MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới trẻ Trung Quốc nợ nần chồng chất, lâm vào bước đường cùng vì lạm dụng các kênh cho vay trực tuyến

07-04-2021 - 15:52 PM | Tài chính quốc tế

Giới trẻ Trung Quốc nợ nần chồng chất, lâm vào bước đường cùng vì lạm dụng các kênh cho vay trực tuyến

36 triệu sinh viên đại học của Trung Quốc đang bắt đầu nhận ra cuộc sống không có các app cho vay tiêu dùng sẽ khó khăn như thế nào.

Tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã quyết định đóng lại cánh cửa cho phép sinh viên tiếp cận với hệ thống cho vay trực tuyến – ngành từng phát triển rầm rộ, bao gồm nhiều ứng dụng cho vay trực tuyến, các công ty fintech và những bên cho vay ngoài hệ thống khác. Các nền tảng internet được yêu cầu ngừng cho vay trực tuyến đối với sinh viên. Các ngân hàng cũng phải được phê duyệt trước khi quảng các các gói cho vay tại ký túc xá trường học.

Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm siết chặt kiểm soát đối với toàn bộ mảng fintech, đồng thời loại bỏ tình trạng các ngân hàng lạm dụng nhóm sinh viên đại học. Vài năm gần đây, báo chí Trung Quốc đã phản ánh nhiều vụ thu hồi nợ gây sốc. Nhiều sinh viên bị đe dọa, thậm chí buộc phải "đổi tình" để trả nợ.

Mặc dù có tới 3 công việc làm thêm, Rachel Chen, 1 sinh viên 21 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, vẫn chưa biết làm cách nào để có thể trả khoản vay trực tuyến gần 50.000 nhân dân tệ (tương đương 7.630 USD). "Tôi thường vay trên 1 nền tảng để trả nợ trên nền tảng khác. Giờ thì không làm như thế được nữa. Tôi buộc phải nói chuyện này với bố mẹ, nhưng họ chỉ có thể giúp tôi trả nợ một nửa mà thôi".

Hiện Chen kiếm được 2.000 tệ mỗi tháng, nhưng số tiền cô cần trả lên tới 5.000 tệ.

Kể cả đối với những người đã ra trường, đợt thanh trừng này cũng khiến họ lao đao. Zhang Chunzi (25 tuổi) hiện đang làm việc cho 1 công ty xuất nhập khẩu ở Hàng Châu nhưng vẫn còn nợ 150.000 tệ trên hơn chục ứng dụng cho vay trực tuyến, trong đó có Jiebei của Ant Group.

Tháng 2 năm ngoái, Zhang mất việc vì Covid-19 và đến tháng 6 mới tìm được việc làm mới. Thu nhập của cô vỏn vẹn 6.000 tệ/tháng sau khi trừ thuế. "Gần như mỗi ngày tôi đều nhận được cuộc gọi và tin nhắn đòi nợ", Zhang nói. Gần như mọi nỗ lực đàm phán để giảm lãi suất đều bị từ chối, thậm chí nhân viên thu nợ đã gọi điện cho cả sếp mới của cô. Zhang thực sự cảm thấy sợ hãi.

Nhưng cô không phải là người duy nhất đang mắc kẹt. Thế hệ Z – những người sinh ra từ năm 1996 đến 2010 – đã lớn lên trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc bùng nổ và kỳ vọng sẽ nhận được mức lương cao chót vót. So sánh với cả thế hệ Z ở các nước khác và những thế hệ trước, họ lạc quan hơn, bốc đồng hơn và sẵn sàng "vung tay quá trán" hơn, theo McKinsey.

Dễ dàng có được những khoản vay trực tuyến được quảng cáo ở khắp mọi nơi, khoảng cách giữa lối sống mà họ muốn và khả năng trang trải của họ bị thu hẹp lại. Chen dùng phần lớn số tiền vay được để làm đẹp, ví dụ như những mũi tiêm Botox, mỹ phẩm và quần áo.

Bởi vì các nền tảng cho vay trực tuyến không bị giám sát chặt chẽ, rất khó để đưa ra con số chính xác về tổng giá trị các khoản nợ. Ước tính có khoảng 7.000 công ty cho vay vi mô, gần gấp đôi số lượng ngân hàng truyền thống ở Trung Quốc.

Đối với những người như Zhang và Chen, hiện chưa có con đường nào giải thoát cho họ. Lãi suất cao khiến họ không thể tiếp cận với các ngân hàng truyền thống – những định chế chỉ chấp nhận giải ngân cho những khách hàng có điểm tín dụng cao và chứng minh thu nhập tốt. Tuyên bố phá sản cũng không phải là 1 lựa chọn bởi ở Trung Quốc chưa có quy trình chính thức.

"Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại", Shen Meng – giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson nói. Ông lo ngại người trẻ Trung Quốc sẽ quay sang những kênh cho vay ngầm bất hợp pháp và càng lâm vào cảnh tồi tệ hơn.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên