MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ 2,4 tỷ sau khi bỏ phố về quê lập nghiệp

22-04-2023 - 08:15 AM | Lifestyle

Đánh đổi tiền bạc để được một lần làm chủ. Phải chăng bây giờ thứ người trẻ cần là được thoát khỏi sự ràng buộc của việc làm thuê?

"Khác biệt giữa lập nghiệp ở quê và thành phố rất lớn. Nếu như ở quê, bạn buộc phải làm chủ, biết cách tổ chức sản xuất, tính toán tài chính, quản lý đầu vào,... thì mới mong có thu nhập cao. Người ta cứ hay đồn về quê trồng cây và nuôi cá. Nhưng cây sẽ không tự ra hoa và cá cũng không tự lớn!

Còn ở thành phố thì cơ hội tìm kiếm nguồn thu nhập cao dễ hơn rất nhiều. Chỉ cần có kỹ năng nghề nghiệp và giao tiếp tốt, thì làm thuê thôi cũng có thu nhập cao. Tuy vậy, cái bạn phải đánh đổi là sẽ rất khó kiếm tìm được cơ hội đổi đời" - Trương Công Nam (28 tuổi, Bắc Giang), tốt nghiệp khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.

Từng mất đến 4 năm đi làm mới lên được chức trưởng phòng với mức lương khoảng 1,300$ (hơn 30 triệu đồng/tháng). Nhưng Nam đã quá chán với cảnh tương lai mù mịt của việc làm công ăn lương, suốt ngày làm việc với 4 bức tường và những cỗ máy khô khan.

Từ bỏ mức lương 30 triệu/tháng để về quê làm chủ

"Mình bỏ phố về quê sau khoảng 1 năm nhận chức trưởng phòng. Mức lương 30 triệu đó chẳng đủ hấp dẫn để giữ chân mình ở thành phố lớn. Đây là quyết định được bàn bạc kỹ cùng gia đình, và nó đánh dấu một sự trưởng thành mới trong tư duy kiếm tiền của bản thân!" - Trương Công Nam chia sẻ.

Lập nghiệp ở quê khác xa với việc về quê nghỉ hưu. Không giống những người đã đạt được tự do tài chính về quê để tận hưởng cuộc sống sáng uống trà, chiều ngắm cảnh. Những người trẻ như Nam chọn lập nghiệp ở quê là một thử thách rất lớn. Dù có nhiều khó khăn hơn nữa, nhưng Nam vẫn chọn con đường đầy chông gai này vì 2 lý do chính:

- "Thứ nhất, mình muốn tận dụng triệt để những lợi thế ở quê đang có: Mảnh đất 200m2 bỏ trống, có nhà có xe, có gia đình và những cơ hội mới. Thứ mà ở thành phố không biết phải cố gắng bao nhiêu lâu mới có được.

- Thứ hai, mình đặt lên bàn cân để so sánh 2 lựa chọn: Một là theo đuổi đam mê để tuổi trẻ không hối tiếc, sai thì sửa. Hai là chấp nhận an phận cả đời để làm công ăn lương, không tìm thấy hướng đi trong sự nghiệp".

Với cá tính mạnh mẽ, Trương Công Nam chọn từ bỏ thành phố, về quê mở mô hình kinh doanh bida để lập nghiệp: "Đam mê mà ra tiền thì làm chủ vẫn sướng hơn làm thuê lương 20-30 triệu/tháng ở thành phố lớn".

Với mảnh đất trống hơn 200m2, Nam bắt đầu khởi nghiệp với số vốn 2 tỷ đồng. Trong đó có hơn 500 triệu là tiền tiết kiệm, 500 triệu được bố mẹ hỗ trợ, và 1 tỷ đồng cầm sổ đỏ ngân hàng. Sau này, khi cần đầu tư thêm nguồn lực để mở mô hình kinh doanh, Nam còn nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè góp vốn gần 400 triệu nữa.

Vay thế chấp mảnh đất trong 10 năm, khoản tiền gốc và lãi ngân hàng mỗi tháng Nam cần trả gần 20 triệu đồng. Số tiền còn lại đều là khoản vay không lãi, cũng chưa cần phải hoàn trả ngay lập tức nên anh không quá áp lực chuyện trả nợ. Nam cũng tính đường lui cho mình: "Với quy mô hiện tại, việc sang nhượng quán để hồi vốn hoàn toàn có thể. Tạm gác lại khoản nợ này, mình tập trung hết sức để phát triển mô hình kinh doanh".

"Ngâm" mình 1 tuần không rời quán bida, làm việc hết công suất 15 tiếng/ngày

Riêng mô hình kinh doanh bida, thiên về thú vui để giải trí hàng ngày thì phải làm cho tới. Làm nửa vời không bao giờ giữ chân được khách. Mình bắt đầu nghiên cứu từ những quán bida có trong khu vực huyện. 1 tuần liền mình chỉ ăn ngủ ở các quán bida, liên tục di chuyển để nắm bắt được khách hàng tiềm năng: Cả chất và lượng, sở thích của họ, thời gian tối đa mà họ có thể dành để giải trí,... Nói chung là phải quan sát hành vi khách hàng thật kỹ. Nuông chiều được sở thích của họ chính là nguồn doanh thu sau này của quán.

Nợ 2,4 tỷ sau khi bỏ phố về quê lập nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Pinterest

Sau đó, tính đến khả năng cạnh tranh so với những trò giải trí ở khu vực lân cận. Ước tính số bàn tối đa có thể mở, số tiền thu mỗi giờ, lượng khách tối thiểu trong ngày, và doanh thu của tháng. Tiếp theo là cân đối chi phí và khoảng thời gian có thể hồi vốn.

Chi phí mở quán bida của mình: Với diện tích 200m2, mình làm 2 tầng, mỗi tầng 3 phòng rộng cộng 1 khu sinh hoạt chung, có phân chia VIP và thường. Tổng cộng có 10 bàn, mỗi bàn phăng giá 30-35 triệu. Mình đầu tư thêm 300 triệu cho tiền cơ: Vừa để khách chơi, vừa có gậy xịn để khách thuê. Ngoài ra, mình còn kết hợp thêm ban công mở cafe để khách nghỉ giữa giờ, giao lưu cũng như để giữ chân được khách. Tổng chi phí khi hoàn thiện mất hơn 1,3 tỷ đồng.

Từ khi khai trương cửa hàng, chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh mỗi tháng rơi vào khoảng 80 triệu đồng: 60 triệu tiền lương, 15 triệu tiền điện, 5-10 triệu tiền nhu yếu phẩm, không tốn tiền mặt bằng là một lợi thế. Cộng thêm chi phí bảo dưỡng mỗi năm 100 triệu. Mình sử dụng phần mềm để kiểm soát thu chi, thuê nhân viên quản lý riêng để có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, quán bida hoạt động suốt ngày đêm nên mình vẫn duy trì tối đa công suất 15 tiếng/ngày.

6 tháng đầu mở quán gần như chưa có lợi nhuận vì lượng khách vẫn còn ít. Mình phải bỏ tiền túi để duy trì kinh doanh. Lúc này, mình có đập thêm tiền để làm quảng cáo. Dần dà khách hàng ngày một đông hơn vì được khách quen giới thiệu. Tập trung chất lượng là thứ mình rút ra được sau gần 1 năm mở quán. Riêng đối với khách có nhu cầu giải trí, họ quan tâm chất lượng hơn là số tiền phải bỏ ra. Thời gian đầu có chệch choạc một chút, nhưng dần cũng ổn định. Hiện tại, sau hơn 1 năm mở quán bida, mình đã có lợi nhuận đủ để trả lãi ngân hàng.

Trong thời gian tới, mình đang muốn mở rộng quy mô và các mô hình kinh doanh có tính chất tương hỗ nhau. Vì mình thấy hoạt động giải trí này có tính chất liên kết rất cao, tiền kiếm được cũng không tồi.

Tuy vậy, hãy xác định khả năng và những thứ bạn cần phải đánh đổi: Không có thời gian nghỉ ngơi, phải xoay vòng vốn liên tục, duy trì mối quan hệ xã giao, sát sao với công việc quán và học cách quản lý nhân sự. Lượng công việc cần xử lý nhiều khi vượt quá sức. Nhưng cho đến hiện tại, mình không hề hối hận với quyết định bỏ phố về quê!

Theo Nguyễn Quỳnh Trang

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên