Những yếu tố quyết định khả năng "thống trị" ngành tài chính - ngân hàng trong năm 2024
Sự phát triển của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số đã thúc đẩy thị trường tài chính chuyển dịch nhanh chóng. Với sự bùng nổ của các tiến bộ công nghệ, 2024 hứa hẹn là một năm với nhiều chuyển biến thú vị đối với ngành tài chính – ngân hàng.
Dưới đây là những xu hướng hàng đầu nắm giữ khả năng "thống trị" trong ngành tài chính trong năm 2024.
Thúc đẩy trải nghiệm khách hàng số
Sự lan tỏa của công nghệ số đã và đang thay đổi cách doanh nghiệp tương tác với khách hàng, chuyển đổi từ phương thức truyền thống sang nền tảng số. Trong những năm qua, người tiêu dùng số ngày càng trở nên phổ biến, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng cường xây dựng trải nghiệm khách hàng tối ưu trên nền tảng số. Theo nghiên cứu của Futurum Research, 85% doanh nghiệp tiết lộ rằng khách hàng ngày càng có nhận thức cao và đang tích cực đón nhận các hình thức kỹ thuật số.
Việc thiết kế chiến lược số hóa phù hợp và cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa chính là chìa khóa để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính mở rộng không gian sáng tạo và tăng lợi thế cạnh tranh trong kỉ nguyên số. Do đó, nhiều ngân hàng đang nỗ lực tận dụng sức mạnh của công nghệ hiện đại nhằm phát triển các dịch vụ/sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ ngân hàng số đến hợp tác với fintech và ngân hàng mở,...
Để đạt được trải nghiệm khách hàng số vượt trội, các tổ chức tài chính có thể tận dụng sức mạnh của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và Machine Learning (ML) để tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng. Nhờ khả năng phân tích hành vi, nhu cầu và mong muốn của khách hàng, AI có thể đề xuất các sản phẩm/dịch vụ phù hợp với hành vi tài chính và thói quen chi tiêu của khách hàng. Các thuật toán Machine Learning có thể được tận dụng để phân tích xu hướng hành vi khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ
Năm 2024, những xu hướng công nghệ hiện đại, có nhiều bước đột phá được dự đoán sẽ bùng nổ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của khách hàng.
Trí tuệ nhân tạo và Machine Learning
Theo Business Insider, 80% ngân hàng đều đã nhận thức được những lợi ích tiềm năng mà AI mang lại.
Các chatbot được hỗ trợ bởi AI ngày càng trở nên phổ biến trong ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, thúc đẩy sự tương tác hiệu quả và cá nhân hóa cho khách hàng nhờ tận dụng thuật toán Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP) để hiểu ngữ cảnh và ngôn ngữ tự nhiên.
Bên cạnh đó, AI và ML được sử dụng để phân tích lượng dữ liệu khổng lổ của ngân hàng, bao gồm dữ liệu khách hàng, biểu mẫu, giao dịch, hồ sơ vay vốn,… và xác định các dữ liệu mẫu và các mô hình rủi ro dựa trên lịch sử giao dịch hoặc thói quen chi tiêu, từ đó hỗ trợ các tổ chức tài chính ra quyết định chiến lược phù hợp.
AI và ML cũng đang được các ngân hàng triển khai để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động gian lận, thực hiện hiệu quả các quy trình chống rửa tiền (Anti-Money Laundering – AML) và nhận biết khách hàng (Know your customer – KYC).
Trong tương lai, AI và ML sẽ dần trở thành công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại sự hài lòng, thuận tiện cho khách hàng và nâng cao lợi nhuận cũng như năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tự động hóa thông minh
Theo báo cáo năm 2019, gần 85% ngân hàng đã triển khai Tự động hóa thông minh (Intelligent Automation – IA) để tăng tốc tự động hóa một số chức năng cốt lõi. Bằng cách tích hợp Tự động hóa quy trình bằng robot (Robotic Process Automation – RPA) với các mô hình AI như Machine Learning, Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP), Computer Vision, Tự động hóa thông minh là một nhảy vọt của tự động hóa, thay đổi cách hoạt động ngành tài chính và mở ra những cơ hội mới.
Giải pháp công nghệ này có thể hiểu, thu thập và phân tích dữ liệu phi cấu trúc như tài liệu pháp lý và quy định, dữ liệu khách hàng, giao dịch,...trích xuất dữ liệu nhanh hơn mà không cần sự can thiệp của con người. Những dữ liệu này thường chiếm 80% tất cả dữ liệu kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tài chính có thể tận dụng Tự động hóa thông minh để xác định các giao dịch gian lận và đáng ngờ, giảm thời gian xử lý đồng thời cải thiện tính tuân thủ và bảo mật.
Bên cạnh đó, việc tận dụng Tự động hóa thông minh có thể tạo ra một quy trình đầu cuối toàn diện, tăng tốc các quy trình trong ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng, bao gồm KYC, xử lý khoản vay, xử lý đơn đăng ký thế chấp,...Điều này cho phép các tổ chức tài chính tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, cải thiện hiệu suất hoạt động, tiết kiệm chi phí và tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng. Giải pháp công nghệ này cũng giải phóng nhân viên khỏi những tác vụ nhàm chán để tập trung vào những dự án phức tạp hơn và mang lại giá trị lớn hơn.
Blockchain
Blockchain hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn ngành Tài chính – Ngân hàng vào năm 2024 nhờ khả năng truyền tải dữ liệu một cách an toàn, minh bạch dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự như cuốn sổ cái kế toán. Điều này đảm bảo rằng các giao dịch tài chính và tài sản được ghi lại và theo dõi một cách toàn vẹn, không thể thay đổi được, do đó chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu.
Tất cả những người tham gia vào mạng lưới đều có quyền truy cập vào sổ cái phân tán, nơi các giao dịch chỉ được ghi lại một lần, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch minh bạch và hợp đồng thông minh với độ tin cậy và bảo mật cao hơn.
Thúc đẩy ngân hàng mở
Ngân hàng mở (Open banking) kết nối các công ty phi tài chính ngân hàng (NBFC) và ngân hàng thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) để cung cấp cho khách hàng hệ sinh thái dịch vụ tùy chỉnh và dễ tiếp cận hơn.
Giải pháp Ngân hàng mở giúp ngân hàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng đa dạng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng của đối tác. Ngân hàng có thể xây dựng được chân dung chính xác về người tiêu dùng nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được cá nhân hóa, từ đó gia tăng khách hàng trung thành và trải nghiệm của họ trên nền tảng số.
Mặt khác, với Ngân hàng mở, khách hàng có thể nắm bắt được bức tranh tổng thể về tình hình tài chính cá nhân từ ngân hàng và tiếp cận nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn. Ngoài ra, Ngân hàng mở còn bao gồm các công cụ tổng hợp tài khoản nhằm đảm bảo khách hàng có thể kiểm soát dữ liệu tài chính tốt hơn thông qua một nền tảng duy nhất.
Mở rộng dịch vụ ngân hàng (BaaS)
Sự xuất hiện của Ngân hàng dưới dạng dịch vụ (Banking-as-a-service – BaaS) được dự đoán sẽ là động lực phát triển mới của ngân hàng. Với BaaS, các doanh nghiệp có thể tích hợp dịch vụ và sản phẩm tài chính vào nền tảng của họ một cách liền mạch.
BaaS là một thành phần quan trọng của mô hình Ngân hàng mở, cho phép doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu và hành vi khách hàng, từ đó cung cấp sản phẩm riêng biệt cho từng đối tượng. Ngoài ra, BasS cũng là chiến lược để doanh nghiệp đẩy mạnh tốc độ tiếp cận thị trường và đổi mới sản phẩm mà không cần tiêu tốn chi phí hay nguồn lực để duy trì các hệ thống kế thừa.
Ngoài ra, bằng cách hợp tác với các công ty phi tài chính, các doanh nghiệp tài chính có thể tận dụng niềm tin và tăng cường sự hài lòng của khách hàng trên cơ sở sẵn có, đồng thời gia tăng lượng khách hàng tiềm năng. Chiến lược hợp tác này không chỉ nâng cao hệ sinh thái tài chính mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng.
Xu hướng chuyển đổi số và làn sóng công nghệ nở rộ sẽ tiếp tục là bàn đạp để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành Tài chính – Ngân hàng năm 2024. Do đó, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin về các xu hướng sắp tới để tận dụng cơ hội mới và bắt kịp với nhịp độ chuyển đổi số liên tục và mạnh mẽ của ngành tài chính ngân hàng toàn cầu.
Tổng hợp bởi nhóm tác giả DTSVN - Giải pháp chuyển đổi số ngành Tài chính - Ngân hàng.