Niềm tin của người mua bất động sản phải chăng đang bị xói mòn?
Theo các chuyên gia trong ngành, tâm lý của người mua bất động sản (BĐS) cực kì quan trọng đối với việc “xuống tiền” của họ. Một dự án có được hấp thụ tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào niềm tin của người mua dành cho chủ đầu tư.
Rõ ràng, sau tất cả những sự việc đã diễn ra trên thị trường BĐS thời gian qua đã tác động khá rõ nét đến tâm lý của cả người mua thực lẫn giới đầu tư địa ốc. Theo các chuyên gia trong ngành, sự e dè, nghe ngóng và chờ đợi là những cụm từ thể hiện động thái của khách mua BĐS hiện nay.
Trao đổi về câu chuyện này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, tâm lý của người mua BĐS rất quan trọng đối với dự án và thị trường BĐS nói chung. Trong đó, vai trò của cả chính quyền lẫn chủ đầu tư tác động đến mạnh nhất đếnn tâm lý khách mua, đặc biệt sau rất nhiều những “sự cố” về pháp lý dự án.
Ở vai trò của chính quyền, bà Dung cho rằng, đầu tiên chính quyền địa phương phải có cách nào đó để người dân có thể tiếp cận tốt nhất với quy hoạch của dự án, chẳng hạn như công khai những quy hoạch tổng thể lên phần mềm ứng dụng. Hiện tỉnh Đồng Nai đã làm được điều này. Thời gian qua, nhiều dự án “ma” đã chào bán trên thị trường, có những người mua không thể lên trang Web để tìm hiểu thì bản thân chính quyền ở một số địa phương đã cho người xuống tận khu đất để treo băng rôn, chủ động đưa tin đến người dân.
Niềm tin của người mua BĐS rất quan trọng trong quyết định mua sản phẩm. Ảnh: Minh họa internet
Còn đối với chủ đầu tư, cần có những đảm bảo cho người mua bằng cách trình được giấy tờ pháp lý về khu đất dự án để người mua yên tâm. Theo bà Dung, thời gian qua tâm lý của người mua BĐS không ổn định, lùm xum về pháp lý dự án xảy ra cũng bởi phần lớn liên quan đến việc chủ đầu tư không rõ ràng.
“Bản thân người mua phải chủ động yêu cầu chủ đầu tư đưa ra những giấy tờ này: Sổ đỏ, quy hoạch tổng thể, quy hoạch 1/500…tuy nhiên, trên thực tế thị trường có những khu đất chủ đầu tư còn làm giả sổ đỏ hoặc quy hoạch 1/500 để xuất trình cho người mua. Trường hợp như này cũng rất khó cho người mua xác định đâu là thật, đâu là giả”, bà Dung cho hay.
Theo đó, theo bà Dung, bản thân người mua phải tỉnh táo, tên tuổi, uy tín của chủ đầu tư là rất trong trọng trong trường hợp này. Với những chủ đầu tư hoàn toàn mới xuất hiện trên thị trường, người mua cần phải thực sự cẩn trọng.
“Đứng về phía chủ đầu tư thì tạo dựng niềm tin với người mua là quan trọng nhất. Tâm lý của người mua BĐS rất quan trọng, dự án có hấp thụ tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào niềm tin của người mua dành cho các CĐT. Với những chủ đầu tư đã có sẵn uy tín trên thị trường, đặc biệt luôn có khả năng giao sản phẩm đúng tiến độ thì khả năng bán được hàng bao giờ cũng cao hơn các chủ đầu tư khác”, bà Dung nhấn mạnh.
Mà niềm tin đó được tạo dựng từ việc chủ đầu tư đảm bảo bàn giao sản phẩm đúng hạn, hoàn thành đúng tiến độ. Theo bà Dung, nếu bản thân chủ đầu tư chưa đủ điều kiện phát triển dự án đúng tiến độ hoặc luôn trong tư thế cứ chào bán còn khởi công hay hoàn thành lúc nào cũng được sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của chính doanh nghiệp và tâm lý của khách hàng.
“Doanh nghiệp nên tránh những trường hợp như vậy. Trong bối cảnh thị trường như hiện nay hãy đảm bảo đủ điều kiện phát triển dự án, giấy tờ sạch sẽ hãy chào bán, tránh trường hợp bán rồi phải dừng lại do không đủ điều kiện, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín doanh nghiệp về lâu dài”, Giám đốc CBRE Việt Nam khuyến cáo,
Cùng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, sau hàng loạt thông tin về những dự án “ma” của công ty Alibaba và một số công ty BĐS khác xuất hiện trên thị trường, niềm tin của người mua BĐS dường như đang dần vơi. Không phải họ không muốn bỏ tiền vào BĐS nhưng tâm lý thận trọng của người mua đã tác động đến giao dịch chung của toàn thị trường. Để quyết định “xuống tiền” một dự án trở nên khó khăn hơn đối với họ, khi bản thân họ không còn cảm thấy dòng tiền bỏ ra được an toàn.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Tây Land cho rằng, chính tâm lý e ngại của người mua đã ảnh hưởng đến giao dịch của dự án BĐS. Mua bán BĐS cũng theo kiểu “buôn bán có hội có phường”, nếu nguồn cung càng nhiều thì người mua càng nhiều khiến thị trường sôi động lên. Nhưng nguồn cung ít thì tâm lý “sợ” lại càng thể hiện rõ. Người mua có thể chuyển sang kinh doanh cái khác, thậm chí không dám mua BĐS nữa. Điều này lại càng làm thị trường đi xuống luôn.
Theo ông Bình, trên thị trường hiện nay, phân khúc đất nền đang bị ảnh hưởng tâm lý người mua rõ nét nhất. Một số dự án pháp lý không hoàn thiện, cộng với một số thông tin không tốt về dự án đã ảnh hưởng đến các dự án khác và toàn thị trường. “Có cảm giác là khách hàng bây giờ khi mua BĐS phải tìm hiểu rất kỹ về pháp lý, họ thận trọng hơn xưa rất nhiều, điều này cũng là nguyên nhân khiến thị trường nhà đất chậm đi”, ông Bình nhấn mạnh.