Nỗ lực lo tết cho công nhân: Nơi thưởng 'mỏng', chỗ lo đủ việc
Chưa hết năm dương lịch 2022, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành cắt giảm lao động do tình trạng thiếu đơn hàng, công nhân không có việc làm. Dự báo, dịp Tết Nguyên đán này, ở một vài ngành nghề, câu chuyện thưởng Tết của doanh nghiệp (DN) cho người lao động (NLĐ) chắc chắn không mấy khả quan.
- 27-11-2022Đề xuất đưa thưởng Tết, lương tháng 13 vào nội quy lao động
- 22-11-2022Đuổi việc nhân viên để không phải thưởng Tết, doanh nghiệp sẽ bị phạt như thế nào?
- 08-11-2022Lương, thưởng Tết Dương lịch 2023 người lao động cần biết
Nghỉ Tết sớm vì hết đơn hàng
Anh Nguyễn Công Dương (33 tuổi, quê Thanh Hoá) đang làm công nhân cho công ty sản xuất linh kiện điện thoại ở Từ Sơn (Bắc Ninh) chia sẻ, hơn 1 tháng nay, công ty bắt đầu thiếu đơn hàng nên thời gian tăng ca cắt giảm dần. Công ty vừa thông báo, từ tháng sau, một số dây chuyền chỉ duy trì ngày làm 8 tiếng, không còn tăng ca, làm thêm. Công ty cũng khuyến khích NLĐ nghỉ phép hết số ngày theo quy định, nếu tới tháng 3 năm sau ai không nghỉ phép sẽ huỷ hết, không cộng dồn hay thay ngày nghỉ bằng tiền như các năm trước. “Bình thường có tăng ca, lương của tôi được 10-11 triệu đồng mỗi tháng, nếu ngày làm 8 tiếng chỉ còn lương cơ bản với mức 6,1 triệu đồng/tháng”, anh Dương nói. Anh cũng cho biết, hiện công ty chưa thông báo gì về lịch nghỉ Tết, thưởng năm ra sao. Anh Dương tính, khi có lịch nghỉ Tết chính thức của công ty sẽ xin nghỉ nốt 6 ngày phép còn lại cùng với dịp nghỉ Tết để về quê sớm.
Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may đang bị cắt giảm, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động khi Tết sắp tới gần Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Còn chị Phạm Thị Hoa (32 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, trước đây chị làm cho Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp, TPHCM). Giữa năm 2021, do khó khăn vì ảnh hưởng dịch COVID-19, chị thuộc danh sách công nhân bị cắt giảm sau 6 năm gắn bó với công ty. Đầu năm nay, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chị Hoa xin vào làm công nhân cho Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM). Với tay nghề đã có, việc nhiều, tăng ca liên tục, nên thu nhập hàng tháng của chị đều trên chục triệu đồng. Từ đầu tháng 9, công việc ít dần, thời gian tăng ca cũng giảm theo, tháng 11 này chị chỉ còn làm ngày 8 tiếng và hưởng lương cơ bản. Tuần trước công ty chính thức thông báo cho công nhân một số phân xưởng nghỉ luân phiên từ đầu tháng 12 tới hết tháng 2 năm sau. “Dù công ty vẫn hỗ trợ 180 nghìn đồng cho mỗi ngày nghỉ luân phiên, với dự kiến tổng thời gian nghỉ khoảng 14 ngày. Với tình hình này Tết năm nay cũng không có hy vọng gì về thưởng, giờ chỉ mong có việc làm, được tăng ca để có thu nhập đã là may rồi, nghĩ gì tới thưởng”, chị Hoa cho biết. Đã ba cái Tết chị chưa về quê. Những năm trước nhiều việc nên chị có ý định đăng ký làm xuyên Tết, vì lương làm thêm dịp Tết cao gấp 3-4 lần ngày thường. Sau đó việc ít nhưng vì dịch COVID-19 cũng không về được.
Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thông báo, do thiếu đơn hàng nên sắp xếp cho công nhân một số phân xưởng nghỉ luân phiên từ tháng 12 tới hết tháng 2/2023. Dự kiến có khoảng 20.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong tổng số trên 50.000 công nhân công ty đang sử dụng. Trước đó, vào Tết năm 2020 (chưa có dịch COVID-19), công ty này đã chi khoảng 900 tỷ đồng để thưởng công nhân, với mức bình quân hơn 14 triệu đồng/người và hỗ trợ thêm 3.000 vé xe cho công nhân về quê.
Cố gắng có thưởng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Nam Hà cho biết, từ quý 3/2022, đơn hàng may mặc xuất khẩu bắt đầu giảm. Do thiếu đơn hàng, DN đã phải cắt giảm làm thêm, tăng ca, nên NLĐ chỉ còn ngày làm 8 tiếng, hưởng lương cơ bản từ đầu tháng 10 tới nay. Đây cũng là tình trạng chung với đa số DN ngành dệt may, da giày, đồ gỗ... do thị trường Mỹ, châu Âu giảm sức mua vì khủng hoảng kinh tế. “Các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây như năm 2008, hay ảnh hưởng dịch COVID-19 của năm 2020, đơn hàng giảm từ từ, riêng năm nay đơn hàng giảm đột ngột, số lượng lớn trong thời gian ngắn. Nhu cầu thị trường giảm kéo theo giá sản phẩm cũng giảm. Việc làm ít, chưa tới mức cắt giảm lao động, nhưng tất yếu thu nhập của NLĐ giảm”, ông Dũng nói. Theo ông Dũng, các năm trước, dịp cuối năm thường làm không hết việc, đơn hàng nội địa còn từ chối, nay đơn hàng nội địa các DN cũng cạnh tranh nhau gay gắt. Dự báo khó khăn của thị trường xuất khẩu sẽ kéo dài hết nửa đầu năm 2023.
Về thưởng Tết, ông Dương cho hay, nhờ nửa đầu năm DN vẫn hoạt động tốt, có tích lũy, nên cố gắng duy trì thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13 cho NLĐ. “Với DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, tài sản lớn nhất của DN là NLĐ, nên vẫn phải tìm cách giữ chân NLĐ. Thưởng Tết không phải quy định bắt buộc, nhưng đã thành nếp nhiều năm nay của DN. Khó khăn cũng được NLĐ chia sẻ, nhưng DN vẫn cố để có thưởng, dù ít”, ông Dũng nói thêm.
Tiền phong