MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu và lãi suất sẽ “dễ thở” hơn?

29-06-2017 - 10:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Một nguyên nhân lớn cho những tồn tại, hạn chế của ngành ngân hàng là nợ xấu. Đây là điểm nghẽn lâu năm mà chưa có biện pháp giải quyết rốt ráo. Vì thế, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giới tài chính – ngân hàng có thể “thở phào” vì nhiều vướng mắc sẽ có cơ sở để giải quyết.

“Rã đông”

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỉ lệ nợ xấu đang chiếm khoảng 10,08% dư nợ và tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế (tổng dư nợ tín dụng hiện đạt khoảng 5,5 triệu tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể lớn hơn bởi nợ xấu còn tiềm ẩn trong các khoản nợ khác do các ngân hàng cơ cấu lại hoặc đảo nợ... Hơn nữa, trong hoạt động hàng ngày của các tổ chức tín dụng, nợ xấu vẫn luôn tiềm ẩn và phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. NHNN cho hay, tính trung bình những năm qua thì nợ xấu phát sinh hàng năm từ 1,3-1,5%. Chính vì thế, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ rã “cục máu đông” nợ xấu nhiều năm qua.

Theo đó, Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Quốc hội đã thống nhất phạm vi áp dụng là các khoản nợ phát sinh trước ngày 15/8/2017.

Về vấn đề này, các chuyên gia nhận xét, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra phương hướng quan trọng giúp hệ thống ngân hàng xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc xử lý tài sản đảm bảo; Hơn nữa còn giúp hình thành thị trường mua bán nợ, cho phép các tổ chức tín dụng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) bán các khoản nợ xấu và các tài sản đảm bảo khoản nợ theo giá thị trường và theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội còn giúp đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, đồng nghĩa với việc đảm bảo quyền của người gửi tiền.

Báo cáo tại Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Như vậy, nếu tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được, nợ có nguy cơ tiềm ẩn thì tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là 10,08% tổng dư nợ, tương đương khoảng 600.000 tỷ đồng. Vì thế, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp LienVietPostBank cho rằng, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỷ đồng kẹt trong nợ xấu và tiềm ẩn thành nợ xấu; hơn nữa, Nghị quyết còn góp phần khơi thông dòng chảy vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, “cục máu đông” nợ xấu sẽ dần dần tan chảy có ích cho nền kinh tế xã hội.

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, cũng như một vài băn khoăn như quy định về giới hạn thời gian nợ xấu được áp dụng, nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu… có thể khiến Nghị quyết không đạt được như kỳ vọng. Nhưng dù sao, “có còn hơn không”, bởi vấn đề nợ xấu đã rất cấp bách, đang “ăn mòn” nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Tiến tới ổn định

Trong nhiều cuộc trao đổi, câu chuyện ổn định lãi suất luôn là mong muốn của các DN và những nhà hoạch định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của lãi suất chính là nợ xấu. Do đó, liệu rằng việc Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được thông qua có giúp lãi suất đi tới sự ổn định như mong muốn.

Trong những tháng gần đây, để thúc đẩy kinh tế phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo ngành ngân hàng phải ổn định lãi suất, tiến tới phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất. Nhận định về tình hình lãi suất trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, xu hướng lãi suất chủ yếu phụ thuộc vào cách thức NHNN xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng, cùng việc xử lý nợ xấu, càng nhanh càng tốt. Nghĩa là, nếu khéo điều hành, mặt bằng lãi suất sẽ đạt được như mong muốn và chỉ đạo của Chính phủ.

Chính vì thế, Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua, dù thế nào cũng mở ra cảnh cửa rộng hơn để đảm bảo mặt bằng lãi suất, bởi hiện nay, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, các DN vẫn “than trời” vì lãi suất không những cao mà còn khó tiếp cận nguồn vốn. Hơn nữa, nếu nợ xấu gia tăng, các ngân hàng thương mại không những không thu hồi được nguồn vốn đã cho vay, mà còn phải tăng huy động để tiếp tục hoạt động kinh doanh, tăng trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo thanh khoản, giảm tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ, thậm chí để đảo nợ... Do vậy, nếu nợ xấu được xử lý, một khối lượng vốn được chuyển ra lưu thông, khi đó các DN có thêm nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp căn cơ để giảm nợ xấu, các chuyên gia còn kêu gọi cơ quan quản lý nên tính tới chuyện cho phá sản các ngân hàng yếu kém, bởi nếu không kêu gọi được nguồn lực bên ngoài thì nguồn lực Nhà nước không thể và không nên dùng để trả nợ cho các ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát đã giảm, tỷ giá đã ổn định thì lãi suất đã có nhiều cơ hội để giảm xuống, nhưng khi mối nguy nợ xấu vẫn còn đó thì lãi suất vẫn còn nhiều “chông chênh”. Chừng nào nợ xấu chưa được xử lý triệt để, cơ hội để giảm lãi suất là không nhiều và mức độ giảm, nếu có, sẽ không thể lớn như mong đợi. Nhưng Nghị quyết về xử lý nợ xấu có giúp những vấn đề vướng mắc của nợ xấu, lãi suất trở nên “dễ thở” hơn hay không vẫn còn là điều phải chờ đợi, nhưng cũng đáng để chờ đợi!

Theo Hương Dịu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên