MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS trong đại dịch Covid-19

07-08-2021 - 14:19 PM | Bất động sản

Những tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS trong đại dịch Covid-19

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường BĐS tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến.

Thời điểm này, thị trường BĐS nhiều "tâm trạng", biến động. Dù đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch Covid-19, sức cầu gần như sụt giảm ở tất cả phân khúc, nhưng niềm tin về sự phục hồi của thị trường là rất lớn. Trong đó, đi cùng với dịch, thị trường BĐS vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ nhiều yếu tố lạc quan.

Theo một nhà đầu tư BĐS, hiện tại, quá trình miễn dịch cộng đồng để sống chung với Covid-19 đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Chúng ta đang có khả năng tự sản xuất được vaccine, lộ trình vaccine về đã dồi dào hơn dự kiến, kế hoạch tiêm chủng đang được đẩy mạnh, những chệch choạc sai sót trong khâu tổ chức quản lý đang được điều chỉnh tích cực. Theo đó, khoảng cuối năm 2021, thị trường BĐS sẽ ổn định hơn. Nhiều NĐT có dòng tài chính tốt vẫn âm thầm tìm kiếm BĐS phù hợp, đầu tư trong trung – dài hạn.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cũng đánh giá về thị trường BĐS, đồng thời đưa ra những nhận định khả quan cho thị trường BĐS.

Theo đơn vị này, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thị trường bất động sản vẫn cơ bản ổn định, được ghi nhận một số kết quả như: Nhiều cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được ban hành, tháo gỡ khó khăn để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản.

Những tín hiệu lạc quan cho thị trường BĐS trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản, lượng giao dịch, giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không rơi vào tình trạng "đóng băng" hay "sốt nóng". Hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương đã kịp thời được kiểm soát; các hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loại thị trường đã được kịp thời chấn chỉnh.

Theo Bộ Xây dựng, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng và kế hoạch giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh thành cả nước tạo tâm lý lo ngại thị trường bất động sản sẽ trầm lắng trong quý 2/2021. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường bất động sản tại Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, thậm chí, một số phân khúc vẫn có triển vọng tăng trưởng tốt.Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến.

Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Tp.HCM, Hà Nội...Theo đó, các nhà đầu tư sẽ phát triển nhiều loại hình bất động sản mới nhằm cạnh tranh hơn như: secondhome, farmhome, homestay. Nhờ đó, người mua được tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao hơn, phong phú hơn.Vị trí, cơ sở hạ tầng quanh dự án cũng như sự phát triển của thành phố nói chung sẽ được người mua quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực ngoại thành, bởi không phải ai cũng có khả năng chi trả cho một căn hộ nội đô chất lượng cao.

Chia sẻ trước đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay,thời điểm này cho đến khi dịch bệnh chưa được kiểm soát thì thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Tuy nhiên đây chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn và thị trường sẽ phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoặc Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng. Hiện chúng ta đang có nhiều cơ sở để lạc quan vào tốc độ phục hồi của thị trường BĐS ít nhất là vào đầu 2022.

Đầu tiên là theo thông tin từ Bộ Y Tế, Việt Nam đang dồn nguồn lực để cuối 2021 đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu theo đúng tiến trình này, từ đầu năm 2022, câu chuyện của thị trường BĐS sẽ không còn phụ thuộc vào yếu tố dịch bệnh nữa. Lúc này, các dự án BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp sẽ phục hồi trước, sau đó là đến các phân khúc như mặt bằng, văn phòng cho thuê, BĐS nghỉ dưỡng,… theo tiến trình phát triển của nền kinh tế vỹ mô.

Thứ hai, hiện lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm cả tiền gửi và tiền vay, nguồn tiền rẻ được bơm vào thị trường ngày càng nhiều là cơ sở để kích cầu nhu cầu đầu tư và mua ở của BĐS.

Thứ 3, dù chưa kiểm soát tốt dịch bệnh trong giai đoạn này song Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ngành công nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp kéo theo sự sôi động của loại hình nhà ở, đất nền, kho bãi, văn phòng,… tại các khu vực phát triển công nghiệp.

Thứ 4, với tính an toàn, hữu hạn và tỷ suất sinh lời ổn định, thậm chí có thể đột biết, BĐS luôn là kênh đầu tư vua được người Việt lựa chọn hàng đầu, vượt trội hơn hẳn chứng khoán, vàng, ngoại tế,…. Do đó tầm nhìn dài hạn, người Việt vẫn ưu tiên dòng vốn đổ về mảng BĐS. Trên thực tế, tùy vào bối cảnh thị trường ở một số thời điểm BĐS có thể đi ngang song trong dài hạn, tỷ suất sinh lời của BĐS luôn vượt trội và ổn định hơn hẳn các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, tiết kiệm,… Mặt khác, so với kênh chứng khoán, tiền ảo,… thì đầu tư BĐS có rủi ro gần như bằng 0.

Dịch bệnh cũng là cơ hội để khách hàng tiếp cận được BĐS với mức giá và phương thức thanh toán tốt. Để doanh nghiệp có thời gian chỉnh chu pháp lý, nâng cao chất lượng dự án trước khi đưa ra thị trường. Nghĩ lạc quan hơn, doanh nghiệp có thể xem đây là thời gian "set up" lại bộ máy, đẩy nhanh quá trình số hóa trong vận hành để nâng cao hiệu quả công việc trong dài hạn.

"Đối với các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc mở bán, tiến hành các sàn giao dịch online, livestream bán hàng là điều cần thiết. Đây là giải pháp thiết thực để có được doanh thu. Giao dịch đình trệ song bộ máy hoạt động của các doanh nghiệp vẫn phải sẵn sàng mọi lúc mọi nơi, đặc biệt ở các bộ phận bán hàng. Phải duy trì chăm sóc khách hàng tiềm năng và chăm sóc lại khách hàng cũ. Mặt khác, doanh nghiệp nên áp dụng các chính sách bán hàng đột phá hơn trong mùa dịch thông qua đòn bẩy tài chính, chiết khấu, giãn thanh toán, tặng voucher, tặng nội thất,… để giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn, kích cầu sức mua trong giai đoạn này", ông Phúc chia sẻ.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên