thế theo thời gian kể từ khi bật lửa gas ra đời.
Kể từ năm 2020, Diêm Thống Nhất đã không còn được sản xuất; lãnh đạo công ty cho biết, sản phẩm truyền thống này chỉ được tiếp tục sản xuất chọn lọc, phục vụ theo đơn đặt hàng cho khách hàng có nhu cầu.
Tháng 10/2020, cổ phiếu DTN của công ty đã hủy đăng ký giao dịch sau 6 năm lên sàn do không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Thực tế đã chứng minh, lợi nhuận kinh doanh qua các năm của Diêm Thống Nhất dần đi xuống. Doanh thu qua các năm có sự tăng trưởng nhẹ, nhưng đáng chú ý là lợi nhuận thu về lại giảm sút đáng kể.
Doanh thu các năm gần đây của Diêm Thống Nhất đạt trong khoảng 100 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn xoay quanh ngưỡng dưới 3 tỷ đồng, cá biệt con số này năm 2019 không đạt 1 tỉ đồng, qua năm 2021 có sự khởi sắc với kết quả lãi hơn 2 tỷ đồng. Diêm Thống Nhất cũng hủy đăng ký giao dịch trên sàn UPcom vào cuối năm 2020.
Cần nhắc lại rằng, những thương hiệu xưa từng rất "thịnh vượng" trong các lĩnh vực kinh doanh nay lại vật lộn với những khó khăn về công nghệ và đối mặt cạnh tranh trên thị trường. Không ít cái tên vẫn tồn tại và biến hóa tốt thích nghi với thay đổi cuộc sống, số còn lại nếu như không thay đổi, hoàn toàn có thể bị "đào thải" bất cứ lúc nào. Để có thể giải quyết bài toán áp lực từ nhiều phía, vẫn phải tùy thuộc "sức khỏe" tiềm lực tài chính cũng như bước đi chiến lược của từng doanh nghiệp.
Nhịp sống thị trường