Nobel Y học về tay người Nhật
Giải Nobel Y học năm 2016 đã được trao cho nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi vì những khám phá về cơ chế tự thực của tế bào.
Quyết định trên được Ủy ban Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển) công bố hôm 3-10.
"Tự thực" là thuật ngữ chỉ quá trình tái chế tế bào. Các nhà khoa học hồi thập niên 1960 lần đầu tiên nhận thấy tế bào có thể bỏ những thành phần bên trong của chúng bằng cách bọc chúng bên trong lớp màng và đưa đến "trung tâm tái chế" của tế bào.
Ông Ohsumi đã xác định được 15 loại gien đóng vai trò quan trọng đối với cơ chế tự thực khi nghiên cứu men nở làm bánh. Sau đó, ông chứng tỏ được cơ chế tự thực cũng xảy ra ở tế bào người.
Ủy ban Nobel tại Viện Karolinska đánh giá những khám phá của ông Ohsumi giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cách tế bào tái chế, cũng như mở đường cho nhận thức về tầm quan trọng của cơ chế tự thực trong nhiều tiến trình sinh lý học, như phản ứng đối với sự nhiễm trùng...
Sự gián đoạn hoặc rối loạn của cơ chế tự thực được gắn kết với ung thư, bệnh Parkinson's, tiểu đường và những chứng bệnh xuất hiện ở người cao tuổi. Ngoài ra, sự đột biến của gien tự thực có thể gây ra bệnh di truyền. Vì thế, các nghiên cứu đang được đẩy mạnh nhằm bào chế được loại thuốc có thể tác động đến cơ chế tự thực ở nhiều căn bệnh khác nhau.
Giải Nobel Y học mở đầu mùa Nobel năm 2016. Ảnh: Nobelprize.org
Ông Ohsumi sinh năm 1945 tại TP Fukuoka - Nhật Bản, lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Tokyo năm 1974.
Sau khi làm việc 3 năm tại Trường ĐH Rockefeller (Mỹ), ông trở về Trường ĐH Tokyo và thành lập nhóm nghiên cứu vào năm 1988. Kể từ năm 2009, ông là giáo sư tại Viện Công nghệ Tokyo.
Giải Nobel Y học năm 2015 đã thuộc về 3 nhà khoa học, trong đó một nửa giải thưởng thuộc về 2 nhà khoa học nam William C. Campbell (Ireland) và Satoshi Ōmura (Nhật Bản) vì những phát hiện liên quan tới liệu pháp mới chống lây nhiễm từ sinh vật ký sinh. Phân nửa còn lại của giải thưởng được trao cho nhà khoa học nữ Trung Quốc Youyou Tu vì những phát hiện liên quan tới liệu pháp điều trị mới chữa bệnh sốt rét.
Giải Nobel Y học nói trên chính thức mở màn cho mùa giải Nobel năm nay. Theo kế hoạch, giải Nobel Vật lý được công bố ngày 4-10, theo sau là các giải Nobel Hóa học (5-10), Nobel Hòa bình (7-10), Nobel Kinh tế (10-10) và Nobel Văn chương (13-10).
Trong số này, giải Nobel Kinh tế ra đời năm 1968 và không nằm trong số những giải được thiết lập trong di chúc của ông Alfred Nobel năm 1895.
Giá trị mỗi giải thưởng Nobel năm nay vào khoảng 930.000 USD.
Người Lao động