MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những vùng ngoại ô sắp “tuyệt chủng” ở nước Mỹ

06-03-2017 - 14:05 PM | Tài chính quốc tế

Người dân ở các vùng ngoại ô nước Mỹ đang thay đổi cách mua sắm, ăn uống hay chọn lựa nhà cửa – điều mà tờ Business Insider gọi là “Cái chết của vùng ngoại ô”.

Các trung tâm thương mại đang ngày càng vắng bóng bởi sự thịnh hành của thương mại điện tử. Kèm với đó, những chuỗi nhà hàng nằm trong các trung tâm thương mại, nơi người ta thường ghé đến sau một ngày cuốc bộ mua sắm, cũng đang phải vật lộn để tồn tại. Nếu những xu hướng này tiếp tục diễn ra, vùng ngoại ô nước Mỹ mà nhiều người vẫn biết, sẽ không còn tồn tại.

Xóa mờ khoảng cách ngoại ô, thành thị

Fadi Masoud, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Toronto, Canada, cho biết, ranh giới giữa thành thị và ngoại ô đã bắt đầu bị xóa mờ. Sống ở trung tâm thành phố, phần lớn người dân sẽ phải đi bộ. Càng hướng ra ngoài, diện tích càng rộng và mật độ dân cư thưa dần. Đó là những gì người ta vẫn định nghĩa về thành phố và ngoại ô. Tuy nhiên, khái niệm này đang bị thay đổi.

Quy hoạch đô thị trên khắp nước Mỹ đang định nghĩa lại cách hình thành các vùng ngoại ô. Thị trấn như Rochelle, một vùng ngoại ô của thành phố New York, được quy hoạch với ít không gian và quyền sở hữu riêng nhưng lại tăng khu vực đi bộ. Nó giống như trung tâm sầm uất của một thành phố lớn.


Quy hoạch vùng ngoại ô Rochelle.

Quy hoạch vùng ngoại ô Rochelle.

Biệt thự giá rẻ biến mất dần

Vùng ngoại ô nước Mỹ vốn nổi tiếng với những căn biệt thự rộng rãi nhưng giá cả phải chăng, cho phép người sở hữu thoát khỏi sự ồn ã và náo nhiệt của thành thị. Tuy nhiên, trong bài báo tháng 8/2016, Bloomberg đã chỉ ra số biệt thự kiểu này đã giảm đáng kể ở 85 trong số 100 thành phố lớn nhất nước Mỹ.

Lấy dẫn chứng tại Fort Lauderdale, Florida, người mua không còn mặn mà với các biệt thự kiểu này. Từ năm 2012 tới 2016, người mua số biệt thự kiểu này đã giảm tới 84%. Ở năm 2012, biệt thự có giá 477.000, đắt hơn 274% so với các loại nhà khác cùng khu vực. Năm 2016, nó có giá 611.000 USD/căn, đắt hơn 190% so với phần còn lại.

Hiện tại, người mua nhà đang đề cao hiệu quả sử dụng so với trước đây. Những căn biệt thự rộng rãi trở nên lãng phí và không thực sự cần thiết.

Khủng hoảng trung tâm mua sắm

Những trung tâm thương mại vắng khách là tình cảnh chung ở các vùng ngoại ô nước Mỹ. Theo các công ty chuyên về bất động sản, có khoảng ¼ số trung tâm thương mại ở vùng ngoại ô đang đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động. Xu thế mua hàng trên Internet là nguyên nhân chính của vấn đề.

Nếu các trung tâm thương mại phải đóng cửa hàng loạt, đây là sự khó khăn cho cả cộng đồng, đặc biệt là ở những vùng ngoại ô, nơi cơ hội việc làm hạn chế hơn rất nhiều so với các thành phố. Howard Davidowitz, chủ tịch công ty nghiên cứu Davidowitz & Associates, nhấn mạnh: “Các trung tâm thương mại rất quan trọng bởi khoản thuế, lượng công ăn việc làm chúng tạo ra và nhiều điều khác. Khi chúng đóng cửa, đó sẽ là tai họa với các khu ngoại ô trong thời gian rất dài”.

Sự ra đi của những công ty lớn

Trong vài năm qua, những công ty lớn nhất của nước Mỹ đã đồng loạt chuyển trụ sở khỏi những vùng ngoại ô để di cư tới các thành phố lớn. Làn sóng này bắt đầu năm 2015, khi McDonald's, Kraft Heinz và ConAgra Foods lần lượt chuyển trụ sở khỏi các vùng ngoại ô Chicago tới văn phòng nằm trong thành phố.

Vào tháng 8 năm ngoái, General Electric cũng tuyên bố chuyển trụ sở từ Fairfield, Connecticut tới Boston. Vài năm trước, ngân hàng UBS cũng chuyển về New York sau 15 năm đóng đô ở Stamford, Connecticut. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc những khách hàng cấp cao của UBS tập trung ở New York.

Đường xá xuống cấp

Những con đường nối các khu ngoại ô tới các thành phố lớn cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ (ASCE) phân loại nhiều tuyến đường nối thành thị với các vùng ngoại ô ở mức bị hư hại nghiêm trọng. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ước tính cần 1.000 tỷ USD để sửa chữa hệ thống xa lộ và đường cao tốc của Mỹ.

Christopher Leinberger, người đứng đầu Trung tâm Phân tích đô thị và Bất động sản của Đại học George Washington, cho rằng: “Ở ngoại ô, thách thức lớn là sửa chữa các tuyến đường cao tốc. Và sẽ chẳng có con đường cao tốc mới nào được xây dựng trong khi chúng ta còn chẳng thể bảo dưỡng những gì chúng ta đang có”.

Sân golf, nhà hàng ngày càng vắng bóng

Chơi golf từng là trò tiêu khiển thời thượng ở Mỹ. Tuy nhiên ngày nay, nhiều sân golf trên khắp nước Mỹ đang đứng bên bờ vực đóng cửa hoặc đã ngừng hoạt động. Theo thống kê, 800 sân golf của nước Mỹ biến mất trong 10 năm qua. Nguyên nhân nằm ở chỗ những người trong độ tuổi từ 18 đến 30 không hứng thú với môn thể thao này.

Trong khi đó, người dân ở các vùng ngoại ô chọn cách tự nấu nướng thay vì ăn ngoài, khiến các chuỗi nhà hàng phải vật lộn để tồn tại. Việc kinh doanh lẹt đẹt còn khiến nhiều chuỗi nhà hàng phải giảm số lượng các quán để cắt lỗ. Cùng với đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thương hiệu trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Những vùng ngoại ô xa lạ

Ngoại ô đang thay đổi chưa từng có. Những gì được coi là đặc trưng của một vùng ngoại ô nước Mỹ đang biến mất dần và được thay thế bởi những nét đặc trưng của đô thị. Nếu xu thế này tiếp tục, những khu ngoại ô điển hình của nước Mỹ sẽ chỉ tồn tại trong trí nhớ của con người.

Linh Anh

Business Insider

Trở lên trên