Nỗ lực lấy lòng khách Việt của các nhà bán lẻ Nhật: MUJI bán áo mưa tiện dụng khi đi xe máy, Uniqlo đưa thương hiệu Việt lên áo phông
MUJI phát triển dòng sản phẩm áo mưa dựa trên nhu cầu đặc trưng của thị trường, trong bối cảnh các nhà bán lẻ Nhật Bản đang đồng loạt mở rộng mặt bằng tại Việt Nam.
- 22-03-2023Hyundai Accent 2023 chính thức trình làng với nhiều trang bị vượt trội, giá quy đổi chỉ từ 310 triệu đồng
- 22-03-2023Mặt hàng này của Việt Nam được Trung Quốc ráo riết “săn lùng”, xuất khẩu tăng đột biến 20.000% trong năm 2022
- 20-03-2023Một mặt hàng Hàn Quốc đang mạnh tay gom từ Việt Nam do sản lượng chỉ bằng 1/10, xuất khẩu hơn 700 triệu USD trong năm 2022
Sản phẩm áo mưa được trưng bày tại MUJI Vincom Thảo Điền.
Trong bài đăng mới đây trên Facebook, MUJI – thương hiệu bán lẻ Nhật Bản về phong cách sống giới thiệu dòng sản phẩm “áo mưa riêng cho Việt Nam”, “được tạo thành từ việc tìm hiểu cuộc sống địa phương”.
Chiếc áo mưa có giá 399.000 đồng, được thiết kế xẻ tà để dễ bước lên/xuống xe máy, tay bo chun và mái che ở mũ nhằm hạn chế nước tràn vào trong. Sản phẩm còn kèm túi với móc, chỉ nặng 250 g.
Nỗ lực “địa phương hóa” cả đầu vào lẫn đầu ra là định hướng được ông Tetsuya Nagaiwa - Tổng Giám đốc MUJI Việt Nam chia sẻ gần đây.
“ Bên cạnh chuyển hướng sản xuất nhiều sản phẩm hơn tại Việt Nam, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hữu dụng cho người Việt, dựa trên những thói quen và nhu cầu hằng ngày của họ. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm các sản phẩm mới dành riêng cho thị trường Việt Nam ”, ông cho biết.
Trước đó vào tháng 12/2022, để đánh dấu 3 năm gia nhập thị trường Việt Nam, thương hiệu bán lẻ thời trang đến từ Nhật Bản Uniqlo đã cho ra mắt bộ sưu tập sản phẩm được thiết kế nhằm tôn vinh những dấu ấn đặc trưng trong văn hóa Việt Nam.
Các thương hiệu tham gia hợp tác và có logo xuất hiện trên áo và túi của Uniqlo trải dài trên nhiều lĩnh vực: từ ngành F&B như Pizza 4P’s, Vietnam Coffee Republic, Marou Chocolate, Ka coffee; đến các doanh nghiệp xã hội, tôn vinh nghệ thuật thủ công và phát triển bền vững cùng cộng đồng như The Yên Concept, The Craft House, Vietclay và Tò He.
Ngoài ra, Uniqlo còn chung tay cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao tổ chức Phiên Chợ Xanh Tử Tế tại cửa hàng Uniqlo Đồng Khởi, nhằm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp và người nông dân địa phương, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Song song với những hoạt động kể trên, cả MUJI và Uniqlo đều đang tích cực mở rộng mặt bằng kinh doanh tại Việt Nam. MUJI vừa khai trương cửa hàng thứ 5 ở TTTM Vincom Thảo Điền (TP. HCM) và dự kiến mở cửa hàng thứ 6 ở AEON Mall Hà Đông (Hà Nội).
Tốc độ 5 cửa hàng sau hơn 2 năm rưỡi gia nhập thị trường không nhanh. Tuy nhiên, so với các thị trường châu Á lân cận như Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, các cửa hàng MUJI tại Việt Nam đang có diện tích bán lẻ trung bình lớn nhất, khoảng 2.000 m2. Do đa phần diện tích các TTTM Việt Nam khá hạn chế, MUJI đang cân nhắc những vị trí bên ngoài TTTM.
Trong khi đó, Uniqlo ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 12/2019 với cửa hàng đầu tiên tại TTTM Parkson Lê Thánh Tôn (TP.HCM) - được xem là cửa hàng có diện tích lớn nhất của Uniqlo tại Đông Nam Á. Từ đó đến nay, thương hiệu thời trang Nhật Bản liên tục mở rộng quy mô và đã cán mốc 15 cửa hàng tại Việt Nam.
Ngoài ra, một “ông lớn” bán lẻ khác của Nhật tại thị trường Việt Nam là AEON cũng đang nỗ lực mở rộng. Tháng trước, dự án AEON Mall Huế chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư gần 170 triệu USD, tổng diện tích mặt bằng hơn 86.000 m2. Đây là AEON Mall thứ 7 tại Việt Nam và là TTTM đầu tiên của AEON tại miền Trung.
Theo kết quả khảo sát được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện năm 2022, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong 1-2 năm tới. Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN và xét theo khu vực chỉ đứng sau Ấn Độ, Bangladesh.
Kế hoạch của các doanh nghiệp Nhật Bản được cho là xuất phát từ kỳ vọng vào khả năng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu và tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.
Xét riêng về ngành bán lẻ, tình hình lạm phát được đánh giá ảnh hưởng lớn đến sức mua của người tiêu dùng và gây khó khăn. Tuy nhiên, ông Tetsuya Nagaiwa cho biết sức mua từ khách hàng của MUJI hồi phục rất tốt sau đại dịch, không bị ảnh hưởng xấu do suy thoái kinh tế.
“ Sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua sắm của nhiều người càng tăng cao, như một động thái ‘phục thù’ để giải tỏa tinh thần sau khoảng thời gian không được chi tiêu trước đó. Đặc biệt, chúng tôi ghi nhận sức mua các sản phẩm giá trị cao tại MUJI tăng mạnh ”, ông trình bày.
Nhịp sống thị trường