Nợ công giảm nhưng áp lực gia tăng
Trong khi nỗ lực kéo giảm được nợ công về được tỷ lệ ấn tượng thì cũng là lúc Chính phủ đứng trước rủi ro trả nợ thay...
- 13-06-2019Tranh cãi về đề xuất thu ‘phí chia tay’ 5 USD
- 12-06-2019Thêm một cánh cửa được mở, giúp dòng vốn lớn từ nước ngoài chảy ồ ạt vào Việt Nam
Nợ công giảm ấn tượng
Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý và kiểm soát nợ công đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nợ công năm 2018 đã giảm xuống mức 58,4% GDP (2016 là 63% GDP); trong đó, các chỉ tiêu nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, trả nợ và phát hành trái phiếu đều được kiểm soát chặt chẽ và ở mức thấp hơn mức Quốc hội cho phép. Các khoản bảo lãnh của Chính phủ cũng được kiểm soát chặt chẽ, Chính phủ đã không cấp bảo lãnh mới cho DN vay trong nước và khuyến khích người vay trả nợ trước hạn dẫn đến giảm dư nợ bảo lãnh nước ngoài.
Nợ công được kiểm soát tốt và thấp hơn giới hạn cho phép đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia của Việt Nam. S&P nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam từ BB- lên mức BB với triển vọng Ổn định (tháng 4/2019); Moody’s nâng XHTN Việt Nam từ B1 lên Ba3 và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực (tháng 8/2018); Fitch nâng XHTN Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 5/2018) và thay đổi triển vọng từ Ổn định sang Tích cực (tháng 5/2019).
Cơ cấu nợ công cũng có sự chuyển biến tích cực, đã giảm lệ thuộc vào nợ nước ngoài. Báo cáo về công tác quản lý nợ công, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, để ổn định lãi suất, tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN bộ đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) mà không phát hành hết lượng đã được Quốc hội phê duyệt.
Đồng thời để cơ cấu lại danh mục nợ, bộ đã tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên. Đến nay 90% TPCP có kỳ hạn từ 10 năm trở lên, kỳ hạn bình quân là 12,7%. Lãi suất trái phiếu giảm xuống mức 4,7%/năm, thấp hơn 1,8%/năm so với năm 2016, thấp hơn 2,3%/năm so với năm 2017, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ TPCP cả về kỳ hạn và chi phí huy động. Cơ sở nhà đầu tư dài hạn tiếp tục được mở rộng.
“Chính phủ đã rất nỗ lực, đã rất quyết tâm để cân đối được ngân sách, kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần”, đại biểu Quốc hội ông Hoàng Quang Hàm phát biểu.
Vẫn chưa hết lo
Nhưng phía sau những chỉ tiêu ấn tượng, vẫn chưa thể yên tâm với nợ công. Theo ông Sebastian Eckardt – Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, mức 58,4% GDP vẫn rất gần với giới hạn trần 65% và vẫn còn cao hơn mức nợ ở nhiều quốc gia trong khu vực và các quốc gia có mức thu nhập tương tự. Hơn nữa, tỷ lệ nợ công/GDP giảm không chỉ do hiệu quả của công tác quản lý và kiểm soát nợ tốt hơn, mà nợ giảm vì tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Một vấn đề nữa là mặc dù nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 50,0% GDP (năm 2016 là 52,7%, năm 2007 là 51,7%), nhưng lại đang đứng trước rủi ro danh mục nợ mới. Theo đó, cùng với việc Việt Nam tốt nghiệp IDA kể từ năm 2017, các chỉ tiêu chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây.
Bên cạnh đó là rủi ro lãi suất. Tuy lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn ở mức thấp 2,0%/năm (do trên 96% khoản vay ODA, vay ưu đãi), nhưng tỷ trọng các khoản vay có lãi suất thả nổi sẽ tăng kéo theo áp lực vay nợ lãi suất cao hơn.
Sức ép trả nợ cũng đang tăng. Tuy việc trả nợ vẫn được thực hiện tốt. Nhưng có thời điểm đến hạn số nợ trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Ông Võ Hữu Hiển cho biết thêm rủi ro tái cấp vốn tập trung vào các khoản nợ trong nước của Chính phủ do nghĩa vụ trả nợ đến hạn tập trung cao vào một số năm (9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2019 và 32,7% sẽ đến hạn trong giai đoạn 2019-2021.
Bên cạnh đó, quy mô nợ tiếp tục tăng, ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ lại thêm ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn và có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau,...
Hệ lụy chậm giải ngân và áp lực trả nợ
Trong khi nỗ lực kéo giảm được nợ công về được tỷ lệ ấn tượng thì cũng là lúc Chính phủ đứng trước rủi ro trả nợ thay. Về cơ bản, các dự án được Chính phủ bảo lãnh đều trả nợ đầy đủ đúng hạn. Các dự án xi măng đã được tái cơ cấu và cải thiện khả năng thanh toán. Chính phủ cũng đã đôn đốc, đẩy mạnh hỗ trợ tái cơ cấu một loạt các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh đang gặp khó khăn; khuyến khích người vay trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh. Nhưng năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ vẫn phải ứng vốn trả nợ cho Tổng công ty Giấy Việt Nam 8,13 triệu USD đẩy tổng trị giá ứng trả lên 97 triệu USD và ứng vốn trả nợ 44 triệu USD hộ cho dự án BT Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan của Bộ Giao thông - Vận tải.
Khi trả lời phỏng vấn về nợ công của Việt Nam, vị Kinh tế trưởng của WB nhấn mạnh đến vấn đề “giải ngân chậm” và cho đây là một nỗi lo không nhỏ vì nó có thể gây hại cho cơ sở hạ tầng trong trung và dài hạn. “Giải ngân chậm” cũng là nỗi lo của không ít đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế trong nước khi giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 thấp nhất trong 6 năm qua.
“Nếu nhìn vào ngắn hạn, bạn có thể không thấy tác động của giải ngân chậm các khoản đầu tư công vì có các yếu tố bù đắp khác, như đầu tư tư nhân đã khá mạnh và tăng tốc trong năm qua và bù đắp cho đầu tư công. Tăng trưởng vẫn khá mạnh mẽ. Nhưng về lâu dài, chậm giải ngân đầu tư công tức là chậm cải thiện hạ tầng, không đủ cơ sở hạ tầng quan trọng cần thiết cho tăng trưởng”, ông Sebastian Eckardt phát biểu.
Thời báo Ngân hàng