Những vũ khí sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi không kích Syria của Tổng thống Trump
Hai tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình Tomahawk cùng hàng loạt máy bay và tàu ngầm đã vào vị trí, sẵn sàng không kích Syria khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh.
- 12-04-2018Dọa nã tên lửa "mới và thông minh": Chưa kịp đánh Syria, Mỹ đã mất lợi thế vì ông Trump?
- 12-04-2018Đồ họa giải thích những mối quan hệ chồng chéo trên chiến trường Syria
- 12-04-2018Đây là nguyên nhân khiến nội chiến Syria dai dẳng và hỗn độn
- 11-04-2018Châu Âu cảnh báo các hãng hàng không về nguy cơ tên lửa ở Syria
- 11-04-2018Tổng thống Trump: Nga hãy sẵn sàng đón tên lửa Mỹ ở Syria
Ở thời điểm hiện tại, giới chức Mỹ vẫn đưa ra quyết định cuối cùng với vấn đề Syria. Dù tối 11/4, Tổng thống Trump đăng đàn và cảnh báo Nga về những quả tên lửa "đẹp đẽ, mới mẻ và thông minh" của Mỹ sẽ bắn vào Syria. Tuy nhiên, đây được xem là động thái đáp trả của ông chủ Nhà Trắng trước việc một Đại sứ Nga tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa Mỹ và cả các phương tiện phóng chúng nếu quân đội Nga bị tấn công ở Syria.
Sau dòng tweet của ông Trump, thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cũng nói rằng tấn công bằng tên lửa chỉ là một trong những lựa chọn của Mỹ và dòng thông điệp trên mạng xã hội của Tổng thống Trump không phải kế hoạch đáp trả chính thức của Washington.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng nhấn mạnh Mỹ đang "đánh giá tình báo" về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Tuy nhiên, ông Mattis khẳng định Quân đội Mỹ đã sẵn sàng để thực hiện cuộc không kích theo mệnh lệnh của Tổng thống.
Khí tài sẵn sàng
Ông Mattis không nói chơi. Hiện tại, quân đội Mỹ đang duy trì lượng đáng kể khí tài xung quanh Syria. Ngoài hai tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đã vào vị trí sẵn sàng không kích, Mỹ còn duy trì một lượng tàu ngầm không xác định ngoài khơi Địa Trung Hải. Giống các tàu chiến, những chiếc tàu ngầm này cũng có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu trên lãnh thổ Syria.
USS Nitze, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ đang có mặt ở Địa Trung Hải.
Trải qua nhiều cuộc chiến, Tomahawk đã chứng minh được khả năng luồn lách để tránh bị hệ thống radar của đối phương phát hiện. Hệ thống dẫn đường vệ tinh giúp nó có khả năng bắn chính xác các mục tiêu với sai số rất thấp. Tuy nhiên, đây dường như chưa phải là loại tên lửa "đẹp đẽ, mới mẻ và thông minh" mà ông Trump đã nhắc tới trên Twitter vì Tomahawk đã quá quen thuộc trong các đợt không kích gần đây.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang duy trì phi đội F-22, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, tại Qatar. Theo phía Mỹ, F-22 có thể qua mặt được các hệ thống phòng không Nga trang bị cho Syria. Tuy nhiên, F-22 chưa chứng minh được nhiều khả năng của mình vì nó là vũ khí mới được đưa vào biên chế chiến đấu của quân đội Mỹ và chưa được sử dụng nhiều trên thực địa.
Máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer của Mỹ.
Với sự hiện diện của hệ thống phòng không S-400, Mỹ chắc chắn sẽ lựa chọn các cuộc không kích tầm xa vào các mục tiêu đã chọn. Một trong những ứng viên có thể đảm trách nhiệm vụ này là máy bay ném bom tàng hình B-1 Lancer. Cùng với máy bay ném bom chiến lược B-52, tiêm kích phản lực F-15E và F-16, những chiếc B-1 có thể làm bệ phóng cho AGM-158 JASSM, tên lửa tàng hình với độ chính xác cao mới được Mỹ đưa vào biên chế chiến đấu. Dường như ông Trump muốn nhắc tới AGM-158 JASSM trong dòng thông điệp đe dọa Nga.
Các đồng minh của Mỹ
Hỏa lực của Mỹ trong khu vực đã đủ cho một cuộc không kích Syria. Tuy nhiên, Washington vẫn muốn sự góp mặt của Anh và Pháp, hai đồng minh thân cận nhất, trong chiến dịch không kích tiềm năng. Sự hiện diện của các chiến hạm và tàu ngầm của hai nước đồng minh sẽ giúp Mỹ tăng cường khả năng của các đợt không kích.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nếu tấn công, Pháp sẽ chỉ không kích những cơ sở hóa chất của chính quyền Syria. Hiện tại, vũ khí mà Pháp có thể dùng cho các cuộc không kích có chọn lọc là loại chiến đấu cơ Dassault Rafale, vốn từng được dùng để không kích Afghanistan, Libya và cả Syria.
Tiêm kích phản lực Rafale của Pháp.
Hiện tại, Pháp có 10 chiếc Rafale có thể trang bị tên lửa hành trình Storm Shadow với tầm bay 250 km ở Jordan và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Nhờ tên lửa Storm Shadow, chiến đấu cơ Pháp có thể tấn công mà không cần tiến vào không phận Syria.
Ngoài ra, Pháp cũng có thể tiến hành không kích từ các tàu khu trục Aquitaine với 16 tên lửa hành trình và 16 tên lửa phòng không. Những chiến đấu cơ Rafale cất cánh từ Pháp cũng có thể không kích Syria trong điều kiện được tiếp nhiên liệu trên không.
Về phần mình, Anh chưa đưa ra quyết định cuối cùng, Tuy nhiên, tờ Daily Telegraph hôm qua cho biết Thủ tướng Anh Theresa May đã ra lệnh cho các tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Anh đi vào khu vực có thể không kích Syria bằng tên lửa. Quyết định chính thức của bà May sẽ được thông báo trong cuộc họp báo ngày 12/4.
Tàu ngầm HMS Astute của Hải quân Hoàng gia Anh.
Phát biểu tại thành phố Birmingham hôm 10/4, bà May cho biết "tất cả các dấu hiệu" đều cho thấy chính quyền Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma. Bà May cũng khẳng định việc sử dụng loại vũ khí hủy diệt này "không thể không bị ngăn chặn". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể xác định Chính phủ Anh có đang xem xét tiến hành các biện pháp quân sự ở Syria hay không.
Những mối tơ vò trong cuộc nội chiến Syria