Niềm tự hào ẩm thực Việt: khi các vị nguyên thủ đến Việt Nam và chọn các món giản dị thế này
Nền ẩm thực Việt Nam đặc biệt vô cùng và nó được tôn vinh từ những món ăn bình dị nhất.
- 19-07-2017Từ Phở 24, Phở Ông Khải đến giấc mơ về "bếp ăn thế giới" của ẩm thực Việt Nam
- 05-06-2017Sau thời gian, ẩm thực Việt đã chứng tỏ được vị thế chắc chắn nhất
- 24-05-2016Tổng thống Obama ăn bún chả Hà Nội: Cơ hội vàng du lịch ẩm thực Việt Nam
Cà phê vỉa hè
Đó là món đầu tiên mà tôi chợt nghĩ tới, khi lần thứ năm nhìn thấy tin về người thủ tướng Canada - Justin Trudeau dừng lại ở một quán cà phê vỉa hè trên quận 1 Sài Gòn. Ông ghé tới đây chỉ để uống một cốc cà phê 30.000 đồng, trong khi đội an ninh của ông đang vây quanh con đường Lê Thánh Tôn.
Đây chẳng phải lần đầu tiên người Việt Nam chứng kiến một vị nguyên thủ quốc gia xắn tay áo ngồi trong một hàng quán bình dân nào đấy như khách du lịch. Song lần nào lần nấy, họ vẫn cứ lấy làm lạ vì chúng ta và cả những người dân địa phương đều không tưởng tượng được những món ăn thường ngày ấy có cái gì đặc biệt mà lại thu hút đến mức đó.
Với niềm yêu mến sâu sắc dành cho ẩm thực Việt, hẳn bạn bè quốc tế sẽ cảm thấy khó hiểu trước thái độ thờ ơ của chính người Việt Nam với những món ăn họ sáng tạo. Vì sao lại thế? Để giải thích điều này thì tôi xin dùng một câu tục ngữ quen thuộc của dân tộc: "Cũ người mới ta".
Cà phê Việt Nam được pha theo cách truyền thống với một bộ lọc nhỏ bằng kim loại của Pháp mà người ta hay gọi là cà phê phin. Có lẽ chẳng ai để ý, nhưng ngay cả việc ngồi chờ từng giọt cà phê nhỏ xuống như vậy thôi cũng đã trở thành một thú vui, một nét độc đáo trong văn hóa uống cà phê ở Việt Nam.
Cà phê vỉa hè, dù giản dị thôi, nhưng nó lại là một thú vui qua bao đời. Cái thú của ngồi quán cà phê vỉa hè là vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm phố phường tấp nập người qua lại. Có lẽ chính điều này đã làm mê mẩn người nước ngoài nói chung, và thủ tướng Canada - Justin Trudeau nói riêng.
Phở
Phở từ lâu đã trở thành món ăn "quốc hồn, quốc tuý" của Việt Nam, nhất là với người Hà Nội. Phở Hà Nội quá nổi tiếng, bởi nó không chỉ được biết đến ở các vùng miền trong nước, mà còn nổi tiếng cả ở nước ngoài.
Tìm một quán phở ở Hà Nội chẳng khó chút nào. Món ăn này đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến. Tuy nhiên, cũng chính bát phở quen thuộc ấy, dễ tìm ấy lại có thể làm rung động nền ẩm thực cả thế giới.
Trong chuyến công du đến Việt Nam vào năm 2000, người ta kể rằng cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã vô tư để chuyên cơ và dàn vệ sĩ đứng chờ cả tiếng trong khi ông... một mình "giải quyết" hai bát phở.
Nhờ sự kiện này, quyển từ điển Oxford danh tiếng dành ra hẳn một phần giải nghĩa riêng cho từ “phở”, phân biệt nó hoàn toàn thay vì chỉ dùng “noodles” để chỉ chung các món ăn có sợi.
Phở trở thành một trong những món ăn nổi tiếng thế giới mà bất kỳ người nước ngoài nào khi đặt chân đến Việt Nam cũng muốn thử. Thậm chí, một nhà hàng phở ở Úc còn khéo léo dùng câu: “Tổng thống Bill Clinton đã ăn được hai bát phở, còn bạn thì sao?” để quảng bá (dù cựu tổng thống chưa bao giờ đặt chân đến đây).
Đoạn quảng cáo "khéo léo" của nhà hàng phở Úc. (Nguồn: Lastapetite)
Bún chả
Chưa dừng lại ở đó, khi mà gần 16 năm sau trong lần ghé thăm Việt Nam của cựu tổng thống Obama, đến lượt ông bị một món ăn hết sức bình dân khác chinh phục là: bún chả.
Có lẽ lý do mà đài CNN cho làm phóng sự về buổi đi ăn bún chả của ông Obama không liên quan đến bản thân món này. Song, điểm thu hút nhất của cả chương trình nằm ở việc cựu tổng thống gọi thêm suất thứ hai, cũng như ngài Clinton ăn hai bát phở và để chuyên cơ chờ mình 1 tiếng đồng hồ vậy.
Có lẽ không ai quên được khoảnh khắc ấy, khi “người đàn ông có bàn tay ấm” vẫn ăn vận nghiêm chỉnh như một vị nguyên thủ quốc gia "xịn" đã xì xụp ăn ngon lành bát bún chả như bất kỳ người Việt Nam bình dân nào (dù ban đầu còn hơi ngại). Thậm chí, trông ông còn có vẻ hạnh phúc hơn cả một người Việt khi được ăn bát bún chả quê hương đó.
Bánh mì
Tuy nhiên, cũng chẳng cần đến món Phở “quốc hồn quốc túy” hay bún chả “Obama” để chinh phục được trái tim của bạn bè quốc tế. Đến ngay cả món bánh mì - một cậu em "sinh sau đẻ muộn" của nền ẩm thực Việt Nam cũng dễ dàng chiếm được tình cảm của thực khách toàn thế giới.
Mới đây, người ta lại được dịp chứng kiến thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngồi ngay trong một quán bánh mì vỉa hè, hết sức thư thả mà nhâm nhi món ăn quen thuộc với học sinh, sinh viên Việt Nam.
Bánh mì - món ăn có thể tìm được ở bất kì ngóc ngách nào trên cả nước, món ăn mà người Việt Nam thường ăn vội cho chắc bụng để kịp đi học, đi làm ấy. Người ta thấy ngài thủ tướng tóc bạc phơ "hăm hở" nhìn quá trình làm bánh mì, vô cùng thích thú khi nếm thử để rồi không tiếc lời khen “món ăn hương vị Việt tươi ngon”.
Thủ tướng Úc chăm chú nhìn quá trình làm bánh mì (Nguồn: Vietnamnet)
Có vẻ như, dù bận bịu điều hành cả một đất nước thì khi đến Việt Nam và thưởng thức những món ngon nơi đây, các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng không kiềm chế được mà trở nên thư thả hơn, thoải mái hơn với nền ẩm thực mộc mạc mà tinh tế ấy.
Hẳn có người sẽ thấy khó hiểu vì đó chỉ là phở, chỉ là bún chả, chỉ là bánh mì, hay cà phê vỉa hè thôi mà? Đó là những món ăn được bày bán trên con đường ta đi hàng ngày, những món ăn ta ăn hàng ngày, những món có thể dễ dàng tìm được ở bất kỳ đâu cơ mà? Chúng mới thật bình thường làm sao, đến mức những “chủ nhân chân chính” là người dân Việt Nam cũng không dành nhiều sự yêu mến hay bớt chút thời gian nào mà cảm nhận.
Nhưng mà bạn ơi, không chỉ là như thế! Mỗi món ăn Việt Nam đều gắn liền với một thời kỳ lịch sử, một nét văn hoá ẩn đằng sau mỗi nguyên liệu hay gia vị được cho vào là cả một sự tính toán sâu xa. Mỗi món ăn đều có một câu chuyện riêng mà khi thực khách sẵn lòng lắng nghe thật kỹ là sẽ bị nó làm cho rung động. Như cái cách mà ông Clinton để chuyên cơ chờ gần một tiếng chỉ vì một bát phở, hay cái cách ông Obama vứt bỏ sự ngại ngần chỉ sau đũa bún đầu tiên, hay ông Turnbull thong dong ngồi bên hàng bánh mì vỉa hè để ăn sáng như bất kỳ người Việt Nam nào. Hãy nghĩ đến những người bạn quốc tế trót “nhớ thương” các món ăn Việt Nam, họ chẳng thể đi đâu khác để tìm lại hương vị thuần túy ấy nhưng chúng ta thì có thể.
Thay vì mỗi sáng đều chạy đua như đang trong một cuộc chiến sinh tồn, hãy chậm lại một chút và vờ như bạn không có quá nhiều việc để làm hôm nay (như cái cách mà ông Clinton vờ như chuyên cơ đang không đợi mình ấy). Hãy tặng cho bản thân, cho món ăn mình đang ăn một chút sự yêu thương và trân trọng. Có lẽ trong một khoảnh khắc, bạn sẽ cảm thấy mình không khác gì những vị khách ngoại quốc kia hết, chỉ biết ngẩn ngơ trước món ăn giản dị nhưng chứa biết bao sự tinh túy của Việt Nam thân thương.
Vì thế, hãy thêm yêu thương và trân trọng các món ăn được nguyên thủ quốc gia yêu thích ở Việt Nam bạn nhé!
Trí thức trẻ