MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei Asia: Việt Nam sẽ tiếp tục là nước ASEAN duy nhất tăng trưởng trong nửa đầu 2021

Theo Nikkei Asia, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ổn định khi các nền kinh tế khác khu vực Đông Nam Á đang vật lộn để phục hồi. Đây là hình mẫu kinh tế thành công duy nhất tại khu vực trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

GDP quý 3/2020 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng thời gian qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương và đạt mức tăng trưởng GDP xếp thứ 4 tại Đông Nam Á, vượt qua Singapore, Malaysia và Philippines.

Nikkei Asia nhận định, nền kinh tế Việt Nam nổi bật trong thời gian qua nhờ việc kiểm soát đại dịch thành công. Xuất khẩu tăng cùng với làn sóng dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ước tính tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công thương dự kiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 có thể đạt mức tăng từ 3-4%.

Cuối tháng 10 vừa qua, siêu tàu chở Margrethe Maersk - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay đã cập thành công vào Cảng CMIT (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong quá khứ, các tàu này thường chọn cảng khác trong khu vực, điển hình như cảng Singapore. Việc đón thành công tàu này cho thấy những dấu hiệu tích cực của xuất khẩu Việt Nam, từ đó thúc đẩy nhu cầu vận tải biển.

Điều này cho phép hàng hóa Việt Nam được vận chuyển trực tiếp hơn đến người mua, giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian vận chuyển và làm cho thị trường trong nước trở nên cạnh tranh hơn với tư cách là nhà xuất khẩu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã đem lại lợi ích cho thương mại Việt Nam khi nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp Trung Quốc đều đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động có tay nghề cao, chi phí thấp. Samsung Electronics cũng dừng vận hành nhà máy sản xuất các thiết bị máy tính tại Trung Quốc và có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Việt Nam chỉ áp dụng các biện pháp giãn cách trong ba tuần vào tháng 4. Như vậy, thời gian Việt Nam quay lại hoạt động sản xuất bình thường nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Tỷ lệ mất việc làm hạn chế và tiêu dùng (chiếm 70% GDP) vẫn ở mức ổn định.

Nikkei Asia: Việt Nam sẽ tiếp tục là nước ASEAN duy nhất tăng trưởng trong nửa đầu 2021 - Ảnh 1.

Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực vẫn chưa thoát khỏi sự sụt giảm hoạt động kinh tế do Covid-19 gây ra. IMF dự báo GDP 2020 của Việt Nam tăng 1,6%, nhưng Singapore, Malaysia lại giảm 6% và Thái Lan giảm 7,1%.

GDP quý 3 của Malaysia giảm 2,7%, kéo theo sự sụt giảm 4% trong lĩnh vực dịch vụ (vốn tạo ra gần 60% GDP). Các lĩnh vực liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Khách sạn Malaysia, tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn Malaysia giảm xuống chỉ còn 20% trong tuần cuối cùng của tháng 10.

Trước đó, Hiệp hội này cho biết nếu không có sự hỗ trợ thêm từ Chính phủ Malaysia, các danh nghiệp du lịch "sẽ buộc phải đưa ra các khuyết định khó khăn cũng như hành động quyết liệt hơn để tồn tại", đồng nghĩa với việc nhiều việc làm sẽ bị cắt giảm trong tương lai. Đối với Thái Lan, dữ liệu chính thức từ Chính phủ cho thấy, GDP quý 3 của quốc gia này đã giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp giảm.

Mặc dù GDP đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore và Malaysia, nhưng đại dịch đã thúc đẩy sự thay đổi trật tự kinh tế của khu vực. Số lượng ca nhiễm đã đạt mức cao kỷ lục tại Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, Malaysia vẫn đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh lần 2 từ tháng trước. Nền kinh tế các quốc gia sẽ tiếp tục đình trệ khi số lượng ca nhiễm ngày càng tăng cao như hiện nay.

Nikkei Asia cho hay, mặc dù một số nước khu vực ASEAN được dự đoán sẽ phục hồi mạnh trong năm tới, nhưng có thể Việt Nam vẫn là nền kinh tế duy nhất tăng trưởng thực tế vào nửa đầu năm 2021, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Tuy vậy, trong tương lai, nhiều yếu tố bất định có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong dài hạn.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên