Nợ đọng xây dựng quá nan giải, phải tổ chức hội thảo 'kêu'
Hàng loạt các công trình đều nợ đọng xây dự kéo dài hàng chục năm trong đó có cả những công trình xây dựng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.
Tại hội thảo "Nợ đọng xây dựng, kiến nghị giải pháp" ngày 18/8, ông Hoàng Trung Kiên - Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 cho biết, hiện chủ đầu tư nợ
khoảng 187 tỉ đồng, trong đó điển hình là nợ thanh toán dự án cầu Đông Trù khoảng 22,5 tỉ đồng, cầu Vĩnh Tuy 6,5 tỉ đồng, gói thầu J3 Bến Lức - Long Thành 19,7 tỉ đồng, cầu Dùng 10,1 tỉ đồng, cầu Hòa Trung 74,2 tỉ đồng…
Theo ông Kiên, tình trạng nợ đọng xây dựng một phần xuất phát từ thủ tục, điều kiện thanh quyết toán trong hợp đồng xây dựng. Theo quy định của Bộ Tài chính, chủ đầu tư dự án phải thanh toán cho nhà thầu trong thời hạn nhất định, nhưng các chủ đầu tư lại đưa vào hợp đồng điều khoản thanh toán khi bố trí được nguồn vốn.
"Như vậy là đẩy khó khăn về phía các nhà thầu xây dựng", ông Kiên nhấn mạnh và cho rằng cần bổ sung quy định chủ đầu tư phải có kế hoạch bố trí vốn đầy đủ cho dự án trước khi quyết định đầu tư, khi làm xong công trình phải thanh toán cho nhà thầu.
"Tình trạng chậm thanh toán công nợ là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng rất lớn đến việc đóng bảo hiểm cho người lao động, nộp thuế cho Nhà nước", ông Kiên khẳng định.
Theo ông Khương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Trường Sơn, tổng công ty có 1.280 hợp đồng có công nợ phải thu, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỉ đồng, riêng nợ lĩnh vực xây lắp 1.260 tỉ đồng.
Số nợ có thời gian từ 1-3 năm của Tổng công ty Trường Sơn là 506 tỉ đồng, nợ từ 3-5 năm là 539 tỉ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỉ đồng.
Nguyên nhân nợ đọng, theo ông Thắng, là do các công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng không quan tâm đến kế hoạch vốn, chậm bố trí vốn trả nợ dự án đã hoàn thành, bàn giao. Các chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân chiếm dụng vốn, chây ì trả nợ. Công tác thanh quyết toán công trình hoàn thành chậm, kéo dài, ảnh hưởng đến thu hồi công nợ.
Lý giải về tình trạng nợ đọng xây dựng kéo dài, ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) - cho biết phần lớn là do thủ tục thanh quyết toán các công trình xây dựng hiện nay rất rườm rà, phiền phức, mà người thiệt hại trước hết là nhà thầu.
"Bên trả tiền luôn tìm mọi cách trì hoãn thanh toán dù công trình đã đưa vào sử dụng có hiệu quả cao, ngay cả một số "ông lớn" trong ngành xây dựng cũng trì hoãn thanh toán", ông Thắng chia sẻ.
Lãnh đạo Coma cũng khẳng định, đang có quá nhiều kẽ hở trong khâu thanh quyết toán dẫn tới tình trạng công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, hết bảo hành 5-7 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán đủ chi phí cho nhà thầu.
Đặc biệt là những dự án, gói thầu Coma thi công trên địa bàn TP Hà Nội, nợ đọng xây dựng kéo dài cả chục năm. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (tháng 10/2010) nhưng nay vẫn chưa thanh toán xong, ông Thắng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, tình trạng nợ đọng xây dựng hiện nay rất lớn, phổ biến ở cả dự án sử dụng ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn tư nhân. Để khắc phục điều này, những ngày tới hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc xử lý, gỡ vướng cho các nhà thầu.
Tiền phong