“Niêm yết giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động vốn hiệu quả, an toàn từ sàn chứng khoán”
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội
"Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trở thành những công ty đại chúng huy động vốn trên các sàn chứng khoán, bởi vì đây là một kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả và hết sức minh bạch".
Lạm phát đang là vấn đề nóng trên toàn cầu và đang dần ảnh hưởng tới Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát trong nước tăng 2,25%, tuy vẫn trong tầm kiểm soát nhưng so với mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra dưới 4% thì dư địa không còn nhiều và sức ép lạm phát đang gia tăng.
Tại Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã có những chia sẻ về tác động của vấn đề lạm phát tới hoạt động của các doanh nghiệp.
BTV Mùi Khánh Ly: Hiện nay, lạm phát đang có những dấu hiệu gia tăng. Theo ông, lạm phát đang tác động như thế nào đến người dân và doanh nghiệp?
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội: Đối với nền kinh tế nói chung, khi lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ chi phí tài chính cho đến khâu vận tải, vận chuyển cũng bị gia tăng, bởi tác động tăng giá xăng dầu từ các nước ở trong khu vực và trên thế giới. Điều này làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị cung ứng ở trong khu vực và toàn cầu, mọi thứ sẽ bị hạn chế, bị đình đốn, hàng tồn kho gia tăng dẫn đến nền kinh tế chịu tác động, ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong hai năm trở lại đây, sức chịu đựng của doanh nghiệp vô cùng khó khăn, hàng tồn kho nhiều. Thời điểm hiện nay, nguyên liệu đầu vào cũng bị gia tăng, kéo theo nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sự chịu đựng của doanh nghiệp.
Việc giá tăng như vậy có thể khiến doanh nghiệp bị giảm doanh thu từ 5%-10%, thậm chí có doanh nghiệp mất các đơn hàng, vì khi ký kết hợp đồng đầu tư với một đối tác ở một mức giá mà chưa tăng giá xăng, giá dầu, đến khi giá dầu lại bị tăng thì dẫn đến không thỏa thuận được và hủy hợp đồng. Ngoài ra, khi không có những hợp đồng cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và thu nhập của người lao động tại các doanh nghiệp.
Như ông cũng đã thấy, đến thời điểm này phần lớn gói kích thích kinh tế vẫn chưa được giải ngân, nhất là nhóm đầu tư công. Vậy tại sao chúng ta lại ngày càng xuất hiện nhiều hơn các dấu hiệu lạm phát?
Lạm phát nó đến từ nhiều phía. Đầu tiên là bài toán vĩ mô, thực tế là chúng ta đã ban hành, đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong hai năm rồi. Tất nhiên, thực tế các doanh nghiệp được hưởng các chính sách đó chưa phải nhiều, nhưng phần nào đó các gói hỗ trợ đã đi vào thực tế. Góc độ thứ hai là bài toán của thế giới và khu vực.
Khi dịch bệnh COVID diễn ra, người ta phải tính toán làm sao để đầu tư ra phải có hiệu quả giúp hồi phục thị trường, đặc biệt là kích thích nhu cầu mua sắm, rồi chiến tranh xảy ra giữa Nga và Ukraine cũng tác động đến nguyên liệu, đặc biệt là năng lượng, dẫn tới lạm phát tăng từ nhiều phía.
Như vậy cũng có thể nói chúng ta đang bị lạm phát "nhập khẩu". Vậy điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Đối với nền kinh tế nói chung sẽ bị ảnh hưởng như tôi đã chia sẻ ở phần đầu. Ngoài ra, lạm phát sẽ ảnh hưởng nhiều đến chuỗi giá trị cung ứng ở trong khu vực và toàn cầu. Những ngành mũi nhọn như dệt may, da giày sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Trong một chuỗi cung ứng mà chúng ta chỉ sản xuất thô, không tập trung trong việc đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư vào chất xám để thay đổi mẫu mã, thay đổi về chất lượng, đặc biệt là dịch vụ thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong chuỗi giá trị cung ứng.
Hiện nay, tại Thái Lan, 46% các doanh nghiệp được vào chuỗi cung ứng giá trị của khu vực và toàn cầu. Nhưng Việt Nam chỉ khoảng tầm từ 21%-25%, nên khi giá tăng như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến chuỗi cung ứng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Với những phân tích ở trên, theo ông đâu là giải pháp để kiềm chế lạm phát được như mục tiêu Quốc hội đã đề ra trong năm nay?
Chúng tôi mong muốn, đầu tiên là các chính sách cần phải triển khai rất nhanh để các doanh nghiệp hấp thụ được, đặc biệt là dòng chảy về tài chính, kinh tế về mặt vĩ mô. Một việc nữa phải kích cầu trong nội địa để tăng nhu cầu mua sắm của người dân và người tiêu dùng. Ngoài ra, về mặt tài chính, chúng ta nên ổn định lãi suất cho vay. Những doanh nghiệp nào có tài sản đảm bảo hoặc những phương án kinh doanh khả thi, tôi nghĩ nên để ở lãi suất hợp lý từ 4%-5% để các doanh nghiệp có thể vay và tiếp cận vốn và cắt giảm tối đa các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp này.
Chúng tôi cũng mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trở thành những công ty đại chúng huy động vốn trên các sàn chứng khoán, bởi vì đây là một kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả và hết sức minh bạch. Hiện nay, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ đóng góp vào GDP là 42%, thu hút lực lượng lao động khoảng khoảng 50,5%. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và Quốc hội có nhiều chính sách ban hành và thực thi một cách hiệu quả để họ đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.
Vậy trong bối cảnh này, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?
Tôi mong muốn doanh nghiệp tập trung vào bài toán về tài chính, đặc biệt là phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro. Thứ hai là bài toán về sản phẩm, nên tập trung vào những thị trường nào mà chúng ta thấy có khả năng đáp ứng được, đó là thị trường nội địa. Rất nhiều doanh nghiệp bỏ ngỏ thị trường nội địa của Việt Nam, khi mà thị trường xuất khẩu đóng thì chúng ta đã bị giảm sút về sản lượng. Thứ ba, tôi nghĩ doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành trong thời gian vừa qua bằng cách phải có một bộ máy chuyên biệt về việc đó, để có thể hấp thụ được các chính sách tốt hơn, đặc biệt là về thuế. Hiện nay có rất nhiều các sắc thuế đang ưu tiên cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp nên tận dụng một cách tối đa. Ngoài ra, khi tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng, chúng ta phải tập trung cho các sản phẩm có sự tinh xảo, có sự đầu tư và sáng tạo.
Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không chúng ta khó có thể tiếp cận các nền kinh tế hiện đại.
Trong thời gian tới, nhóm công nghệ thông tin, các công nghệ về mặt phần mềm, nhóm ngành du lịch, đặc biệt là các du lịch trải nghiệm, cũng như là ngành dệt may, da giày…sẽ có ưu thế. Các ngành đó cũng đều là các ngành chủ lực và mũi nhọn của Việt Nam.
Nhịp Sống Kinh Doanh