Nỗi ám ảnh bong bóng dot-com quay trở lại với những tấm séc khổng lồ cho các startup
Các nhà đầu tư công nghệ đang chi những khoản tiền "lớn hơn bao giờ hết" cho các startup, gợi nhớ lại những gì xảy ra năm 1999, ngay trước thời điểm bong bóng dot-com vỡ tung.
- 09-07-2021Cổ phiếu meme - Khởi nguồn của bong bóng tài chính tiếp theo?
- 29-06-2021Quan chức Fed: 'Mỹ sẽ không thể chống chọi khi quả bong bóng bất động sản bùng nổ và vỡ tung!'
- 18-06-2021Giống thời kỳ dot-com, Tesla cùng những cổ phiếu bong bóng khác đang bắt đầu xì hơi
- 16-06-2021Bong bóng bất động sản lớn thứ hai thế giới bắt đầu xì hơi
- 16-06-2021Bong bóng du lịch hình thành ở Phuket, Phú Quốc hoàn toàn có thể là nơi tiếp theo
Đầu tháng 7/2021, các nhà đầu tư công nghệ đang viết những tấm séc "lớn chưa từng có" cho các startup công nghệ. Theo CB Insights, các công ty khởi nghiệp đã huy động được 292,4 tỷ USD trên toàn thế giới trong 7 tháng đầu năm 2021, trên đà vượt qua con số 302,6 tỷ USD huy động được trong suốt năm 2020.
Các vòng gọi vốn có giá trị trên 100 USD đã tăng lên 751 trong 7 tháng đầu năm 2021, vượt xa con số 665 của năm ngoái. Hussein Kanji, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Hoxton Ventures của Anh, nói rằng: "Tôi thấy những gì đang diễn ra giống với năm 1999. Bạn có rất nhiều nguồn cấp vốn với những thương vụ lớn".
Nhắc lại bong bóng dot-com, Kanji nói rằng cổ phiếu mọi công ty có gắn với công nghệ đều bùng nổ trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân của một cuộc khủng hoảng. Trong giai đoạn từ 1995 đến 2000, Nasdaq Composite tăng 400%. Tuy nhiên, vào tháng 10/2002, nó giảm gần 80% so với đỉnh.
Trong 5 năm qua, Nasdaq đã tăng gần gấp 3 lần. Giá trị vốn hóa của một số công ty công nghệ như Amazon, Google và Facebook vượt mốc 1 nghìn tỷ USD trong khi Microsoft và Apple hiện có giá trị hơn 2 nghìn tỷ USD. Việc gia tăng nhanh chóng trong định giá các công ty khởi nghiệp tiếp tục gây lo ngại cho các nhà đầu tư.
Trong nửa đầu năm 2021, có gần 250 công ty công nghệ được coi là kỳ lân khi có định giá cao hơn 1 tỷ USD, gấp đôi lượng kỳ lân công nghệ của cả năm 2020. Andrei Brasoveanu, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Accel, nói rằng: "Đây là thời điểm tuyệt vời để gọi vốn".
Tiger Global, một quỹ đầu cơ nổi tiếng với việc đặt cược vào các công ty công nghệ trước khi chúng IPO, gần đây tiếp tục đổ tiền nhiều hơn cho lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Các tập đoàn như SoftBank của Nhật Bản liên tiếp khiến thế giới chấn động với những khoản đặt cược tỷ đô vào các công ty khởi nghiệp.
Các nhà đầu tư không để ý đến sự cạnh tranh ngày càng lớn trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Định giá các công ty công nghệ chưa niêm yết cũng "ngày càng xa thực tế" do nỗi ám ảnh "sợ lỡ tàu", Kanji của Hoxton Ventures cho biết. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư còn không buồn quan tâm đến những đợt gọi vốn có giá dưới 100 triệu USD.
"Việc các nhà đầu tư ngày càng viết những tờ séc lớn, thành thực mà nói, là điều tôi thấy có hại cho sự phát triển bền vững của ngành này. Gọi được vốn khủng, các nhà sáng lập có thể sẽ không còn mặn mà với việc tạo ra giá trị. Thay vào đó, họ sẽ mải mê đốt tiền", Iana Dimitrova, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp fintech OpenPayd tại Anh, nhận định.
Trong cơn sốt lần này, có sự trở lại của châu Âu, khu vực vốn từ lâu đã tụt hậu hơn so với Mỹ và Trung Quốc về công nghệ. Châu Âu đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm năm 2021. Trong khi đó, nguồn tiền cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc lại đang giảm xuống.
"Xu hướng làm việc từ xa hoàn toàn đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đưa các công ty châu Âu tiếp cận thị trường toàn cầu", Andrei Brasoveanu, đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Accel, lý giải cho xu hướng này.
Tuy nhiên, một trong các yếu tố khiến đầu tư mạo hiểm lên ngôi chính là tình trạng lãi suất thấp phổ biến trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt các quốc gia hạ lãi suất và tung ra các gói kích cầu nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Nguồn tiền dồi dào khiến một phần trong số chúng tìm đến các thương vụ đầu tư mạo hiểm.