MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những tiếng thở dài của diêm dân

15-07-2016 - 08:18 AM | Thị trường

Bỏ cái nghề đã nuôi sống bao đời của cha ông để lại cũng xót xa lắm,, nhưng không bỏ không được chú à! Biển nhiễm độc, muối không ai mua, đeo bám nó chỉ có nước chết đói. Diêm dân chúng tôi bây giờ chạy tán loạn, người vào Nam, kẻ lên rừng vác bạch đàn thuê cả rồi” - bà Nguyễn Thị Diến, chủ vựa muối lớn nhất thôn Phúc Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) xót xa nói.

Đồng muối thành bãi thả trâu

Ở Quảng Bình duy nhất thôn Phúc Lộc có nghề làm muối. Với hơn 70 ha ruộng muối, nuôi sống hơn 270 hộ, gần 1.000 dân. Diêm dân Phúc Lộc cho biết, nghề làm muối tuy có vất vả nhưng thu nhập khá hơn làm nông nghiệp. Chỉ chừng ấy diện tích đất, nhưng người làm muối Phúc Lộc cũng có thu nhập từ 6 - 7 tỷ đồng mỗi năm.

Những năm trước, thời điểm này là chính vụ muối, dưới cái nắng chói chang, cánh đồng trước mặt làng Phúc Lộc trắng xóa một màu muối, người vào ra tấp nập. Nhưng năm nay, cánh đồng muối này không một bóng người, cỏ mọc xanh rì, từng đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ.

Người làng Phúc Lộc chưa từng nghĩ lại có ngày đồng muối của mình lại “chết” một cách tức tưởi như thế này. Bao nhiêu cơm áo, gạo tiền từ đồng muối mang lại nay trở thành con số không, dân làng táo tác khắp nơi kiếm ăn từng bữa. Theo diêm dân Phúc Lộc, thời điểm cá biển bắt đầu chết cũng là những ngày đầu vào vụ muối, khiến họ thiệt đơn, thiệt kép. Sau một thời gian nghỉ đông, người dân bắt tay đầu tư tiền của tôn tạo, cày bừa lại ruộng muối, chưa kịp thu về mẻ muối đầu tiên thì cá biển chết dạt trắng bờ.

Chỉ cách Formosa chừng 30km, cửa sông Roòn, nơi người dân lấy nước làm muối bị nhiễm độc nặng. Cá ngoài biển chết dạt vào, cộng với cá trong sông cũng chết, khiến con sông bao đời trong xanh ô nhiễm nặng nề. “Tui lấy nước vào ruộng muối, cá chết theo dòng trôi cả vào bốc mùi tanh nồng nặc. Tiếc công, tiếc của nên đánh liều nhặt cá vứt đi rồi ủ nước, cứ hy vọng nước bốc hơi sẽ bay hết mùi tanh trong muối. Ai ngờ khi hạt muối làm ra, có mùi hôi tanh khác thường, bán chẳng ai mua vì không dùng được. Mẻ muối đầu tiên của tui về chất đống trong nhà, có người chán nản vứt muối ngoài ruộng luôn không thu hoạch nữa” - diêm dân Lê Văn Thắng nói.

Người dân Phúc Lộc cho biết: Cũng là những người chịu thiệt hại trực tiếp từ hiện tượng cá chết, nhưng không hiểu sao đến nay họ không hề nhận được sự hỗ trợ gạo, tiền từ các chính sách của Nhà nước như ngư dân đi lộng, nên cuộc sống vốn đã khó lại càng khổ hơn.

Táo tác tìm kế mưu sinh

Quảng Phú là một trong những xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Quảng Trạch. Ruộng có, biển có, sông có, lại nằm dọc QL 1A, Quảng Phú được đánh giá là địa phương có tiềm năng đột phá trong phát triển kinh tế. Con đường tiến lên giàu mạnh đang mở ra trước mắt. Tuy nhiên, kể từ khi biển bị đầu độc, cá chết hàng loạt, kinh tế Quảng Phú bắt đầu đi thụt lùi.


Nhiều gia đình bỏ làng đi kiếm sống.

Nhiều gia đình bỏ làng đi kiếm sống.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: Xã có 2.400 hộ, hơn 10.000 dân, sống tại 9 thôn, hộ nghèo năm 2015 chỉ còn lại 4,4%. Sự cố môi trường biển ảnh hưởng ghê gớm đến đời sống người dân và kinh tế xã hội của địa phương. Chưa tính các thôn làm ngư nghiệp, chỉ riêng thôn làm muối, năm nay mất hẳn trên dưới 7 tỷ đồng. Từ ngày cá chết, người dân Quảng Phú rời quê đi làm thuê làm mướn khá đông. Tay nghề xưa nay chủ yếu là đánh cá, làm muối, nên cơ hội tìm việc làm của họ cũng bấp bênh, thường nặng nhọc nhưng thu nhập không cao. Như diêm dân, chủ yếu lên các xã miệt rừng chặt bạch đàn và vác bạch đàn thuê, ngày kiếm một, hai trăm nghìn.

Ông Dũng lo lắng: “Nếu không có những giải pháp cấp bách để biển sạch trở lại thì đúng là tai họa cho nền kinh tế và đời sống của người dân. Cũng vì thành tích chung mà Quảng Phú phấn đấu sớm về đích nông thôn mới, nay nợ nần chồng chất. Xã hiện đang nợ xây dựng cơ bản 25 tỷ đồng, với tình hình này thì không biết lấy nguồn đâu trả nợ cho doanh nghiệp. Cũng không thể hy vọng vào sự hỗ trợ của trên, vì huyện và tỉnh cũng đang dốc toàn lực để khắc phục hậu quả cá chết, ngân sách cạn kiệt. Trong lúc đó, thu nhập của người dân sụt giảm nghiêm trọng, hộ nghèo đang tăng lên đột biến, nên cũng không thể trông chờ vào nguồn lực đóng góp của người dân. Thực sự mà nói, cả chính quyền và nhân dân hiện rất bí bách”.

Đi dọc những con đường nông thôn mới của Phú Lộc rộng rãi, thẳng tắp trải dài theo thôn xóm nhưng vắng bóng người, mới cảm nhận hết cái khó, cái khổ của một mảnh làng vốn xưa nay sầm uất, trù phú. Làng giờ chỉ còn lại đàn bà, con nít. Hỏi ai cũng nói chồng, con lên rừng vác bạch đàn thuê, hoặc vào Nam kiếm sống. Không ít ngôi nhà cửa đóng then cài vắng lặng, hoặc treo biển cho thuê.

Vợ chồng ông Lê Văn Tường và Nguyễn Thị Diến được xem là chủ vựa muối lớn nhất Phúc Lộc. Họ có một cơ ngơi khá hoành tráng so với mặt bằng chung của người dân nơi đây. Ngôi nhà hai tầng đồ sộ, cổng không khóa nhưng nhà chẳng có ai. Gọi mãi, bà Diến quần ống cao, ống thấp chạy từ vườn sau ra. Bà Diến cho biết, mình đang cải tạo lại mảnh vườn để trồng rau chống đói, còn ông Tường cùng các con lên rừng làm thuê.

Bà Diến kể: Ông bà có 3 ha muối ngay trước mặt nhà. Với đức tính cần cù chịu khó, không thuê người làm nên mỗi năm gia đình bà cũng có trên dưới 300 triệu. Số tiền đó đủ cho gia đình bà trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học và xây ngôi nhà 2 tầng khang trang nhất xóm. Bà Diến tự hào, cũng nhờ làm muối, có đồng vào, đồng ra mà 5 đứa con bà học hành đàng hoàng, hai đứa đã ra trường, hai đứa đang học đại học và đứa út học phổ thông.


Bà Diến cho rằng, không làm muối dân Phúc Lộc không còn biết làm nghề gì để mưu sinh.

Bà Diến cho rằng, không làm muối dân Phúc Lộc không còn biết làm nghề gì để mưu sinh.

Hỏi về cuộc sống hiện nay, bà Diến ứa nước mắt nói: “Nhìn nhà cửa như ri ai nghĩ là mình đang đói mô chú. Nói là nhà tui nhiều muối nhất làng, thì cũng đúng, nhưng làm ra tích góp lâu nay chỉ đủ cho mấy đứa con ăn học, và xây ngôi nhà. Cá chết, nước biển nhiễm độc nên sản phẩm muối họ không mua nữa là hết tiền, nhiều lúc phải vay mượn từng đồng để mua gạo. Tui lo nhất, sắp đến năm học mới rồi, kiếm đâu ra tiền để nộp học cho ba đứa hắn đây. Đứa học phổ thông còn đỡ, ở nhà rau cháo chi cũng được, chớ hai đứa đại học, ít ra 1 tháng cũng phải mất cho chúng 5 triệu đồng”.

Theo bà Diến, cũng may nhờ trên miệt rừng đang vào mùa thu hoạch bạch đàn, nên người dân Phúc Lộc còn có việc làm. Chặt thuê, vác thuê cầm cự qua ngày. Tới đây, hết mùa thu hoạch bạch đàn, người dân Phúc Lộc không biết làm nghề gì để duy trì cuộc sống. Mắt nhìn về phía ruộng muối cỏ mọc um tùm, bà Diến buồn rầu nói: “Làm muối là nghề của cha ông để lại cho làng Phúc Lộc, chừ không làm được muối thì dân làng biết lấy chi để sống. Nhà nước phải làm sao cho biển sạch trở lại để dân còn đường làm ăn, chứ như ri thì chỉ có nước đói nghèo thôi”.

Theo Hoàng Nam

Tiền phong

Trở lên trên