Nikkei: Đầu tư của Nhật Bản sẽ cạnh tranh Vành đai và Con đường, "kéo" Việt Nam và Đông Nam Á ra khỏi "tai ương" Trung - Mỹ?
Nikkei viết: Theo Fitch Solutions, các dự án được Nhật Bản đầu tư trong khu vực ASEAN có tổng giá trị lên tới 367 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với 255 tỷ USD của Trung Quốc.
- 11-12-2019ADB giảm dự báo tăng trưởng toàn châu Á nhưng tăng mức dự báo 2019-2020 cho Việt Nam
- 10-12-2019Nhà sản xuất thiết bị điện tử Đài Loan có kế hoạch đầu tư 172 triệu USD xây nhà máy ở Việt Nam
- 10-12-2019Điều thú vị về lợi thế địa lý của Đà Nẵng so với Boracay (Philippines) và Phuket (Thái Lan) trong thu hút khách Trung, Hàn, Nhật
Với vị trí quan trọng, khu vực Đông Nam Á rất dễ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh tầm ảnh hưởng kinh tế và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, đôi khi các nhà phân tích đã sai lầm khi bỏ qua Nhật Bản, không chỉ với tư cách là một thế lực kinh tế lớn mà còn là nhà đầu tư "tay to" của khu vực.
Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, chính quyền Tokyo đã lấy lại sức ảnh hưởng của mình tại Đông Nam Á. Nhật Bản trong nhiều năm vẫn là nhà đầu tư hàng đầu về cơ sở hạ tầng và viện trợ phát triển. Nikkei cho biết, không có gì lạ khi theo một cuộc khảo sát được thực hiện trong năm nay, Nhật Bản vẫn là cường quốc được ưa thích đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Nhật Bản là động lực của tăng trưởng và công nghiệp hóa của khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ hậu chiến, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn và đầu tư sản xuất tại các nền kinh tế mới nổi của Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Song, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã có sự sụt giảm đáng kể trong thị phần đầu tư và thương mại của Nhật Bản ở khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, đã có sự phục hồi đáng kể trong ảnh hưởng kinh tế của Nhật tại Đông Nam Á những năm gần đây.
Một phần, đó là vấn đề đa dạng hóa. Trong bối cảnh chi phí gia tăng cao ở Trung Quốc, Nhật Bản đã áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" - phân bổ các khoản đầu tư của Nhật Bản vào khu vực khác như Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia.
Ngoài ra, đầu tư của Nhật Bản còn có yếu tố cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Theo sáng kiến kết nối khu vực của riêng mình, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu ở Đông Nam Á trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn mới. Theo Fitch Solutions, các dự án được Nhật Bản đầu tư trong khu vực ASEAN có tổng giá trị lên tới 367 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với 255 tỷ USD của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, động lực tăng trưởng mới của khu vực, Nhật Bản có 74 dự án trong các giai đoạn thực hiện khác nhau trị giá 209 tỷ USD, bao gồm tuyến đường sắt cao tốc giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá 59 tỷ USD.
Tương tự ở Singapore, Nhật Bản có 24 dự án lớn, gần gấp đôi so với Trung Quốc. Mặc dù có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, Philippines vẫn tiếp tục coi Nhật Bản là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức số một, nhà đầu tư hàng đầu và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu.
Điều quan trọng, Nhật Bản cũng là đối tác nước ngoài hàng đầu trong chương trình cơ sở hạ tầng "xây dựng, xây dựng, xây dựng" (build, build, build) đầy tham vọng của ông Duterte. Hai trong số các dự án lớn quan trọng nhất của Philippines, dự án tàu điện ngầm trị giá hàng tỷ USD ở Manila và dự án Đường sắt đi lại Bắc-Nam kết nối các khu vực công nghiệp ở Luzon là do Nhật Bản tài trợ.
Hơn một thập kỷ trước, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu kêu gọi các cường quốc bên ngoài "đưa ra các lựa chọn khu vực bên cạnh Trung Quốc". Nhật Bản không chỉ cung cấp một sự thay thế cho Trung Quốc, mà còn giúp các nước tránh khỏi ảnh hưởng của thương chiến Mỹ Trung, Nikkei đánh giá.