MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Lý do Việt Nam giảm dự báo tăng trưởng GDP xuống 2-2,5%

Theo Nikkei Asia Reviews, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng để Chính phủ Việt Nam vạch ra đường lối kinh tế của đất nước trong tương lai.

Vừa qua, Chính phủ đã giảm dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%. Nguyên nhân chính là làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới đã dẫn đến suy thoái toàn, ảnh hưởng đến xuất khẩu của đất nước, du lịch trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trước đó vào tháng 5, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu GDP tăng trưởng trên 5%. Tuy nhiên, sau làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai lan rộng trên cả nước hồi tháng 7, con số này đã phải giảm.

Tại cuộc họp nội các vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam đang cố kiểm soát dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đưa ra mục tiêu mới sau khi công bố tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh từ 3,82% trong quý I xuống 0,36% trong quý II. Mục tiêu GDP sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 11.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Cho đến nay, Việt Nam vẫn có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bất chấp nhiều thách thức do đại dịch gây ra".

Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 174 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Vietnam Airlines dự kiến lỗ 15.000 tỷ đồng (647 triệu USD), trong khi VietJet Air lỗ 90,5 triệu USD nửa đầu năm 2020.

Tại trung tâm kinh tế cả nước - Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 90% doanh nghiệp du lịch đã tạm ngừng hoạt động, với 20.000 nhân viên, tương đương 70% lực lượng lao động hiện không có việc làm.

Trong 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,7 triệu người, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số bán hàng ngành du lịch và khách sạn giảm 54,4%, doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lần đầu tiên sau 25 năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất không tăng lương tối thiểu vào năm 2021. Cố vấn trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành cho biết: "Quyết định được Bộ Lao động đưa ra cho thấy cam kết của Chính phủ nhằm duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch".

Mức lương sàn thay đổi theo khu vực và chạm đáy ở mức 3 triệu đồng/tháng. Theo ông Thành, mặc dù tiền lương sẽ không thay đổi vào năm 2021, hầu hết người lao động có thu nhập nhiều hơn mức lương tối thiểu.

Ông Nguyễn Đức Thành nói thêm: "Chính phủ hiện đang cố gắng duy trì ổn định trong đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và nền kinh tế đang rất khó khăn".

Điều này đã tác động đáng kể đến tiêu dùng. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.225,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%).

Trong khi đó, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đồng thời khuyến khích đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Tính chung 8 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ NSNN đạt 250,5 nghìn tỷ đồng, bằng 50,7% kế hoạch năm và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, tăng trưởng GDP vẫn là vấn đề quan trọng, là cơ sở để Chính phủ vạch ra đường lối kinh tế của đất nước trong thập kỷ tới.

Tại phiên họp ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng toàn cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng kết luận: "Chúng ta ghi nhận kết quả này nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là xúc tiến thu hút đầu tư tốt hơn nữa".

Q.L

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên