Nỗ lực kích cầu tiêu dùng
Những chương trình kích cầu lớn, có sức lan tỏa sẽ giúp giảm áp lực tăng giá cho người tiêu dùng.
- 20-06-2024Người lao động được lợi gì từ kinh phí Công đoàn?
- 20-06-2024Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở 30%
- 20-06-2024Tìm lời giải để "vực" dậy ngành Thép
Đầu tháng 6, Sở Tài chính TP HCM công bố điều chỉnh tăng giá các mặt hàng gạo trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM từ 1.000-2.000 đồng/kg, tùy loại. Trước đó, cuối tháng 5, giá bán 8 loại thịt heo trong chương trình bình ổn thị trường cũng tăng khoảng 7.000 đồng/kg (tương đương 5,7%). Dù vậy, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thịt heo cho biết mức tăng này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí giá heo hơi biến động mạnh.
Chực chờ tăng giá
Không chỉ gạo và thịt heo, các mặt hàng tiêu dùng phổ biến khác như dầu ăn, trứng gà, rau củ, trái cây… trên thị trường cũng liên tục cập nhật giá mới trong 1 tháng trở lại đây. Sáng 19-6, tại đại hội đồng cổ đông Công ty CP Tập đoàn KIDO, đại diện công ty này cho biết giá dầu cọ giao dịch trên thị trường thế giới trong 6 tháng gần đây dao động từ 810-940 USD/tấn, tăng cao so với năm ngoái. Việc này ảnh hưởng lớn tới giá dầu ăn trên thị trường.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho hay từ 3 tuần nay, phía Campuchia mua gom trứng gà Việt Nam theo đường tiểu ngạch, đẩy giá trứng tại các trại chăn nuôi lên đến 24.000-25.000 đồng/chục. Giá trứng gà bán tại thị trường trong nước vì vậy tăng cao, chênh lệch khá nhiều so với mức giá bình ổn (31.000 đồng/chục với trứng gà loại 1).
"May mà giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua ổn định, tình trạng mua gom trứng cũng đã hạ nhiệt nên khả năng chỉ một thời gian nữa, giá trứng sẽ trở lại mức bình thường" - ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, sức mua thị trường rất thấp nên DN một mặt tích cực tham gia bình ổn thị trường, một mặt phối hợp cùng các hệ thống bán lẻ khuyến mãi giảm giá cho trứng gà loại 2 để kích cầu. "Kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường lẫn niềm tin của người tiêu dùng đang giảm nên nếu không khuyến mãi thì cả nhà sản xuất lẫn nhà phân phối đều khó đạt doanh số" - ông Thiện bộc bạch.
Ở góc độ nhà bán lẻ, đại diện Saigon Co.op cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ nhiều nhãn hiệu lớn. Hầu hết nhà cung cấp đã báo tăng giá, như ngành hàng rau củ quả đề nghị tăng 10%-15% và ngành hàng thực phẩm công nghệ muốn tăng cao nhất tới 20%. "Không riêng Saigon Co.op mà một số nhà bán lẻ đang nỗ lực tối đa để trì hoãn việc tăng giá trong giai đoạn này" - đại diện Saigon Co.op thông tin.
Đẩy mạnh khuyến mãi hàng thiết yếu
Thực tế, khó khăn về kinh tế trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đến đời sống hằng ngày của một bộ phận người dân, khiến nhiều DN tăng trưởng thấp, thậm chí không có lợi nhuận. Để tạo sức đẩy cho đầu ra sản phẩm, các sở - ngành của thành phố và các DN đã liên tục phối hợp triển khai nhiều chương trình kích cầu nhằm kích thích người tiêu dùng mua sắm cởi mở hơn.
Ngay ở thời điểm hiện tại, nhiều DN đang tích cực tham gia chương trình khuyến mãi tập trung - "Mùa mua sắm "Shopping season" 2024" giai đoạn 1 của thành phố, kéo dài từ ngày 15-6 đến 15-9 với mức giảm giá hàng hóa lên đến 100%.
Theo tính toán của Sở Công Thương TP HCM, chương trình dự kiến thu hút gần 10.000 thương nhân tham gia trên 55.000 chương trình khuyến mãi thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải...
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP HCM, cho biết so với những năm trước, chương trình năm nay có nhiều điểm mới như được mở rộng quy mô và số lượng hàng hóa khuyến mãi hàng hiệu theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa.
Đặc biệt đây cũng là năm đầu tiên TP HCM triển khai tổ chức từ 10-15 sự kiện khuyến mãi hàng tiêu dùng, sản phẩm thiết yếu ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, địa bàn quận - huyện vùng ven nhằm phục vụ đối tượng là công nhân, học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp. Để tăng thêm tính cộng hưởng cho chương trình, Sở Công Thương còn phối hợp với Sở Du lịch triển khai song song hoạt động khuyến mãi tập trung với kích cầu du lịch nhằm thu hút người tiêu dùng, du khách đến tham quan mua sắm...
Không chỉ khuyến mãi, một số DN còn linh hoạt các hình thức ưu đãi cho khách hàng. Chẳng hạn, thương hiệu bán Orion tăng trọng lượng của bánh Chocopie lên 10% nhưng giá không thay đổi...
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, qua nhiều năm thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương nhận thấy nếu chỉ triển khai ở địa bàn thành phố sẽ gây khó cho DN. Do đó, năm nay, Sở Công Thương TP HCM dự kiến phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành lân cận nhằm tạo đà cho DN đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi.
"Ngoài khuyến mãi, thành phố còn triển khai nhiều chương trình để kích cầu tiêu dùng nội địa, như chương trình kết nối cung cầu, chương trình bình ổn thị trường... Tất cả các chương trình này sẽ kết hợp lại tạo ra hiệu ứng lan tỏa để kích cầu tiêu dùng nội địa" - ông Hiếu thông tin thêm.
Người lao động