Nikkei: Ant Financial “mơ” thống lĩnh thị trường thanh toán điện tử Đông Nam Á khi lên sàn
Sự tham gia của ông lớn Trung Quốc vào thị trường thanh toán điện tử Đông Nam Á là điều dễ đoán trước khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy nhu cầu thanh toán phi tiền mặt tại khu vực này.
Những ngày này, các nhà hàng, taxi và ngay cả các máy bán hàng tự động ở Singapore đều chấp nhận dịch vụ thanh toán điện tử Alipay của Trung Quốc mặc dù chẳng có nhiều người Singapore sử dụng dịch vụ này.
Một quản lý nhà hàng tại quận thương mại trung tâm chia sẻ: "Chúng tôi có nhiều khách hàng Trung Quốc nên chúng tôi đã sử dụng dịch vụ này".
Ant Group, nhà điều hành Alipay, là một công ty liên kết của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding của Trung Quốc. Ant Group đã tích cực mở rộng hệ thống thanh toán di động của mình tới các thị trường nước ngoài, chủ yếu để phục vụ các khách du lịch Trung Quốc. Theo thông tin từ công ty, Alipay hiện đang được chấp nhận tại hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Ant Group đang tích cực chuẩn bị cho đợt IPO khổng lồ và đã sẵn sàng thực hiện những tham vọng lớn hơn.
Ant hi vọng huy động được khoảng 30 tỷ USD trong đợt niêm yết kép tại hai sàn chứng khoán Hồng Kông và STAR tại Thượng Hải. Nếu thành công, đây sẽ là sự kiện IPO lớn nhất thế giới từ trước đến nay, và sẽ tăng cường sức mạnh cho Ant để theo đuổi một trong những tham vọng tăng trưởng của công ty: đầu tư mạnh tay vào các công ty thanh toán điện tử ở Đông Nam Á.
Ant tuyên bố trong một tài liệu nộp lên sàn chứng khoán Hồng Kông vào ngày 25/8 vừa qua: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cơ hội để cho phép người bán và người tiêu dùng nhận và thực hiện các khoản thanh toán và chuyển tiền một cách thuận tiện trên phạm vi toàn cầu". Công ty cũng cam kết sẽ cung cấp "công nghệ thanh toán hàng đầu và các giải pháp kiểm soát rủi ro" cho các đối tác ví điện tử của mình.
Ant có thể nhận thấy cơ hội tăng trưởng vàng ngoài thị trường Trung Quốc đã bão hòa, nhưng thị trường thanh toán điện tử và fintech khổng lồ và đang phát triển nhanh chóng tại Đông Nam Á cũng sẽ là một trận chiến khốc liệt giữa các công ty địa phương và các tập đoàn toàn cầu.
Tại Đông Nam Á, Ant đã đầu tư vào Ascend Money với thương hiệu ví điện tử TrueMoney tại Thái Lan, Dana tại Indonesia, Mynt tại Philippines thông qua các mối quan hệ đối tác với các công ty địa phương lớn. Tháng 5 vừa qua, Ant cũng công bố đầu tư vào Digital Money Myanmar (Wave Money), nắm giữ 33% cổ phần của công ty này.
Khi đầu tư vào các công ty địa phương, Ant thường nhấn mạnh những lợi ích mà họ có thể mang lại cho các đối tác mới ngoài các lợi ích tài chính, ví dụ như công nghệ, kinh nghiệm và kiến thức. Ví dụ, Ant đã xây dựng được một hệ thống đánh giá tín dụng vô cùng tinh vi tại Trung Quốc.
Eric Jing, Chủ tịch điều hành của Ant nói rằng khoản đầu tư vòa Wave Money sẽ "cho phép Wave tận dụng kinh nghiệm của Alipay để thúc đẩy tài chính toàn diện và phục vụ tốt hơn các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng tại Myanmar".
Tuy nhiên, việc Ant đang xin giấy phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore cho thấy rằng công ty này muốn cung cấp các dịch vụ fintech tinh vi của mình cho trung tâm tài chính của Đông Nam Á.
Ant đã nộp hồ sơ xin giấy phép "ngân hàng bán buôn số" (digital wholesale bank) chỉ phục vụ các khách hàng doanh nghiệp. Singapore có một thị trường tài chính cực kỳ phát triển và cạnh tranh khốc liệt. Ở đây, Ant có thể hướng tới phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân khúc thường bị các ngân hàng truyền thống bỏ quên, nhờ có kinh nghiệm đánh giá tín dụng và mô hình hoạt động chi phí thấp của mình.
Bên cạnh đó, thị trường Singapore nhiều khả năng chỉ là bước khởi đầu của Ant. Giấy phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore sẽ giúp công ty mở rộng hoạt động dễ dàng hơn sang các nền tài phán khác, vì các thị trường lân cận thường sẽ nhìn vào cách trung tâm tài chính của khu vực quản lý các ngân hàng số như thế nào. Và một khi đã tạo dựng được mô hình hoạt động tại Singapore, Ant có thể dễ dàng sao chép mô hình này sang các thị trường khác, chẳng hạn như Malaysia.
"Kỳ lân" công nghệ Grab liên doanh với tập đoàn viễn thông Singtel và công ty phần cứng trò chơi điện tử Razer cũng đang xin giấy phép ngân hàng số tại Singapore. Hai công ty này đều không che giấu tham vọng mở rộng mảng kinh doanh các dịch vụ thanh toán tại Singapore và các nơi khác trong khu vực.
Mặc dù Ant đã mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực nhưng Alipay chỉ đang được sử dụng hầu hết bởi người Trung Quốc, phần lớn là khách du lịch, vì các quy định tại địa phương. Nhưng nếu Ant có thể có được các giấy phép cần thiết, những người bán tại địa phương đã chấp nhận Alipay có thể trở thành khách hàng cho các dịch vụ ngân hàng số của Ant.
Ant Group mở rộng kinh doanh tại Đông Nam Á | ||
Quốc gia | Hoạt động | Đối tác liên doanh |
Indonesia | Đầu tư vào ví điện tử Dana | Emtek (Tập đoàn truyền thông và công nghệ) |
Myanmar | Mua 33% cổ phần tại Digital Money Myanmar (Wave Money) | Yoma Group (Tập đoàn) |
Philippines | Đầu tư vào công ty fintech Mynt | Ayala Corp. (Tập đoàn), Globe Telecom |
Singapore | Mục tiêu có được giấy phép hoạt động ngân hàng số | |
Thái Lan | Đầu tư vào Ascend Money (True Money) | CP Group (Tập đoàn) |
Nguồn: Nikkei – Các công ty |
Zennon Kapron, giám đốc công ty nghiên cứu tài chính Kapronasia của Singapore, nhận xét: "Đợt IPO sẽ mang lại cho Ant Group rất nhiều vốn, cho phép họ thực hiện thêm nhiều phi vụ mua lại hoặc tiến sâu hơn vào các thị trường nước ngoài mà họ chưa chú trọng trước đây".
Tổng giá trị giao dịch của Ant tại Trung Quốc đã đạt 118 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 17 nghìn tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm nay. Lãi ròng nửa đầu năm 2020 tăng lên đạt 21 tỷ Nhân dân tệ, so với con số 1,3 tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái, do đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu các dịch vụ thương mại điện tử và giao đồ ăn tăng vọt.
Nhưng số lượng người dùng đang hoạt động tại Trung Quốc đã đặt 711 triệu người trong tháng 6, khoảng một nửa dân số cả nước, có nghĩa rằng thị trường nội địa hầu hết đã bão hòa. Sự cạnh tranh đến từ WeChatPay do đối thủ Tencent Holdings điều hành đang thu hẹp triển vọng phát triển của Alipay tại quê nhà, khiến việc mở rộng hoạt động toàn cầu của Alipay trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đông Nam Á, với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc từ trước đến nay, đã trở thành một điểm đến yêu thích của Ant, đặc biệt khi các thị trường phát triển trên thế giới đang trở nên cẩn trọng hơn trong việc chào đón các công nghệ của Trung Quốc. Đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành hai sắc lệnh nhắm đến hai ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc là WeChat và TikTok với lý do nguy cơ an ninh quốc gia. Bắc Kinh đã đáp trả bằng một chiến dịch tự đóng cửa, hạn chế việc xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo của mình.
Những diễn biến vừa qua theo sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Huawei Technologies, nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất Trung Quốc và nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới. Tổng thống Trump đã ám chỉ rằng ông cũng đang xem xét thực hiện các biện pháp chống lại các công ty Trung Quốc khác – bao gồm cả Alibaba.
Các thị trường đang phát triển cũng đang có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc. Ant đã nhiều lần đầu tư vào công ty thanh toán Paytm của Ấn Độ từ năm 2015, nhưng cuối tháng 6 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã cấm phần mềm trình duyệt của Alibaba, cùng với 58 ứng dụng khác của Trung Quốc bao gồm TikTok, WeChat, và dịch vụ bản đồ của công ty công cụ tìm kiếm Baidu. Thứ tư vừa qua, Ấn Độ vừa ra lệnh cấm thêm 118 ứng dụng khác, bao gồm cả Alipay.
Ant đã ghi nhận các rủi ro chính trị đó trong hồ sơ IPO của mình. "Những căng thẳng địa chính trị đã dẫn tới mối quan hệ tồi tệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và xu hướng bất lợi này có thể tiếp tục xấu đi. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động và kết quả kinh doanh của chúng tôi."
Các công ty Trung Quốc đã được đón chào nồng ấm hơn tại Đông Nam Á. Nhưng mặc dù các rủi ro địa chính trị có thể ít hơn, Ant vẫn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn đến từ các công ty địa phương tại Đông Nam Á.
Nhờ có quá trình số hóa nhanh chóng và cộng đồng lớn người dân chưa tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, khu vực này đã trở thành một chiến trường của các công ty fintech. Những công ty fintech dẫn đầu khu vực bao gồm tập đoàn đặt xe trực tuyến Grab của Singapore và đối thủ Gojek của Indonesia, vận hành hai dịch vụ ví di động lần lượt là GrabPay và GoPay. OVO và LinkAja của Indonesia, Rabbit LINE Pay của Thái Lan, và Momo của Việt Nam cũng là một số ít trong rất nhiều các đối thủ mới nổi. Những ngân hàng lâu đời như DBS Group Holdings của Singapore cũng đã có các ứng dụng ví điện tử.
Trong thị trường bão hòa này, việc một người sử dụng nhiều ứng dụng thanh toán là một điều bình thường.
Anh Jaka Firman, 27 tuổi, người Indonesia, đang sử dụng GoPay, OVO và LinkAja để chi trả cho dịch vụ đi lại, mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, cũng như thanh toán hóa đơn tiền điện của mình: "Tôi nghĩ rằng 80% các giao dịch của tôi được thanh toán bằng ví điện tử. Tôi chỉ cần rút tiền một lần mỗi tuần để tiêu vặt linh tinh". Anh nói rằng anh thích sử dụng ví điện tử vì anh có thể quản lý chi tiêu dễ dàng hơn: "Thẻ tín dụng không được tiện lợi lắm đối với với vì các vấn đề an toàn".
Với việc ví điện tử đã trở nên phổ biến ở các thành phố lớn, các chuyên gia đang kỳ vọng chúng có thể mở rộng tới các khu vực nông thôn, nơi người dân vẫn đang khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Đây sẽ là nơi bắt đầu cho cuộc chiến tranh giành thị trường chưa được khai thác.
Tổng giá trị giao dịch ví điện tử của Đông Nam Á sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2019 lên 114 tỷ USD vào năm 2025, theo dự tính của Google, Temasek Holdings và Bain & Co. Các dịch vụ fintech tiêu dùng như bảo hiểm vi mô, cho vay, và quản lý tài sản qua điện thoại cũng được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng.
Theo Joel Neoh, CEO của Fave, công ty cung cấp các hệ thống thanh toán bằng mã QR tại Singapore, Malaysia và Indonesia, đại dịch Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy nhu cầu giao dịch phi tiền mặt và sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử "trong trung và dài hạn vì rất nhiều người bán đang chuyển dần từ sử dụng tiền mặt sang các phương án không dùng tiền mặt". Neoh nói rằng công ty đã nhận thấy nhu cầu sử dụng các giải pháp họ tăng mạnh từ tháng 6.
Nhưng khi Ant nhận thấy các cơ hội tại Đông Nam Á, các công ty lớn "cây nhà lá vườn" của khu vực đang chuyển sang bảo vệ vị thế của mình. Ngày 4/8 vừa qua, Grab tuyên bố rằng họ sẽ sớm ra mắt một loạt dịch vụ fintech trên ứng dụng cho cộng đồng người dùng GrabPay, bao gồm đầu tư tự động, cho vay tiêu dùng và bảo hiểm y tế.
Reuben Lai, giám đốc quản lý cấp cao của bộ phận tài chính tại Grab, nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều dư địa cho fintech phát triển, và rằng "những đối thủ thực sự" của họ là các công cụ tài chính truyền thống, chẳng hạn như tiền mặt và các kênh cho vay không chính thống.
Tuy nhiên, các tập đoàn toàn cầu cũng đang bắt đầu để mắt đến thị trường đang phát triển rất nhanh này.
Tháng 6 vừa qua, công ty thanh toán của Mỹ, Paypal và Facebook đã công bố đầu tư vào Gojek. Theo Gojek, khoản đầu tư này được đưa ra "với trọng tâm hỗ trợ các dịch vụ thanh toán và tài chính trong khu vực".
Tencent, một nhà đầu tư khác của Gojek, cũng đang tìm kiếm cơ hội tại các quốc gia khác trong khu vực. Ở Việt Nam, Tencent cũng đã đầu tư vào một trong những công ty thanh toán điện tử lớn là ZaloPay.
Trong một báo cáo vào tháng 5 vừa qua, công ty tư vấn Boston Consulting Group đã lưu ý rằng Malaysia và Philippines đã cấp hơn 40 giấy phép hoạt động thanh toán điện tử cho các công ty. Báo cáo cũng nhận xét: "Nếu Trung Quốc và Ấn Độ chỉ có một vài công ty [thanh toán điện tử], thì có rất nhiều công ty như vậy tại Đông Nam Á. […] Một số công ty độc lập có thể bị đào thải khỏi thị trường hoặc bị mua lại bởi các đối thủ lớn có tiềm lực tài chính mạnh hơn, hoặc họ có thể hợp tác với các ngân hàng thương mại".
Kapron của Kapronasia cũng chia sẻ quan điểm tương tự: "Chắc chắn sẽ có những phi vụ mua bán sáp nhập tại một số thị trường trong thời gian tới. Các công ty không có nguồn lực dồi dào có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy truyền đạt các giá trị và mở rộng hoạt động trên thị trường".
Ông nhận xét rằng việc tiếp tục mở rộng hoạt động ra nước ngoài của Ant Financial chỉ là một sự bổ sung vào cuộc chiến cạnh tranh đó: "Khả năng xây dựng một hệ sinh thái các dịch vụ tài chính của Ant là rất hùng mạnh. Tôi nghĩ rằng các công ty nhỏ hơn để tồn tại được sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì ở nhiều thị trường chúng ta đã thấy chỉ hai đến năm công ty lớn thâu tóm gần hết thị phần".
Nhịp sống kinh tế