MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niềm tin nhà đầu tư nội về thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng

Niềm tin nhà đầu tư nội về thị trường chứng khoán ngày càng gia tăng

Bất chấp áp lực bán ròng hơn 40.000 tỷ của nhà đầu tư ngoại, VN-Index vẫn duy trì đà tăng hơn 14% từ đầu năm cho thấy niềm tin của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán cũng như triển vọng doanh nghiệp Việt Nam.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn hồi phục nhưng mức độ phân hóa giữa các nhóm ngành khá rõ rệt. Cơ hội đầu tư ra sao là điều được quan tâm hàng đầu lúc này. Tại Talkshow Phố tài chính trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán giai đoạn nửa cuối năm.

BTV Mùi Khánh Ly: Đ à tăng của thị trường chứng khoán kéo dài và phục hồi lại những mức cao mới, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng không phải ai cũng có lãi trong thời gian qua. Điều này rất khác với thời gian trước đây là khi thị trường tăng mạnh kéo dài ai mua cũng dễ dàng có thu được lợi nhuận, ông lý giải như thế nào về điều này?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)

Đúng như vậy, trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, thị trường đã trải qua ba giai đoạn tăng điểm, sau đó điều chỉnh rồi tăng điểm trở lại. Giai đoạn đầu thường là các mã sẽ tăng giá rất là đồng pha với nhau, nhà đầu tư có thể không nhất thiết phải quá kén chọn các mã cổ phiếu vẫn có thể thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sau khoảng một năm rưỡi, khi thị trường đã ở trong xu hướng tăng điểm rồi và trải qua hai lần điều chỉnh cũng như tăng trở lại thì mức độ chọn lọc cổ phiếu sẽ phải khó hơn rất nhiều. Do vậy, những cổ phiếu nào có được sự hỗ trợ từ các thông tin cơ bản cộng với lại những cái câu chuyện về tăng trưởng, như chuyển sàn hay có sản phẩm mới, xuất khẩu hoặc tham gia vào những lĩnh vực mới…những cổ phiếu đó thường sẽ thu hút được nguồn vốn tốt hơn.

T rong lần tăng này, sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành hay nhóm cổ phiếu diễn ra khá nhanh và ngắn, khi nhóm cổ phiếu này mới tăng, nhà đầu tư mua vào thì nó lại giảm và chuyển sang nhóm khác thì cũng gặp tình trạng tương tự, ông đánh giá sao về điều này?

Giai đoạn gần đây, dòng tiền luân chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành, tôi nghĩ có một phần đến từ việc không chỉ chứng khoán mà các kênh đầu tư khác cũng có những chuyển biến nhất định. Từ đầu năm đến nay, chứng khoán mặc dù tăng khá tốt khi VN-Index tăng khoảng 14%, nhưng nếu so sánh sẽ thấy các kênh khác cũng tăng tốt như USD, tăng cũng xấp xỉ 4,8 - 4,9%, hay giá vàng thế giới cũng tăng rất mạnh, từ đầu năm đến nay cũng tăng khoảng 24%. Do vậy, chứng khoán cũng chịu sức cạnh tranh của nhiều kênh đầu tư khác nhau. Nhà đầu tư có khá nhiều lựa chọn, vì vậy họ sẽ không kiên nhẫn như giai đoạn trước đó, khi chỉ có ít kênh lựa chọn. Và trong bối cảnh đó, thông thường họ cũng sẽ nhanh di chuyển giữa các lựa chọn đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, tôi thấy rằng với nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia vào thị trường chứng khoán nên cân nhắc kỹ việc trading lướt sóng sẽ gây rủi ro, mà thậm chí thua lỗ trong trong ngắn hạn.

Ô ng nhận định như thế nào về nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo ra sao cho 6 tháng còn lại?

Chứng khoán thường có những chuyển biến trước kinh tế vĩ mô ít nhất từ một quý đến ba quý. Chứng khoán cũng tạo đáy từ năm cuối năm 2022 và sau đấy kinh tế vĩ mô cũng đã tạo đáy vào giữa năm 2023 rồi và giai đoạn hiện tại là giai đoạn đang phục hồi của vĩ mô. Khi chúng ta nhìn vào các chỉ số chính, chúng tôi thấy rằng các chỉ số này đang có sự tiến triển. GDP bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại tương đối tốt, về khối xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 16%, vốn đầu tư FDI cũng tăng trưởng khoảng 7,8%, chỉ số bán lẻ cũng tăng trưởng trở lại - xấp xỉ 10%, tôi nghĩ rằng về mặt vĩ mô cũng đang phản ánh sự phục hồi của kinh tế của Việt Nam.

Vậy theo ông chứng khoán giai đoạn tới sẽ ra sao và nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường?

Thanh khoản thị trường thời gian qua mặc dù không tăng mạnh nhưng duy trì ở mức xấp xỉ 1 USD, là điều khả quan hơn so với giai đoạn năm ngoái. Gần đây, khối ngoại cũng bán rất mạnh, với giá trị hơn 40.000 tỷ đồng. Gần như ngày nào, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng một lượng khoảng 600 đến 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng dòng tiền trong nước không hề yếu thế và khá chủ động trong việc mua lại cổ phiếu, thị trường trong nước vẫn đang đi lên và VN-Index vẫn tăng đến 14%. Tôi nghĩ đấy cũng là một minh chứng cho thấy, dần dần nhà đầu tư trong nước họ đang tập trung hơn vào việc mà đánh giá lại những giá trị của thị trường chứng khoán trong nước, doanh nghiệp trong nước và tự tin hơn vào sự phát triển, phục hồi của trong nước.

Về nhóm ngành đầu tư, theo tôi các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng hay những nhóm ngành đang có sự phục hồi thuận lợi từ thế giới như dầu khí hay hóa chất và xuất nhập khẩu sẽ có cơ hội tốt. Ngoài ra, công nghệ ngày càng càng phổ biến hơn và chúng ta thấy rằng không chỉ những doanh nghiệp công nghệ mà bây giờ tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm đến công nghệ chuyển đổi số, về Cloud, AI và tôi nghĩ rằng đây không phải là xu hướng của riêng Việt Nam, nó là xu hướng chung của thế giới.

Bảo Sơn

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên