MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nở rộ dự án “bán lúa non”, nhiều địa phương cảnh báo gấp

16-05-2021 - 08:27 AM | Bất động sản

Nở rộ dự án “bán lúa non”, nhiều địa phương cảnh báo gấp

Liên tiếp các địa phương phát đi cảnh báo liên quan đến tình trạng “bán lúa non” dự án bất động sản không đúng quy định trên địa bàn.

 Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam phát đi văn bản số 553/SXD-QLHT về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh này đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án BĐS, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chỉ được đưa BĐS vào kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định và các quy định khác liên quan.

Chủ đầu tư các dự án BĐS, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án, kinh doanh BĐS tại dự án.

Nở rộ dự án “bán lúa non”, nhiều địa phương cảnh báo gấp - Ảnh 1.

Văn bản cảnh báo CĐT và người dân của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam


Tại văn bản nêu trên, Sở Xây dựng Quảng Nam cũng đề nghị sự phối hợp, vào cuộc của Sở Tư pháp (liên quan đến hoạt động công chứng mua bán BĐS) và Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố (liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận) và UBND các huyện, thành phố (liên quan đến việc tuyên truyền, công khai thông tin quy hoạch) để ngăn chặn việc " bán lúa non " dự án BĐS trái phép.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Quảng Nam cũng khuyến cáo các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại tại các dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư khi thực hiện mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền dự án phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.

Nở rộ dự án “bán lúa non”, nhiều địa phương cảnh báo gấp - Ảnh 2.

UBND huyện Phú Ninh (Quảng Nam) cảnh báo người dân về việc dự án được rao bán khi chưa đủ điều kiện.


Được biết, ngay khi cảnh báo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam được phát đi, UBND huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) cũng đã có văn bản cảnh báo, ngăn chặn các thông tin sai quy định tại Khu phố chợ Chiên Đàn. Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 12/2017, do CTCP Địa ốc Newland Quảng Nam làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai thi công xây dựng. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện nhiều tin kêu gọi rao bán, đăng ký, đặt cọc giữ chỗ tại dự án thông qua nhiều kênh. UBND huyện Phú Ninh khẳng định tới thời điểm này dự án trên chưa đủ điều kiện để huy động vốn và chào bán.

Trước đó, một số địa phương như Bắc Ninh, Sơn La, Bắc Giang, Hà Nam,…. cũng đã lần lượt ra văn bản cảnh báo, chấn chỉnh tình trạng " bán lúa non " dự án BĐS khi chưa đủ điều kiện, thậm chí trái phép cũng như công bố danh sách dự án đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện giao dịch.

Sở Xây dựng Bắc Giang đã công bố thông tin về nội dung các dự án, khu đô thị, khu dân cư mới chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Cơ quan này đồng thời khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ lưỡng khi đầu tư.

Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Sơn La cũng đã ban hành thông báo trên địa bàn tỉnh có 11 dự án nhà ở thương mại đang triển khai và đã có chủ đầu tư. Tuy nhiên, chưa đủ điều kiện để huy động vốn; điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến hết tháng 3/2021. Trong danh sách 11 dự án này có 3 dự án do Công ty CP Tập đoàn Picenza Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, một phần nguyên nhân của tình trạng "bán lúa non" dự án BĐS khi chưa đủ điều kiện là trước đây các thủ pháp lý triển khai dự án được cấp phép khá dễ dàng nhưng đến nay việc khi tính pháp lý của dự án được "siết" lại, rà soát chặt chẽ hơn thì một số dự án chưa đáp ứng được nhưng chủ đầu tư vẫn cho bán. Trong trường hợp này, rủi ro hoàn toàn bị đẩy về khách hàng, các chuyên gia nhận định.

Theo chia sẻ của một Luật sư với Diễn đàn Doanh nghiệp khi mua BĐS hình thành trong tương lai người mua cần cẩn trọng xem xét tính pháp lý của dựa án trước khi tham gia ký kết các văn bản giao dịch. Đa phần rủi ro thường là các dự án bán ‘lúa non’, mập mờ pháp lý…, thậm chí đang thế chấp ngân hàng vẫn mở bán, người mua nhà có thể không được nhận nhà và tiền không thể đòi.

"Nếu người mua còn nghi ngờ về tính pháp lý của dự án thì có thể tìm đến những chuyên gia, luật sư chuyên về lĩnh vực bất động sản để có thể tư vấn pháp lý giúp người mua tránh khỏi những rủi ro trong giao dịch. Đối với người đã trót ký hợp đồng, có thể yêu cầu chủ đầu tư hủy hợp đồng và hoàn trả toàn bộ số tiền. Nếu chủ đầu tư không thực hiện hoàn trả tiền, cần tiến hành nhanh việc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền và số tiền của mình" - vị Luật sư chia sẻ.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên