MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực kéo giảm giá hàng hóa

25-08-2022 - 12:47 PM | Thị trường

Giá xăng dầu đã có 2 tháng đi xuống tạo dư địa để các bộ, ngành, địa phương và giới kinh doanh tính toán giảm giá nhiều loại hàng hóa

Giá bán lẻ dầu ăn, trứng, thịt heo, gạo, bia, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây... gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt, giúp người tiêu dùng bớt gánh nặng chi tiêu. Tuy nhiên, đa số sản phẩm không được giảm giá trực tiếp mà thông qua những chương trình khuyến mãi do doanh nghiệp (DN) sản xuất, cung ứng phối hợp với siêu thị thực hiện.

Nguồn hàng, giá cả ổn định

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 23 và 24-8, giá hàng hóa tại các chợ lẻ ở TP HCM ổn định, không còn tình trạng đẩy giá lên với lý do giá xăng dầu tăng. Chị Tuyết Nhung - tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) - cho biết giá bán lẻ các loại thủy sản, hải sản hiện ổn định, thậm chí giảm bằng giá thu mua do chợ ế.

Còn theo ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), khách đến chợ thời gian gần đây tuy tăng so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát song chỉ đạt khoảng 60% so với trước dịch. Do tình hình buôn bán ở chợ nhiều tháng qua còn chậm nên tiểu thương bán đúng giá để giữ khách hàng. Tương tự, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cũng cho hay giá thực phẩm tại chợ thời gian qua vẫn ổn định, không biến động thất thường nhờ cung cầu ổn định.

Nỗ lực kéo giảm giá hàng hóa - Ảnh 1.

Giá hàng hóa tại nhiều siêu thị đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ các chương trình khuyến mãi, kích cầu của nhà sản xuất, phân phối Ảnh: TẤN THẠNH

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho rằng DN đã chịu nhiều sức ép khi giá thành sản xuất tăng trong bối cảnh sức mua thấp nhiều tháng qua. Riêng DN tham gia bình ổn thị trường tại TP HCM còn chịu thêm áp lực bình ổn giá hàng hóa. Dù vậy, trước diễn biến giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thực phẩm đang có xu hướng giảm, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM dự báo nhiều DN sẽ cân nhắc giảm 5%-10% giá bán trong điều kiện giá xăng tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Ông Nguyễn Chính Pháp, Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Việt Sin Foods, chia sẻ cách giữ giá hàng hóa trước sức ép giá nguyên liệu tăng mạnh là thu mua nguyên liệu tận gốc, dự trữ số lượng lớn tại các kho lạnh. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 120 tỉ đồng xây dựng nhà máy công suất 10.000 tấn tại vùng nguyên liệu Đồng Tháp để bảo đảm nguồn nguyên liệu với chi phí tốt. Nhờ vậy, chỉ có khoảng 30% mặt hàng của công ty tăng giá nhẹ 5% trong giai đoạn giá xăng tăng phi mã cùng nhiều chi phí đầu vào tăng theo, số còn lại không tăng giá.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, ông Phạm Minh Thiện, cho hay công ty đã đầu tư dây chuyền hiện đại để hạ giá thành sản xuất; trích lập quỹ để hỗ trợ khách hàng khi gặp khó khăn; hỗ trợ hộ nuôi cá để họ yên tâm cung ứng nguyên liệu với giá hợp lý...

Bớt lợi nhuận để kích cầu

Để kiểm soát giá hàng hóa, đầu tháng 8-2022, Sở Tài chính TP HCM đã có văn bản yêu cầu các DN tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn và DN thuộc diện phải kê khai giá thực hiện việc kê khai theo quy định; tính toán giảm giá hàng hóa phù hợp với mức giảm giá xăng dầu. Sở Công Thương TP HCM cũng triển khai một số giải pháp quản lý giá, giữ ổn định cung cầu hàng hóa đến các quận, huyện và TP Thủ Đức, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối... Trong đó, Sở Công Thương đề nghị hệ thống phân phối hiện đại hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, giảm chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Một số DN đã thực hiện theo yêu cầu của 2 sở này.

Để có cơ sở giảm giá bán đến người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Saigon Co.op, MM Mega Market, Lotte Mart, Winmart, AEON... đề nghị các nhà cung cấp tính toán lại giá thành và giá bán để có mức giá hợp lý - nhất là các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng. Các chương trình khuyến mãi được triển khai tập trung giảm giá sâu và luân phiên cho các mặt hàng thịt, cá, hải sản, rau củ, trái cây với mức giảm bình quân 10%-20%.

Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước đồng loạt luân phiên giảm giá 15%-20% đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống. Đồng thời, có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới với nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như gạo, thịt gia súc, gia cầm, một số mặt hàng sữa, gia vị, thực phẩm khô; mức giảm dự kiến 10%-25%. Hệ thống MM Mega Market đang giảm giá nhiều loại thịt heo, bò từ 10.000-14.000 đồng/kg và giảm sâu hơn với một số thực phẩm tươi sống khác như cua, ếch, đùi gà, thịt vịt, tôm thẻ, cá điêu hồng, cá thu...

Còn tại Emart Gò Vấp, những mặt hàng giảm giá sốc như gạo ST25, trứng gà, nước xả vải, dầu ăn, sữa tươi, nồi, chảo tráng men, nồi cơm điện... liên tục "cháy hàng" khiến siêu thị phải giới hạn số lượng được mua với mỗi khách hàng để ngăn tình trạng mua gom. "Chúng tôi cắt giảm lợi nhuận để tăng khuyến mãi, tạo nhiều ưu đãi nhằm thúc đẩy tiêu dùng và bình ổn thị trường giữa điều kiện vật giá chưa có nhiều dấu hiệu giảm nhiệt" - đại diện Emart cho hay.

Khó điều chỉnh giá cước vận tải

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Xuất nhập khẩu Trần Quốc, cho hay thời gian qua, DN phải chịu lỗ 10%-20% do giá xăng dầu cùng nhiều chi phí khác đều tăng. Do DN vận tải còn bị ảnh hưởng không nhỏ bởi biến động chi phí năng lượng trong thời gian dài nên khó có thể giảm cước ngay.

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa hiện rất lớn nên trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao, DN rất khó tăng giá cước. Bởi vậy, khi giá xăng dầu giảm, DN không có điều kiện cũng như dư địa để giảm cước. "Khi giá xăng dầu tăng đỉnh điểm, DN vận tải đàm phán với khách hàng hợp đồng dài hạn về việc tăng giá cước 16% nhưng một số khách hàng chỉ đồng ý tăng 5%-10%" - ông Quản phản ánh.

Cần giải pháp đồng bộ

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng cần có độ trễ để giá dịch vụ, hàng hóa giảm theo giá xăng, song thời gian chuyển tiếp thường chỉ trong 3-4 tuần, không thể kéo dài quá lâu. Hiện vẫn còn tình trạng DN neo giá hàng hóa ở mức cao do chưa có giải pháp kéo giảm chi phí đầu vào và do tâm lý "mỗi lần tăng giá một lần khó".

Theo các chuyên gia, cần có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng "tăng rồi khó giảm". Chẳng hạn, cần sớm cải thiện thủ tục kê khai giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý...

Theo Thanh Nhân - Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên