MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Grab tung dịch vụ đầu tư vi mô tự động, chuẩn bị lập ngân hàng số tại Singapore và Đông Nam Á

Ông lớn công nghệ của khu vực mới công bố một loạt dịch vụ đầu tư vi mô mới thông qua nền tảng ứng dụng di động của mình, hé lộ tham vọng chinh phục thị trường tài chính Đông Nam Á.

Grab, công ty đặt xe lớn nhất Đông Nam Á, đang quảng bá một dịch vụ mới: cung cấp các sản phẩm tài chính cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngay trên nền tảng ứng dụng di động của mình. Sản phẩm đầu tư vi mô mới này có tên gọi là AutoInvest. Đây được coi là tiền đề để Grab bước chân vào mảng dịch vụ ngân hàng tại Singapore và các quốc gia Đông Nam Á khác trong tương lai.

Dù mới chỉ giới thiệu dịch vụ thanh toán trực tuyến hơn 4 năm về trước, nhưng Grab đã trở thành một trong những công ty fintech hàng đầu, cũng như là biểu tượng của thị trường tài chính đầy tiềm năng và đang bùng nổ của Đông Nam Á.

Tại cuộc họp báo trực tuyến ra mắt dịch vụ AutoInvest vào ngày 04/8 vừa qua, bà Chandrima Das, Giám đốc mảng quản lý tài sản của Grab Financial Group, chia sẻ: "Các khoản đầu tư tại hầu hết các ngân hàng hoặc công ty quản lý tài sản đều yêu cầu một số tiền tối thiểu ban đầu. Mức tối thiểu này chủ yếu vào khoảng 10.000 USD, đây không phải là một số tiền nhỏ, trong khi các chi phí lại khá cao."

Bà cho biết thêm: "Nhưng ngày nay, với việc tận dụng công nghệ và giải pháp của chúng tôi, bạn có thể bắt đầu chỉ với 1 SGD (khoảng 17.000 đồng). Bạn không cần mất quá nhiều tâm trí và công sức nghiên cứu – về các tính năng sản phẩm, so sánh chi phí, an toàn – để làm được việc này (đầu tư)".

Grab giải thích rằng dịch vụ mới này sẽ "tự động cất tiền vào tài khoản AutoInvest của bạn với mỗi giao dịch không tiền mặt hợp lệ - ví dụ như các chuyến đặt xe Grab, các đơn hàng GrabFood, GrabMart, v.v." Khách hàng có thể chấm dứt dịch vụ bất cứ lúc nào, số tiền được lưu và tích thêm qua việc đầu tư có thể được dùng để thanh toán cho các dịch vụ của Grab hoặc bất  người bán chấp nhận thanh toán GrabPay.

AutoInvest sẽ đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp có tính thanh khoản cao. Việc đầu tư thực tế sẽ do các công ty quản lý tài sản địa phương thực hiện – bao gồm UOB Asset Management và Fullerton Fund Management. Grab ước tính lợi nhuận đạt khoảng 1,8% mỗi năm.

Grab cho biết sẽ triển khai dịch vụ đầu mới tại Singapore vào đầu tháng 9, và mức phí "sẽ nằm trong khoảng dưới 0,45% mỗi năm".

Bên cạnh AutoInvest, Grab cũng công bố thêm nhiều dịch vụ khác, bao gồm một nền tảng cho vay tiêu dùng bên thứ ba, một dịch vụ "mua ngay, trả sau" cho phép thanh toán trả góp hoặc trả chậm vào tháng tiếp theo, và bảo hiểm thanh toán viện phí.

Các dịch vụ đều có thể được tiếp cận với số vốn nhỏ và thông qua ứng dụng Grab, giúp loại bỏ những thủ tục phức tạp. Ankur Mehrotra, Giám đốc mảng cho vay của Grab Financial Group, chia sẻ: "Việc gửi tiền và tìm kiếm các giải pháp tài chính để đáp ứng các nhu cầu của bạn không nhất thiết phải là một công việc hàng ngày vất vả. Đó nên là một việc bạn có thể làm trong khi đang ngồi thư giãn trên ghế sofa và xem phim Netflix".

Grab bước chân vào lĩnh vực tài chính vào năm 2016, tập trung vào mảng ví điện tử. Ban đầu, giải pháp này được triển khai như một công cụ thanh toán không dùng tiền mặt cho các chuyến đi trên nền tảng của mình. Sau đó, Grab đã thiết lập và mở rộng hợp tác với những người bán ngoại tuyến để thuyết phục họ chấp nhận các giải pháp thanh toán của công ty, giúp Grab gia tăng thị phần trên thị trường thanh toán điện tử cạnh tranh khốc liệt ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Kể từ năm 2019, Grab đã tiến xa hơn trong lĩnh vực tài chính với việc mở rộng từ thanh toán điện tử sang các dịch vụ khác, bằng việc học hỏi và hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, bao gồm ZhongAn Online P&C Insurance của Trung Quốc và Citigroup của Mỹ. Mảng dịch vụ tài chính đã trở thành một trong ba trụ cột của Grab, bên cạnh mảng đặt xe trực tuyến và giao đồ ăn tại nhà.

Cho đến nay, Grab chủ yếu cung cấp các dịch vụ tài chính của mình cho các "tiểu thương" – đó là 9 triệu người làm việc tự do trực tiếp cung cấp các dịch vụ tới khách hàng thông qua nền tảng Grab, ví dụ như các tài xế vận tải và chủ quán ăn. Dựa trên dữ liệu về các giao dịch hàng ngày trên nền tảng Grab, việc tính toán các rủi ro vỡ nợ hay tai nạn cho các sản phẩm tài chính đối với từng tiều thương có thể được thực hiện tương đối dễ dàng.

Việc ra mắt hàng loạt dịch vụ vừa qua cho thấy quyết tâm của Grab trong việc tiến xa hơn nữa trong lĩnh vực tài chính, cũng như sự sẵn sàng của ông lớn công nghệ này để mở rộng sang thị trường tiêu dùng lớn hơn.

Kenny Liew, chuyên gia phân tích công nghệ, truyền thông và viễn thông tại hãng nghiên cứu Fitch Solutions, nhận xét: "Nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng tại Đông Nam Á sẽ rất nóng lòng được tham gia thị trường tài chính lần đầu tiên, đặc biệt là khi họ có thể làm điều đó với chi phí thấp và hầu như ít trở ngại. Điều này sẽ giúp gia tăng doanh thu của Grab."

Grab đẩy mạnh các dịch vụ tài chính khi chứng kiến những thay đổi về cơ cấu trên thị trường. Theo một báo cáo chung của Google, Temasek và Bain & Co., doanh thu từ các dịch vụ tài chính số tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3,4 lần – từ 11,1 tỷ USD vào năm 2019 lên đến 37,6 tỷ USD vào năm 2025.

Mức tăng trưởng này được kỳ vọng đến từ các mảng cho vay, đầu tư và bảo hiểm, trong khi đó, mảng thanh toán và chuyển tiền được dự đoán sẽ giảm 20% vào năm 2025, dù chiếm gần 50% doanh thu vào năm 2019, khi các chi phí giảm đi do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp dịch vụ.

Khi mô hình kinh doanh xoay quanh thanh toán đang tăng trưởng rõ rệt, Grab cần phải nhanh chóng ra mắt các dịch vụ cho vay và bảo hiểm để tiếp tục duy trì và phát triển lợi thế cạnh tranh tốt trong thị trường dịch vụ tài chính số trong tương lai.

Ngay cả khi nền kinh tế thế giới đang chao đảo vì đại dịch Covid-19, thị trường dịch vụ tài chính số vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong vòng từ tháng 1 đến tháng 4 vừa qua, số lượng người dùng GrabPay mới đã tăng khoảng 10%.

Theo một khảo sát của công ty tư vấn McKinsey, 48% người tiêu dùng tại Indonesia đã gia tăng sử dụng thanh toán di động trong thời kỳ dịch, trong khi 31% người tiêu dùng Singapore cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng di động sau khi đại dịch kết thúc.

Ngược lại, khảo sát này cho thấy ở Tây Âu, số lượng người dân cắt giảm thanh toán di động vượt xa số lượng người gia tăng sử dụng thanh toán di động. Điều này thể hiện sự chuyển đổi sang các dịch vụ tài chính số đã tăng tốc nhanh hơn kỳ vọng tại Đông Nam Á trước khi đại dịch Covid bùng phát.

Grab sẽ xin cấp giấy phép hoạt động ngân hàng sau khi mở rộng danh mục các dịch vụ tài chính của mình. Cho đến nay, GrabPay yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng (vào tài khoản của Grab) để có thể được sử dụng dịch vụ. Một khi có giấy phép hoạt động ngân hàng, Grab có thể trực tiếp nhận tiền gửi, nhờ đó, mở rộng tập khách hàng và gia tăng mạnh nguồn tài chính. Hiện nay, Grab đang phối hợp với Singapore Telecom để xin giấy phép thành lập ngân hàng điện tử tại đảo quốc sư tử.

Reuben Lai, giám đốc quản lý cấp cao của Grab Financial Group cho biết: "Một ngân hàng số thực sự cho phép chúng tôi sắp xếp lại mọi thứ. Đó là mục đích của việc có được giấy phép ngân hàng số. Với giấy phép ngân hàng số, chúng tôi không chỉ mong chờ việc ra mắt tại Singapore, mà đó sẽ là bước đệm để Grab triển khai các dịch vụ trên toàn khu vực".

Grab đang đặt mục tiêu trở thành một nhà cung cấp nền tảng toàn diện giống như Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc với bộ phận Ant Financial cung cấp các dịch vụ tài chính. Để đạt được mục tiêu đó, Grab cần phải thu hút 650 triệu người dân Đông Nam Á sử dụng các dịch vụ tài chính của mình.

Lai chia sẻ về chiến lược của công ty: "Các nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy có nhu cầu thực sự đối với các sản phẩm mà công ty đang triển khai. Chúng tôi hi vọng rằng (việc triển khai các dịch vụ này) sẽ mang lại lợi nhuận và sự bền vững".

Một điểm yếu của Grab là không sở hữu một trang thương mại điện tử mạnh mẽ. Công ty trò chơi trực tuyến Sea, chủ sở hữu của nền tảng thương mại điện tử lớn trong khu vực Shopee, cũng đang xin cấp phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore.

Việc phân tích lịch sử mua hàng của người tiêu dùng trên các trang thương mại điện tử là một cách hiệu quả để tìm hiểu về thu nhập và sở thích của khách hàng. Từ đó, hệ thống sẽ tính toán để đề xuất các sản phẩm cho vay hoặc dịch vụ tương tự hấp dẫn đối với khách hàng.

Lai chia sẻ: "Chúng tôi đã xây dựng một hệ sinh thái số lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 600.000 người bán trực tuyến và ngoại tuyến trong mạng lưới."

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nhận xét về sự sâu rộng và tính hiệu quả của việc Grab sử dụng các thông tin có được từ các giao dịch đặt xe và giao đồ ăn, cùng với dữ liệu thanh toán tại các điểm mua hàng trong mạng lưới, để đưa ra các sản phẩm cho vay cho khách hàng cũng như rà soát những người vay tiềm năng.

Chuyên gia Mark Goodridge đến từ bộ phận nghiên cứu công nghệ/y tế/viễn thông ASEAN của Ngân hàng Morgan Stanley cho biết: "Trong giai đoạn 2016 – 2019, 43 tỷ USD đã được rót vào các Siêu ứng dụng của Đông Nam Á, bao gồm Grab, Gojek và Sea. Không biết cần đầu tư thêm bao nhiêu vốn nữa vào khu vực này trước khi có thể đạt được lợi nhuận thực sự và bền vững? Câu trả lời… có lẽ là gấp đôi số vốn đã được đầu tư."

Grab không gặp phải nhiều khó khăn tài chính sau khi sa thải khoảng 360 người (5% số lượng nhân viên chính thức) trong tháng 6 vừa qua do nhu cầu dịch vụ đặt xe suy giảm. Trong các nhà đầu tư đang dè dặt hơn với các công ty khởi nghiệp, Grab buộc phải huy động thêm vốn để đầu tư vào mảng tài chính cho tới khi kiếm được lợi nhuận ổn định.

Grab cho biết họ đã đạt được "sự tăng trưởng vững mạnh trên khắp khu vực, với hơn 13 triệu trường hợp bảo hiểm chi trả được thông qua kể từ tháng 4/2019, khi Grab lần đầu ra mắt dịch vụ bảo hiểm".

Với những công ty mong muốn đặt chân vào Đông Nam Á, việc hợp tác với Grab là một ý tưởng không tồi nhờ lượng khách hàng khổng lồ của công ty này. Nhờ lợi thế đó, Grab đã tìm được hơn 60 đối tác chỉ tính riêng trong mảng tài chính.

Ngân hàng MUFG sẽ đầu tư tới 706 triệu USD vào Grab cho đến cuối năm nay để cùng cung cấp các dịch vụ tài chính qua nền tảng di động. Công ty thẻ tín dụng Credit Saison và một số công ty tài chính khác cũng đã hợp tác trước đó với Grab.

Một cán bộ tại một tổ chức tài chính Nhật Bản nhận xét rằng, Grab có cam kết tăng trưởng phi thường và hành động với một tốc độ đáng kinh ngạc tại Nhật Bản, khi họ "ra mắt tất cả các dịch vụ cùng một lúc". Ông cũng cho biết việc hợp tác giữa Grab và tổ chức của ông đã giúp thúc đẩy mạnh việc đổi mới nội bộ của chính tổ chức này.

Grab đã thiết lập các tiêu chuẩn hợp tác rất cao. Nếu mối quan hệ giữa Grab và một tổ chức tài chính không thuận lợi, Grab có thể ngay lập tức làm việc với một đối thủ khác đưa ra những thỏa thuận về vốn hoặc liên minh kinh doanh hấp dẫn hơn.

Thư Thư

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên