Những vành đai hy vọng
Đường Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội đã chính thức khởi công. Đây là những tuyến giao thông cực kỳ quan trọng đối với 2 đô thị lớn nhất cả nước cũng như với các địa phương xung quanh.
- 27-06-2023DỰ ÁN ÐƯỜNG VÀNH ĐAI 3 TP HCM: Bình Dương đã có đường băng
- 20-06-2023Vừa khởi công Vành đai 3, vậy đường Vành đai đầu tiên ở TP.HCM bây giờ ra sao?
- 18-06-2023Ông Phan Văn Mãi: Dự án Vành đai 3 TP.HCM áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ
Sáng ngày 18/6, UBND TPHCM đã chính thức khởi công tuyến Vành đai 3 TPHCM. Dự án này là một trong những dự án giao thông lớn nhất cả nước, có tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng (giai đoạn 1). Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và điều chỉnh năm 2013, có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua TPHCM và 3 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Long An). Trong đó, đoạn qua TPHCM dài 47km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 397ha, với 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 663 hộ phải giải tỏa.
Đây được xem là cung đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh, thành dự án đi qua mà tác động tới cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo kế hoạch, Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành, thông xe kỹ thuật 4 làn cao tốc cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ năm 2026. Công trình được thiết kế kết nối những tuyến giao thông xuyên tâm nhiều cao tốc và đóng vai trò giải tỏa luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không cần đi qua khu trung tâm đông dân cư. Từ đó, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển.
Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ thi công, TPHCM đã lập Tổ công tác khai thác quỹ đất dọc tuyến vành đai 3. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ là rà soát quỹ đất công dọc hai bên tuyến đường vành đai 3 hoặc tiệm cận và rà soát quy hoạch đất nông nghiệp tại khu ít dân cư để đề xuất chủ trương đầu tư lập dự án bồi thường đất nông nghiệp bằng đất ở tạo quỹ đất sạch; từ đó tham mưu tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội cho TPHCM.
Cùng với Vành đai 3 TPHCM, một đường vành đai rất quan trọng khác là Vành đai 4 Vùng Thủ đô, khởi công vào ngày 25/6. Đây là bước tiến mới của chặng đường đưa dự án tiến dần về đích với quyết tâm, hợp tác và cam kết về tiến độ của 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên để thực hiện mục tiêu kết nối mở rộng không gian, thúc đẩy kết nối liên vùng, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước; tạo động lực mới để phát triến đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển cho thành phố Hà Nội.
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài 112,8km, đoạn qua địa phận Hà Nội dài 58,2km, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội-Hạ Long và đoạn đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng.
3 dự án thành phần của dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đã được khởi công. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7km (qua địa bàn tỉnh Đồng Nai 34,2km, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5km), tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỉ đồng. Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư Dự án là 21.935 tỷ đồng.
Đại đoàn kết