MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nở rộ bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven TPHCM

02-12-2019 - 10:01 AM | Bất động sản

Một xu hướng đang xuất hiện gần đây, là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven TPHCM đã bùng nổ thời gian gần đây tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An nhằm đón đầu những cơ hội quy hoạch Vùng đô thị TPHCM mở rộng sắp được triển khai.

Tại Diễn đàn Bất động sản thường niên năm 2019 do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia đều nhận định rằng nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô đang đổ dồn về nhiều tỉnh. Trong đó, có những tỉnh vốn đã được biết đến như những điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng từ trước, nhưng nay đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm làm mới, nâng tầm.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, với những thị trường nghỉ dưỡng quen thuộc thì các nhà đầu tư mới tiếp cận quỹ đất sẽ bị đắt đỏ, giá cao. Bởi vậy, họ sẽ tìm kiếm các địa phương mới, cũng là thay đổi thói quen, thị hiếu du lịch của khách hàng.

Theo bà An, hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy bất động sản du lịch phát triển mạnh mẽ tại các vùng đất mới. Riêng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mới chủ yếu là khách du lịch trong nước, du lịch biển. Thị trường quen thuộc chủ yếu được biết đến với khách quốc tế.

Đồng quan điểm, theo ông Huân Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn thị trường, Colliers International Việt Nam, sự dịch chuyển xảy ra khi các thị trường trung tâm bắt đầu có dấu hiệu bão hòa và nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng từ các thị trường lân cận. Các địa phương mới nổi có giá đất hấp dẫn hơn nên tỷ suất sinh lời cao. Bên cạnh đó, bản thân các địa phương cũng tạo cơ hội cho nhà đầu tư vì muốn phát triển du lịch, nâng nguồn thu ngân sách và tạo nên những diện mạo mới.

"Hiện nay, có không ít địa phương mới nổi cho thấy rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nghỉ dưỡng, như vị trí địa lý cảnh quan, khí hậu và cơ sở hạ tầng mới. Vì nhu cầu đối với du lịch khó hạ nhiệt, nên bất động sản nghỉ dưỡng tại địa phương càng dễ phát triển khi khách hàng luôn đòi hỏi sự mới mẻ", ông Huân Nguyễn cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, bản thân nhu cầu du lịch trong nước của người dân cũng rất lớn và chúng ta chưa khai thác hết. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho không ít người Việt Nam lựa chọn các điểm đến ngoài nước, gây thất thu một phần cho ngành du lịch và ngân sách.

"Trước thực tế này, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng to lớn, có nhiều dư địa tăng trưởng, và nếu có, chỉ cần tập trung khách nội địa cũng đã rất tốt. Các điểm đến mới hay đang trong quá trình tái làm mới như Quảng Bình, Ninh Thuận, Phú Yên, Vũng Tàu, Bình Thuận… đang tạo nên sự thu hút bởi sự gần gũi, thân thiện và hiếu khách", bà Trang Bùi, Giám đốc Bộ phận Thị trường JLL Việt Nam đánh giá.

Trong khi các thị trường truyền thống như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng duy trì được một tỷ lệ nhất định khách ngoại (riêng sân bay Cam Ranh có trên 50% lượng khách là khách quốc tế, chủ yếu đến Khánh Hòa để du lịch), thì các thị trường mới nổi chủ yếu lại phục vụ nhu cầu của khách nội địa. Ngoài BĐS ven biển, trong thời gian gần đây người dân đặc biệt quan tâm tới phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vùng ven các trung tâm đô thị lớn.  

Theo phân tích của các chuyên gia, các khu nghỉ dưỡng vùng ven có lợi thế là gần trung tâm, thời gian di chuyển nhanh chóng, các tiện ích đầy đủ. Đặc biệt, các BĐS nghỉ dưỡng này có kết hợp với các khu giải chí cao cấp, sân golf, tennis….Một xu hướng đang xuất hiện gần đây, là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven TPHCM đã bùng nổ thời gian gần đây tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An nhằm đón đầu những cơ hội quy hoạch Vùng đô thị TPHCM mở rộng sắp được triển khai.

"Theo dòng chảy của thị trường, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải kéo nhau về những đô thị vệ tinh của TPHCM để phát triển", chuyên gia BĐS độc lập Phan Công Chánh cho biết. Trong đó, Long An được đánh giá là địa phương có sức hút lớn nhờ hưởng lợi từ hạ tầng, có vị trí trung gian giữa TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là sự góp mặt của những "ông lớn" như Vingroup, Nam Long, Vạn Thịnh Phát,... Ngoài những dự án đầu tư khu đô thị thì cũng đang có một số doanh nghiệp phát triển những dự án BĐS nghỉ dưỡng. 

Chẳng hạn, nằm cách thị trấn Đức Hòa khoảng 4km, một quần thể kiến trúc sinh thái độc đáo mang tên Làng cổ Phước Lộc Thọ ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa do Công ty CP Rồng Việt đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2010, thu hút bình quân hơn 60.000 lượt khách tham quan mỗi năm. Dự án này dần dần đã kích thích và thu hút nhiều hơn những doanh nghiệp rót vốn đầu tư vào phân khúc "ngon ăn" này.

Sau thời gian dài thi công, Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happy Land) ở xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức có diện tích giai đoạn 1 hơn 262 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỉ USD, cũng đã đưa vào khai thác một số hạng mục vui chơi giải trí trong năm 2016. Hiện nay, chủ đầu tư dự án này đang hợp tác với một số đối tác nước ngoài để tiếp tục thi công hoàn thiện giai đoạn 2 và dự kiến sẽ mở cửa đón khách vào dịp cuối năm nay.

Hay như Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười (thuộc nhà đầu tư Trần Thái) cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Mới đây, dự án West Lakes Golf & Villas tại Đức Hòa đang được đánh giá là sự lựa chọn tốt nhất cho bất động sản nghỉ dưỡng phía Tây Sài Gòn. West Lakes Golf & Villas (gồm 100 căn biệt thự đơn lập và song lập, 400 căn biệt thự có giá 3,5 tỷ đối với nhà thô và từ 4,5 tỷ đối với sản phẩm hoàn thiện) do tập đoàn Trần Anh Long An làm chủ đầu tư, nằm kề bên sân golf đã hoạt động từ 2017 đến nay, cùng với một số hạng mục giải trí đẳng cấp khác...

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, trên chặng đường phát triển du lịch, nếu có sự đầu tư, khai thác hiệu quả như các doanh nghiệp đi trước... thì du lịch Long An trong tương lai sẽ khởi sắc hơn. Do vậy, địa phương đang tập trung kêu gọi đầu tư vào các điểm du lịch là điều cần thiết để mai này, khi nhắc đến Long An, ngoài suy nghĩ đây là vùng đất phát triển công nghiệp, vùng đất của gạo Nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, nhiều du khách còn nghĩ đến Long An với những điểm du lịch hấp dẫn, điểm đầu tư BĐS sinh lời tốt,…


Đình Tú

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên