Nợ ngàn tỷ khó đòi: Không tiền tươi cứu sao nổi?
Xử lý nợ xấu là phải rót "tiền tươi" vào ngân hàng để bù trừ số vốn chủ sở hữu đã mất đi. Vậy, lấy tiền thật ở đâu xử lý nợ xấu? Nên hay không nên góp vốn vào một DN đã ở trong tình trạng không trả nổi món nợ?
- 23-01-2017Ngân hàng Quốc dân lãi gấp đôi năm trước, nợ xấu giảm
- 17-01-2017Agribank: 15.000 tỷ đồng nợ xấu ‘dính án” tại khu vực TP.HCM
- 06-01-2017Năm 2016, DATC đã xử lý hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu
Gần đây, rộ lên những thông tin về phương án xử lý nợ xấu theo hướng mới như dùng ngân sách, vay tiền, hay hoán đổi thành vốn đầu tư. Có ý kiến cho rằng phải dùng ngân sách để xử lý, ngược lại, có ý kiến không đồng tình. Có ý kiến thì khuyên nên vay tiền để xử lý, nhưng cũng có ý kiến phản đối, cho rằng nợ công đã ngập đầu. Người lại cho rằng, nên đổi nợ xấu thành vốn góp, sẽ giảm áp lực cho cả ngân hàng lẫn DN, nhưng người không đồng tình thì cho là hoàn toàn vô ích... Ông Phạm Nam Kim - Nguyên Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.
Cần rót "tiền tươi, thóc thật"
Tôi chỉ xin chia sẻ nỗi niềm của người đã từng làm quản lý ngân hàng. Nghề của chúng tôi thú thật cũng rất đơn giản. Nếu anh bán rau ngoài chợ, mua rau của người này, bán cho người khác, thì chúng tôi đi gom tiền của người này để cho người khác vay, sống dựa vào chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và tiền vay.
Nếu anh bán rau không bán được rau thì phải chịu lỗ, với chúng tôi, con nợ không trả chỉ còn biết trách bản thân sao dại dột cho người ta vay và lấy tiền túi ra để bù lỗ, không thể đổ trách nhiệm cho ai được. Khác biệt giữa anh bán rau và chúng tôi là rủi ro rất cao. Dù có cầm cố tài sản của con nợ, nhưng cuối cùng, khi con nợ không còn khả năng trả thì cũng chịu thua. Do vậy, chúng tôi bắt buộc phải có vốn chủ sở hữu cao, để khi không đòi được nợ, thì bỏ tiền túi ra mà trả, chứ không lấy tiền của người gửi để bù lỗ.
Lấy tiền thật ở đâu xử lý nợ xấu?
Thế cho nên, khi kinh tế suy thoái, con nợ theo nhau không trả, chúng tôi bắt đầu bù đắp bằng lợi nhuận hàng năm. Nếu không đủ, đành phải "rút ruột" lấy từ vốn chủ sở hữu ra bù đắp và có ngân hàng đã "tiêu" sạch cả tiền vốn này.
Đến nước đó thì chỉ còn cách ngưng không cho vay nữa. Nhưng ngân hàng không cho vay nữa thì nền kinh tế sẽ bị tê liệt hoàn toàn vì DN sống nhờ ngân hàng tài trợ vốn. Không có sự tài trợ này thì lấy tiền đâu để phát triển sản xuất kinh doanh? Còn vẫn tiếp tục cho vay, trong khi ngân hàng đã cạn vốn chủ sở hữu, sẽ phải lấy tiền của người gửi ra mà bù lỗ.
Xử lý nợ xấu là phải rót "tiền tươi, thóc thật" vào ngân hàng để bù trừ số vốn chủ sở hữu đã mất đi. Vì tiền cho vay trở thành nợ xấu, chính là tiền của người gửi. Khi trả lại cho người gửi thì phải là tiền thật.
Vậy lấy tiền thật ở đâu xử lý nợ xấu? Cuộc tranh luận đang có hai xu hướng rõ rệt. Xu hướng thứ nhất cho rằng đã là nền kinh tế thị trường, thì ai làm người ấy phải chịu. Nếu ngân hàng lầm lỗi, bị nợ xấu thì ngân hàng chịu, không thể bắt dân gánh chịu. Xu hướng thứ hai cho rằng, ngân hàng giữ một vai trò then chốt cho phát triển kinh tế, nếu ngân hàng sụp thì kinh tế bị ảnh hưởng và người dân là người trực tiếp gánh hậu quả. Vì vậy, cứu ngân hàng là tự cứu mình.
Có nên biến nợ xấu thành vốn góp?
Có lẽ, nên trở về với thực chất của vấn đề. Không một ngân hàng nào trên thế giới muốn đòi hỏi Chính phủ phải đứng lên giải quyết vấn đề nợ xấu của mình. Nhưng toàn thể những ngân hàng có nợ xấu cao đều "khát" tiền thật, nếu không có tiền thì sẽ phải phá sản và lúc đó thì người gửi tiền sẽ lãnh đủ.
Bởi vậy, phương án trung dung là người dân không trực tiếp bỏ tiền cứu ngân hàng, nhưng sẽ dùng thế lực của mình giúp ngân hàng. Nói một cách khác, Chính phủ sẽ đứng ra vay hộ, hay bảo lãnh những khoản vay giúp ngân hàng, với điều kiện là ngân hàng phải thực sự tái cơ cấu lại, để đảm bảo khả năng trả lại tiền cho dân.
Nên hay không nên góp vốn vào DN ở trong tình trạng không trả nổi món nợ?
Trong đó, có 3 việc nhất thiết phải làm là nâng cao quy mô hiện tại; gỡ bỏ hoàn toàn những sở hữu chéo, sân sau; thay những lãnh đạo thiếu khả năng hay thiếu lương tâm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã xây dựng dự thảo biến đổi nợ xấu thành những khoản đầu tư tại chính những DN không trả được nợ. Dự thảo này đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Câu chuyện chính ở đây là có nên hay không nên góp vốn vào một DN đã ở trong tình trạng không trả nổi món nợ.
Đối với chúng tôi, khi quản lý "tài sản có" của ngân hàng, sự khác biệt giữa cho vay và đầu tư góp vốn rất rõ rệt. Khi cho vay, đến hạn kỳ người vay phải trả lại nợ gốc, còn khi góp vốn đầu tư, tiền trao cho DN để làm ăn, không thể đòi lại, cùng lắm là kiếm được người mua lại.
Nếu chúng tôi lấy tiền gửi của dân cư để đầu tư trực tiếp vào DN thì có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, tiền gửi của dân có hạn kỳ phải trả, tiền đầu tư góp vốn không biết bao giờ lấy lại được. Thứ hai, là đầu tư góp vốn rủi ro mất vốn cao hơn cho vay rất nhiều và mức độ dự phòng rủi ro cũng rất cao. Tóm lại, chúng tôi thường dùng vốn tự có cho những khoản đầu tư này.
Trong lúc gặp khó khăn về vốn chủ sở hữu, chúng tôi không màng tới chuyện đầu tư góp vốn, nếu không có một lý do đặc biệt. Vả lại, những khoản nợ xấu này, theo Ngân hàng Nhà nước, thuộc nhóm 5, nghĩa là gần như vô phương đòi lại.
Ở góc nhìn khác, với những DN đã rơi vào tình trạng tài chính khó khăn, không thể trả nợ được, là do quản trị có vấn đề, rủi ro lớn. Khi ngân hàng biến nợ xấu thành cổ phần, mà không bỏ thêm một đồng "tiền tươi" nào vào thì không hiểu sẽ cứu DN ra sao dù có giảm được tỷ lệ nợ xấ?
Còn trên phương diện thuần kế toán, những khoản nợ xấu này đã được trích lập dự phòng rủi ro 100% và được xử lý đưa ra ngoại bảng. Nay với dự thảo này, lại lôi nó vào bảng cân đối dưới hình thức góp vốn đầu tư, như một tài sản có. Vậy tài sản này ở đâu ra? Ai thẩm định giá trị thực và mức độ rủi ro của nó? Qua những câu hỏi này, chúng tôi nghĩ rất nhiều về tiêu chí trung thực trong sổ sách kế toán.
Vietnamnet