Những y tá người Philippines khốn khổ ở Mỹ và sự mong manh của chuỗi cung ứng y tá toàn cầu
Đại dịch đã cho thấy mức độ phụ thuộc của các nước giàu hơn, bao gồm cả Mỹ, vào nguồn nhân viên chăm sóc sức khỏe đến từ những quốc gia nghèo hơn như Philippines.
- 23-04-2020Đau thương trong ICU ở Anh: Y tá rút ống thở, nắm tay an ủi cho đến khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng
- 16-04-202070.000 y tá Tây Ban Nha có thể đã mắc COVID-19
- 10-04-2020Các y tá Mỹ không được xét nghiệm có thể trở thành nguồn lây Covid-19
Hành trình của Daisy Doronila đến Mỹ là điển hình cho một y tá đến từ Philippines. Là con út trong một gia đình có năm anh em, lần đầu tiên cô rời quê nhà để tới làm việc tại Abu Dhabi, nơi một trong số các chị gái của cô làm việc tại một ngân hàng, trước khi lên đường đến California vào năm 1990. Ở đó, cô chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Martin Luther King Jr., một nơi có cơ sở vật chất nghèo nàn chuyên phục vụ những cư dân nghèo nhất ở Nam Los Angeles, sau đó làm việc tại một cơ sở giam giữ trẻ vị thành niên. Sau đó, cô chuyển sang phía đông, đảm nhận một vị trí tại Trung tâm cải huấn quận Hudson ở New Jersey. Các công việc đều rất vất vả, nhưng Doronila cảm thấy cô rất may mắn.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước phát triển dựa nhiều vào những người nhập cư từ các quốc gia nghèo hơn như Doronila. Số liệu từ New American Economy, một tổ chức nghiên cứu và vận động, cho thấy 16,5% nhân viên y tế ở Mỹ là người nhập cư, và con số này thậm chí còn lớn hơn ở các lĩnh vực cụ thể như hỗ trợ y tế tại nhà, khi gần 37% nhân viên là người nhập cư. Và có lẽ không quốc gia nào chiếm phần lớn như Philippines, nơi mà trong nhiều thập kỷ đã cung cấp các y tá, người khuân vác và các phụ tá - những người hình thành cơ sở hạ tầng quan trọng của bệnh viện, phòng khám và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác ở những nơi giàu có nhất thế giới.
"Nếu không có nguồn lao động nhập cư phục vụ chăm sóc sức khỏe, hầu hết ngành chăm sóc sức khỏe tại các nước phát triển có thể sẽ sụp đổ", ông Leo Leo-Felix Jurado, chủ tịch khoa Điều dưỡng tại Đại học William Paterson, New Jersey, và giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tá Philippines của Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, câu chuyện điển hình của Doronila không chỉ dừng lại ở đó. Vào giữa tháng 3, Doronila bị ho và bắt đầu cảm thấy không khỏe. Con gái của cô, Denise Rendor, nói rằng Doronila đã thăm khám một vài bác sĩ nhưng họ đều cho rằng đó là triệu chứng ở một số bệnh về xoang thông thường, nhưng sau đó cô bắt đầu viêm họng. Một người bạn đã gợi ý cô tới một bệnh viện địa phương để xét nghiệm virus corona, và Doronila đã đến đó vào sáng ngày 18 tháng 3, sau một đêm cảm lạnh và đau nhức cơ thể. Tuy nhiên vì cô đã uống Tylenol để giảm cơn sốt nên khi đo nhiệt độ, cô được thông báo rằng mình không đủ điều kiện để xét nghiệm. Chưa đầy ba tuần sau, vào ngày 5 tháng 4, Doronila qua đời, trở thành một trong rất nhiều y tá người Philippines làm việc ở nước ngoài đã mất mạng trong đại dịch.
Đại dịch bùng phát đã đã phơi bày sự mong manh và bất bình đẳng trong các hệ thống và xã hội trên khắp thế giới. Ngay cả trước đại dịch, Philippines đã phải chịu cảnh thiếu hụt nhân viên y tá lên đến hàng chục ngàn người. Sự thiếu hụt này càng trở nên trầm trọng khi rất nhiều y tá, cũng như các bác sĩ hàng đầu đã chết do virus. Nhu cầu lớn đến nỗi trong tháng này, chính phủ đã áp đặt hạn chế một số y tá làm việc ở nước ngoài. Và ở nước ngoài, các y tá người Philippines bị quá tải công việc trong các hệ thống y tế không sẵn sàng để xử lý một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng trên quy mô lớn ở ngay tại các nước phát triển.
Có gần 70.000 y tá di cư từ Philippines để làm việc từ năm 2008 đến 2012, theo dữ liệu của chính phủ cho thấy, và trong năm 2017, Viện Chính sách di cư có trụ sở tại Washington đã tìm thấy khoảng 145.800 người Philippines làm việc như một điều dưỡng viên tại Mỹ. Tại Anh, chỉ có hơn 18.500 người Philippines làm việc cho Dịch vụ y tế quốc gia, theo một báo cáo của quốc hội được công bố năm ngoái. Một lượng lớn y tá người Philippines cũng làm việc tại các quốc gia vùng Vịnh, như Ả Rập Saudi và Nhật Bản, hỗ trợ chăm sóc cho đất nước mà dân số già gia tăng nhanh chóng. Tây Ban Nha trong tháng này cho biết họ sẽ điều động thêm các y tá người Philippines tham gia vào lực lượng hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe đang quá tải của mình.
Trong đại dịch covid-19, nguồn y tá nhập cư trên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sáu y tá người Philippines, cũng như một bác sĩ tâm thần, đã chết ở Mỹ do các biến chứng từ COVID-19, theo đại sứ quán Philippines tại Washington, DC cho hay. Con số này cao hơn ở Anh: hai mươi hai y tá người Philippines và nhân viên bệnh viện được tuyển bởi Dịch vụ Y tế Quốc gia đã chết, theo đại sứ quán ở đó. Những con số này gần như chắc chắn sẽ tăng lên khi các quốc gia đang chiến đấu để kiểm soát đại dịch.
Một số người đã chết, như Doronila và Noel Sinkiat, 64 tuổi, một y tá tại Bệnh viện Đại học Howard ở Washington, D.C., đã sống ở các quốc gia nơi họ làm việc hàng chục năm và có quyền công dân. Sinkiat là một phần trong làn sóng hàng chục ngàn nhân viên chăm sóc sức khỏe người Philippines di cư vào cuối những năm 1970 và đầu thập niên 80. Những người khác đã rời khỏi nhà gần đây, như Warlito Valdez, người đã chuyển đến gần Vancouver ba năm trước để chăm sóc sức khỏe tại một trung tâm dành cho người khuyết tật. Một số khác điều trị cho những cựu chiến binh ở một bệnh viện Michigan. Hai người làm công việc khuân vác, di chuyển bệnh nhân và thiết bị qua hành lang của một bệnh viện ở Oxford, Anh.
Mức lương cao hơn đáng kể so với những gì nhận được khi làm việc tại quê nhà là động lực chính cho việc nhiều người Philippines tìm kiếm công việc điều dưỡng ở nước ngoài, nhưng một số các yếu tố khác thì phức tạp hơn, theo Catherine Ceniza Choy, giáo sư nghiên cứu dân tộc tại UC Berkeley. Trong cuốn sách "Empire of Care", Choy truy tìm lịch sử của các y tá người Philippines ở Mỹ đến chủ nghĩa thực dân Mỹ đầu thế kỷ 20 ở Philippines, kéo dài cho đến khi quần đảo này giành được độc lập vào năm 1946. Cuộc di cư cũng có các khía cạnh văn hóa và xã hội: "ý tưởng về một chuyến phiêu lưu hay Hollywood và Broadway cũng đóng góp một phần nào đó bởi họ nghĩ rằng điều này đồng nghĩa với độc lập, tự do và sự sang trọng", Choy cho biết.
Vào thời điểm Sinkiat đến Mỹ năm 1979, Philippines bị nhà độc tài Ferdinand Marcos cai trị, người đã tìm cách biến đất nước thành nền kinh tế xuất khẩu và thúc đẩy người Philippines di cư như một cách giải quyết nạn thất nghiệp trong nước. Nhưng chiến lược đó đầy rẫy mâu thuẫn: Chính phủ muốn thúc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhưng người dân Philippines đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng diện rộng; rất nhiều y tá đã bỏ ra nước ngoài dù tỷ lệ y tá trên dân số của đất nước còn rất thấp. Hiện nay, khi một số y tá đã trở về quê nhà, một giải pháp tạm thời nên được đề ra.
Các đại sứ Philippines tại Mỹ và Anh đã ca ngợi những nỗ lực của các y tá người Philippines, các trang tưởng niệm trực tuyến tràn ngập các bình luận, và hàng chục ngàn USD đã hỗ trợ chi phí cho tang lễ và gia đình. Ngay cả Piers Morgan, nhân vật truyền hình người Anh năm ngoái bị lên án vì là một người phân biệt chủng tộc Châu Á, đã ca ngợi các y tá người Philippines như những anh hùng vô danh trong một chương trình gần đây. Nhưng Jean Encinas-Franco, trợ lý giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines ở Diliman, đã chỉ trích thuật ngữ anh hùng thường được chính phủ Philippines triển khai để mô tả người Philippines làm việc ở nước ngoài.
Encinas-Franco, người tập trung nghiên cứu vào nhận thức của người lao động Philippines ở nước ngoài, cho biết những lời khen ngợi sẽ "hợp pháp hóa sự chịu đựng và hy sinh mà họ đang trải qua ở nước ngoài", bao gồm bị trả lương thấp, lừa đảo việc làm và phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc. Sự ẩn dụ này đã được sử dụng nhiều hơn trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. "Họ là những con người "vô hình" trước khi xảy ra covid-19. Bây giờ, họ đã trở thành "thiệt hại ngoài dự kiến" của các chính phủ mà có sự chuẩn bị nghèo nàn trước đại dịch này."
Cuối cùng, mặc dù cả Sinkiat và Doronila đều làm việc trong lĩnh vực y tế, họ gặp phải vấn đề tương tự mà nhiều người ở Mỹ gặp phải - gặp khó khăn khi xét nghiệm. Sinkiat bắt đầu cảm thấy không khỏe vào ngày 14 tháng 3. Một tuần sau, khi các triệu chứng kéo dài, ông đã đến một cơ sở chăm sóc khẩn cấp tại địa phương với hy vọng được xét nghiệm virus, nhưng được thông báo rằng mặc dù đã bị sốt cao, ông vẫn sẽ phải chờ đợi vì không đủ nguồn lực xét nghiệm. Sinkiat cuối cùng đã được xét nghiệm vào ngày 24 tháng 3.
Hai ngày sau, trong khi chờ đợi kết quả, Sinkiat đã có một cuộc gọi video với Matt và cháu trai mới, Liam. Vài giờ sau khi cúp máy, ông được đưa đến bệnh viện gần nhà và qua đời vào sáng sớm hôm sau. Chỉ ba ngày sau khi ông được xét nghiệm. Cho đến ngày 2 tháng 4, sau khi Matt gọi điện cho Giám đốc điều hành của cơ sở chăm sóc khẩn cấp, kết quả xét nghiệm của Sinkiat mới được gửi đến, cho biết ông đã dương tính với covid-19.
Doronila cuối cùng đã có thể được xét nghiệm vào ngày 21 tháng 3, khi tình trạng sức khỏe của cô đã xấu đi trông thấy. Cô được xe cứu thương đưa đến bệnh viện, nhanh chóng được chuyển sang chăm sóc đặc biệt. Một trong những điều độc ác nhất là việc bệnh nhân phải chịu đựng sự cách ly ngay cả trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời - một điều mà cả gia đình Doronila và Sinkiat sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân họ. Rendor đã cầu xin các y tá nhét điện thoại vào một chiếc túi ni lông và giữ nó gần mẹ để có thể nói chuyện với bà. "Tôi sẽ gọi lúc 2 giờ sáng và hy vọng có thể cầu nguyện cho mẹ mình, vì tôi biết bà không thể nói chuyện được. Tôi đã cầu xin tất cả các y tá."
Các biện pháp cách ly xã hội đã khiến Rendor không thể tổ chức tang lễ cho mẹ cô, nhưng 450 người trên khắp nước Mỹ và Philippines đã đăng nhập vào một buổi lễ ảo.
Tôi đã hỏi Rendor về sự nghiệp của Doronila, tại sao cô ấy làm việc quá lâu tại các nhà tù và cơ sở cải tạo. "Mẹ tôi nói rằng bà muốn chăm sóc những người mà không ai muốn chăm sóc", Rendor nói. "Đó là những người bị giam giữ, bị cách ly, những người dễ bị tổn thương, những người không bao giờ thực sự có sự quan tâm và chăm sóc đó trong cuộc sống của họ."
Theo The Atlantic