MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu sẽ giảm vì Thông tư 39?

15-02-2017 - 09:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Quy định về việc chuyển nợ quá hạn tại điều 20 của Thông tư 39 đang gây ra một sự khó hiểu không nhỏ với các chuyên gia lẫn các ngân hàng thương mại.

Kể từ ngày 15/03/2017, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ được điều chỉnh bởi Thông tư 39/2016/TT-NHNN với rất nhiều thay đổi so với Quy chế cho vay theo Quyết định 1627/2001.

Thông tư 39 có rất nhiều điểm mới tích cực như đã chốt lãi suất cho vay theo sự thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng (xóa đi tranh cãi trước đây về trần lãi suất cho vay), bám sát thực tế hoạt động cho vay với ba phương thức cho vay mới (cho vay lưu vụ, cho vay quay vòng, cho vay tuần hoàn), nhiều quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay,…

Tuy nhiên, quy định về việc chuyển nợ quá hạn tại điều 20 của Thông tư 39 đang gây ra một sự khó hiểu không nhỏ với các chuyên gia lẫn các ngân hàng thương mại.

Nợ quá hạn được khái niệm như thế nào?

Điều 20 Thông tư 39 quy định: “Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn”.

Đọc riêng quy định này, người đọc sẽ hiểu như sau: Với một khoản vay 5 tỷ đồng trả góp trong 5 năm (mỗi năm trả 1 tỷ đồng nợ gốc), đến hết năm thứ nhất, khách hàng hoàn toàn không trả được khoản tiền gốc nào. “Số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận” trong trường hợp này là 1 tỷ đồng, và ngân hàng chỉ chuyển nợ quá hạn đối với 1 tỷ đồng này, còn 4 tỷ đồng còn lại vẫn là nợ trong hạn.

Điều này “có vẻ” mâu thuẫn với khái niệm về nợ quá hạn quy định tại khoản 6 - điều 3 Thông tư 02/2013/TT-NHNN: “Khoản nợ quá hạn là khoản nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi đã quá hạn”. Theo Thông tư 02, khi khách hàng chỉ cần không trả đúng hạn một phần gốc hoặc lãi đến hạn thì toàn bộ khoản vay đó được coi là nợ quá hạn và sẽ bị chuyển sang nhóm 2 nếu quá hạn sang ngày thứ 10. Đồng thời, toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của khách hàng đó tại TCTD sẽ được phân loại vào cùng một nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất.

Không những thế, đối với khách hàng có dư nợ hoặc cam kết ngoại bảng tại nhiều TCTD, Thông tư 02 còn quy định các TCTD phải phân loại toàn bộ dư nợ và giá trị cam kết ngoại bảng của khách hàng đó theo nhóm nợ do Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cung cấp. Hiểu một cách đơn giản, nếu khách hàng chỉ cần chậm trả một phần nợ gốc hoặc lãi đến hạn thì theo Thông tư 02, toàn bộ khoản vay đó và tất cả các khoản tín dụng khác của khách hàng tại tất cả các TCTD đều sẽ bị chuyển sang nhóm 2 trở lên.

Nợ xấu sẽ giảm hay NHNN cần có sự giải thích rõ ràng?

Theo công bố chính thức của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 2,58% vào cuối quý II/2016 (chưa bao gồm các khoản nợ đã bán cho VAMC). Đây là số nợ xấu được phân loại theo Thông tư 02. Một phần lớn số nợ xấu này là các khoản vay trung dài hạn nhưng chưa đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng theo thỏa thuận, tuy nhiên toàn bộ dư nợ gốc đều đang được phân loại là nợ xấu.

Nay nếu được phân loại lại theo điều 20 Thông tư 39 (như cách hiểu nói trên) thì phải chăng nợ xấu sẽ giảm đi? Nếu thực sự như vậy, không lẽ NHNN chấp nhận một “bước lùi” trong việc theo đuổi các thông lệ quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro? Và rồi, các TCTD không lẽ sẽ phân loại một khoản vay nằm ở hai nhóm nợ khác nhau? Việc tính toán chi phí dự phòng rủi ro cụ thể của khoản vay phải thực hiện như thế nào bởi tỷ lệ trích lập dự phòng là khác nhau giữa các nhóm nợ? Các TCTD có được hoàn nhập dự phòng rủi ro cụ thể vì nợ quá hạn, nợ xấu theo cách phân loại mới sẽ giảm đi?

Người viết ban đầu cho rằng có thể có một sự hiểu nhầm về ý nghĩa thực sự của điều 20 Thông tư 39 (ví dụ việc chuyển nợ quá hạn này chỉ nhằm vào việc tính lãi phạt quá hạn), hoặc hi hữu hơn là đã có sự sai sót trong việc soạn thảo văn bản của NHNN. Tuy nhiên, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN) đã cho biết: “Theo quy chế cho vay 1627, đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì toàn bộ số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn. Quy định này ảnh hưởng đến quyền lợi của người vay và quyền tự chủ của TCTD. Do vậy, Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã sửa đổi quy định này theo hướng TCTD chỉ chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được TCTD chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ”. Như vậy, quy định mới này là hoàn toàn có chủ đích.

Tuy nhiên, nếu khẳng định NHNN thực sự muốn thay đổi cách thức phân loại nợ thì cũng không thuyết phục bởi vì tại điều khoản Tổ chức thực hiện của Thông tư 39 không hề quy định Thông tư 02 hết hiệu lực thi hành như một loạt văn bản khác (chủ yếu liên quan đến Quyết định 1627/2001).

Do đó, có lẽ các TCTD và khách hàng đều đang mong chờ một sự giải thích rõ ràng từ phía NHNN.

Phong Hiếu

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên