MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Việt Nam đang 'bùng nổ' trà sữa

04-05-2018 - 20:18 PM | Thị trường

Trà sữa Đài Loan có phần hơi giống với một loại đồ uống truyền thống của Việt Nam được gọi là chè – vì thế nó trở nên dễ dàng được chấp nhận hơn tại đây.

Những cửa hàng sữa theo phong cách Đài Loan bán loại nước trà lạnh kèm vị hoa quả, thạch và trân châu đang trở nên phổ biến tại Việt Nam – nơi mà văn hóa uống cà phê vốn chiếm ưu thế.

Trong trung tâm Hà Nội, một cửa hàng Ding Tea luôn đông đúc khách hàng nữ. Họ thường chọn một cốc trà sữa kèm trân châu, thạch, hoa quả và vài thành phần khác, gói gọn trong một chiếc hộp với ống hút trên đó.

Ding Tea là thương hiệu trà sữa Đài Loan có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong số những thương hiệu ở đây, trở thành chuỗi lớn nhất kể từ khi vào Việt Nam trong năm 2013 với 200 cửa hàng trên toàn quốc.

Giá mỗi loại đồ uống dao động từ 30.000 tới 60.000 (1,32 USD tới 2,64 USD), đắt hơn một chút so với một cốc cà phê. Dù mức giá khá cao nhưng nó vẫn không bớt đi độ "hot" với các khách hàng. Trà sữa Đài Loan có phần hơi giống với một loại đồ uống truyền thống của Việt Nam được gọi là chè – vì thế nó trở nên dễ dàng được chấp nhận hơn tại đây.

Một vị khách tên là Ngọc chia sẻ với tờ Nikkei rằng cô tới Toco Toco ít nhất 3 lần 1 tuần. Cô không thích mùi vị của cà phê lắm và trà thì "dễ uống và ngon hơn", nhất là khi được kết hợp với hoa quả.

Theo truyền thông địa phương, có khoảng 30 thương hiệu trà sữa tại Việt Nam và họ đang điều hành 1.500 cửa hàng. Những thương hiệu Đài Loan gồm có Gong Cha và Co Co cũng nằm trong số này.

Doanh thu bán trà đã tăng tại các siêu thị và cửa hàng khác. Coop mart - chuỗi siêu thị nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh cũng bắt đầu bán trà sữa tại quầy hàng ăn vào tháng 10 năm ngoái. Doanh thu của các loại trà có vị hoa quả cũng tăng tại Citimart và một số chuỗi khác thuộc Aeon.

The Coffee House, chuỗi cửa hàng vốn chỉ tập trung bán cà phê cũng đã mở thêm cửa hàng chuyên doanh trà vào tháng 11 và họ đang lên kế hoạch thêm 40 cửa hàng nữa trong năm nay.

Người Việt Nam vốn thích cà phê hơn so với các loại trà theo phong cách phương tây. Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil. Trong năm 2017, lượng tiêu thụ cà phê đã đạt 150.000 tấn trong khi đó trà chỉ chiếm 1/5 số đó, khoảng 30.000 tấn. Tuy nhiên, khoảng cách đang được thu hẹp lại khi doanh thu của các chuỗi cửa hàng trà đã tăng lên hơn 20% mỗi năm.

Văn hóa cà phê xuất phát từ người Pháp trong thời kỳ thuộc địa từ cuối thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO vào năm 2007, các sản phẩm nước ngoài bắt đầu tràn vào. Nhiều công ty nước ngoài đã xây dựng sự hiện diện, gây ảnh hưởng văn hóa phương tây nhiều hơn tại đây.

Trà sữa cũng bắt kịp xu hướng này. Sự phổ biến của nó cũng được hỗ trợ bởi việc tăng nhận thức về sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong khi việc hút được được cho phép ở các quán cà phê truyền thống thì điều này bị nghiêm cấm tại hầu hết các cửa hàng trà sữa. Ngoài ra hoa quả cho vào đồ uống cũng mang lại cảm giác tốt cho sức khỏe hơn. Việc tùy chọn được lượng đường cũng khiến người tiêu dùng muốn uống trà sữa hơn.



Theo Phương Linh

Trí Thức Trẻ/Nikkei

Trở lên trên