MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗ lực ngăn chặn gián điệp mạng từ nước ngoài, "quốc gia X" là thế lực nào mà Singapore không muốn gọi thẳng tên?

18-10-2021 - 07:55 AM | Tài chính quốc tế

Nỗ lực ngăn chặn gián điệp mạng từ nước ngoài, "quốc gia X" là thế lực nào mà Singapore không muốn gọi thẳng tên?

Singapore tranh luận về Đạo luật Đối phó sự can thiệp của nước ngoài mới và một “Quốc gia X” được giấu tên để tránh khơi mào sóng gió.

Đạo luật Đối phó nước ngoài can thiệp (Fica)

Trong cuộc thảo luận về Đạo luật Đối phó nước ngoài can thiệp (Fica), phe đối lập Singapore tỏ ra đồng thuận với đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, dù vẫn tồn tại những bất đồng.

Trong gần 11 tiếng tranh luận, nghị sĩ Pritam Singh từ Đảng Công nhân (WP) đã lên tiếng cảnh báo về nhiều khía cạnh của đạo luật. Những điều này bao gồm từ ngữ quá bao quát, loại bỏ gần như hoàn toàn quá trình tư pháp và trao quyền phúc thẩm cho một tòa án được chỉ định thay vì theo quy trình tòa án công khai.

Tuy nhiên, khi phe đối lập tranh cãi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Pháp luật Singapore K. Shanmugam – người xây dựng đạo luật, cả hai bên đều tránh đề cập trực tiếp đến một vấn đề hệ trọng: Trung Quốc có thể là nhân tố chính trong hoạt động gián điệp mạng tại khu vực.

Fica đã được đa số cơ quan lập pháp do PAP ủng hộ, nhằm đối phó với sự can thiệp của nước ngoài theo hai cách: nhắm vào các "chiến dịch tuyên truyền thông tin thù địch" và kiểm soát can thiệp thông qua lực lượng ủy nhiệm của nước ngoài tại địa phương.

Các chuyên gia chính sách đối ngoại từng nhận định việc ban hành của Fica được thúc đẩy trong bối cảnh các hoạt động gián điệp mạng đang gia tăng trên khắp châu Á. Tuy nhiên, kể từ khi dự luật được thông qua vào ngày 13/9, Bộ Nội vụ của Shanmugam đã tránh trực tiếp nêu rõ quốc gia nào là thủ phạm chính của các hoạt động can thiệp từ nước ngoài, nhưng vẫn nhấn mạnh tính cấp thiết của đạo luật mới.

Trong phiên họp Quốc hội Singapore, các nghị sĩ cũng nêu ra các vấn đề và câu hỏi về các kịch bản can thiệp của nước ngoài trong đời thực. Trong đó, có các cụm từ ám chỉ như "Quốc gia X", "Quốc gia Bắc Á" và "một cường quốc lớn ở Đông Á".

Lý do Singapore tránh gọi thẳng tên "Quốc gia X"

Các nhà quan sát nói rằng việc tránh đề cập thẳng tên chủ mưu cho thấy quốc đảo này không muốn đối đầu trực tiếp với siêu cường châu Á, ngay cả khi mọi người đều ngầm hiểu rằng nước nào là nhân tố chính trong việc thúc đẩy ban hành đạo luật Fica.

Dylan Loh, trợ lý giáo sư về chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nam Dương, cho biết các nước như Mỹ và Anh có thể nêu tên quốc gia đứng sau các chiến dịch thông tin thù địch vì họ có "nguồn lực để đối mặt với hậu quả".

Ông cho biết: "Đối với các quốc gia nhỏ hơn như Singapore, việc "gọi tên và làm xấu mặt" đồng nghĩa với "lựa chọn hạt nhân" và không nhất thiết phải truyền tải thông điệp bất chấp điều này".

Ben Bland, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy của Úc, cho biết việc công khai quốc gia khởi xướng các chiến dịch thông tin thù địch sẽ không ngăn chặn được quốc gia đó, "đặc biệt nếu đây là một cường quốc hoặc họ tự hào về danh tiếng của mình khi can thiệp vào nội bộ của nước khác".

Một tuần trước cuộc tranh luận về Fica, Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Trường Cao đẳng Quân sự của Pháp đã công bố bản báo cáo dài 646 trang trình bày chi tiết về việc Singapore nằm trong mục tiêu của các hoạt động gây ảnh hưởng của các nước triển khai gián điệp mạng. Báo cáo đề cập đến việc Singapore từng trục xuất học giả người Mỹ gốc Hoa Hoàng Tĩnh vào năm 2017 do nghi ngờ ông bí mật nghe lệnh của Bắc Kinh.

Tại quốc hội, ông Shanmugam đã không ít lần nói rằng việc Singapore nêu tên các nước chủ mưu của chiến dịch thông tin thù địch đơn giản là không khả thi do cái giá về địa chính trị mà nước này có thể phải gánh chịu là quá lớn.

Ông nói thêm: "Tác động đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia quá nghiêm trọng. Mỹ có thể gọi tên bất kỳ quốc gia nào mà họ muốn, còn chúng ta sẽ không đủ sức trả giá cho công việc kinh doanh quan hệ quốc tế này".

Ông cũng cố gắng nhấn mạnh rằng một số nước phương Tây cũng tích cực tham gia các hoạt động can thiệp. "Bất cứ ai tinh ý sẽ biết rằng Mỹ, Anh, các nước phương Tây, có khả năng hoặc có thể tham gia, thậm chí còn nhúng tay nhiều hơn. Thực sự, không có thiên thần nào trong trò chơi này".

Giáo sư Loh cảnh báo việc không nêu tên và chỉ trích quốc gia chủ mưu có thể khiến họ nghĩ rằng hoạt động can thiệp phải trả giá chính trị rất ít. Ông đề xuất trong trường hợp như vậy, hãy thực hiện việc này một cách gián tiếp bằng cách thông qua quan chức đã nghỉ hưu, các học giả hoặc truyền thông.

Ông Shanmugam trong bài phát biểu của mình đã trích dẫn các ví dụ từ các báo cáo khác nhau, và trực tiếp đề cập đến các hoạt động can thiệp được cho là do Nga và Mỹ tiến hành ở các nước thứ ba. Ngược lại, các tham chiếu đến những hành động của Trung Quốc lại mơ hồ hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Singapore nhắc lại việc nước này từng trải qua một chiến dịch thông tin thù địch trong "giai đoạn căng thẳng với một nước khác" vào khoảng năm 2016-2017. Trong thời kỳ đó, quan hệ Singapore-Trung Quốc sụt giảm do quốc đảo này không ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh đối với phán quyết của trọng tài thường trực về tranh chấp Biển Đông.

Sau đó, chuyến tàu chở 9 xe bọc thép Singapore trên đường trở về từ cuộc diễn tập ở Đài Loan đã bị giữ lại ở Hong Kong trong hơn 2 tháng với lý do về hải quan. Nhiều nhà quan sát tin rằng đây là một hình thức trả đũa của Bắc Kinh.

Ông Shanmugam không đề cập đến tên quốc gia hoặc những chi tiết này, nhưng thay vào đó lưu ý rằng chiến dịch thông tin thù địch trong thời gian đó liên quan đến các bài bình luận và video được tải lên các tài khoản mạng xã hội đã không hoạt động trong nhiều năm.

Ông lập luận: "Nhiều người trong số này nói tiếng Quan Thoại và nhắm vào những người nói tiếng Trung của chúng ta. Họ cũng có những hành động thông qua ứng dụng trò chuyện nhằm mục đích ảnh hưởng đến tình cảm của người dân Singapore".

Khi được hỏi về sự khác biệt khi chỉ trích các nước phương Tây so với Trung Quốc, Loh cho biết "phí bảo hiểm ‘mặt mũi’ ở Bắc Kinh cao hơn nhiều so với các nơi khác". Ngược lại, các quan chức này lại có thể nêu tên Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ, nhà nghiên cứu cho biết điều này phản ánh "sự phục hồi nhất định trong quan hệ Mỹ-Đông Nam Á".

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên