Những tưởng sẽ là “long hổ giao tranh”, các ngân hàng châu Âu phải kiềm chế tham vọng muốn thách thức các tập đoàn thanh toán lớn của Mỹ
Mơ ước trở thành nhà vô địch thanh toán châu Âu của liên mình này đang bị “hãm phanh”.
- 26-04-2023Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ông Biden có lợi thế gì so với cuộc tranh cử giữa đại dịch năm 2020?
- 26-04-2023Thỏa thuận ảnh hưởng tới hàng chục triệu người có nguy cơ đổ bể, Nga nêu điều kiện tối quan trọng
- 26-04-2023Từng thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ USD vì "cơn gió ngược", những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc sắp đến thời "khổ tận cam lai"
Một liên minh ngân hàng châu Âu đã được thành lập với mong muốn nắm lấy thị trường thanh toán mà Mỹ vốn đang thống trị. Tuy nhiên, tham vọng ấy đang phải kiềm chế lại. Liên minh này có kế hoạch triển khai thí điểm vào cuối năm nay sau khi đồng ý mua lại hai công ty fintech.
Sáng kiến thanh toán châu Âu (EPI) ban đầu được đưa ra bởi hơn 30 ngân hàng để cạnh tranh với Visa và Mastercard. Thế nhưng, họ đã phải chấp nhận khởi đầu khiêm tốn hơn mong đợi.
EPI đã đồng ý mua công ty thanh toán Currence Ideal của Hà Lan và Payconiq có trụ sở tại Luxembourg. EPI sẽ tập trung vào việc ra mắt ví kỹ thuật số và hệ thống thanh toán tức thời ở Đức và Pháp vào cuối năm nay.
EPI dự định triển khai dịch vụ cho các quốc gia châu Âu khác và bổ sung các tính năng mới như mua ngay, trả tiền sau, cũng như các tính năng nhận dạng kỹ thuật số và tích hợp các chương trình khách hàng thân thiết.
Kể từ khi ra mắt, số lượng thành viên của EPI đã bị thu hẹp với cơ sở cổ đông hiện gồm 16 công ty cho vay, chủ yếu có trụ sở tại Pháp, Đức và Hà Lan, chẳng hạn như BNP Paribas, Société Générale, Deutsche Bank và ING.
Tham vọng của nhóm cũng đã được thay đổi. Ý muốn ban đầu của nhóm này là “xây dựng một nhà vô địch thanh toán châu Âu có thể cạnh tranh với PayPal, Mastercard, Visa, Google và Apple”. EPI hiện đang tập trung vào việc tạo ra một hệ thống thanh toán tức thì có thể chuyển tiền giữa các tài khoản trong vòng vài giây trên một số khu vực pháp lý của châu Âu.
Giám đốc điều hành của EPI là Martina Weimert cho biết quyết định tái tập trung vào các khoản thanh toán tức thì một phần là để đáp ứng luật từ Uỷ ban Châu Âu vào năm ngoái. Mục đích là nhằm giúp đẩy nhanh việc cung cấp và tiếp nhận các khoản thanh toán tức thì.
Weimert nói thêm rằng mặc dù EPI không còn theo đuổi việc thiết lập hệ thống thanh toán bằng thẻ nhưng thanh toán tức thời là một giải pháp thay thế cho thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ truyền thống.
EPI không tiết lộ các điều khoản tài chính của việc mua lại Currence Ideal và Payconiq. Nhưng một người biết về các giao dịch này cho biết tổng chi phí sẽ lên tới 70 triệu euro. Người này nói thêm rằng EPI đã dự phòng tới 20 triệu euro để trang trải các khoản lỗ hàng năm của Payconiq.
Currence Ideal được ra mắt vào năm 2004 và thuộc sở hữu của các ngân hàng Hà Lan ING, ABN Amro và Rabobank. Payconiq được phát triển bởi ING cùng với KBC, Rabobank và Belfius. Tất cả chủ sở hữu của cả hai fintech đều là cổ đông của EPI.
Theo 2 người biết về thoả thuận, các cổ đông của Payconiq có quyền lấy lại hoạt động kinh doanh nếu EPI không thành công trong quá trình triển khai.
Tham khảo FT
Nhịp Sống Thị Trường