Nói bao giờ cũng dễ hơn làm: Hé lộ thêm một quốc gia châu Âu không tiếc tay nhập LNG của Nga – tăng đến 84% so với trước xung đột
Nhập khẩu LNG từ Nga của Tây Ban Nha đã tăng 84% kể từ thời điểm xung đột Nga – Ukraine nổ ra, cho thấy sự phụ thuộc dai dẳng của EU vào năng lượng của Nga.
- 18-02-2023Dự báo thời điểm châu Âu và châu Á rơi vào cuộc chiến tranh giành LNG
- 22-11-2022Châu Âu 'chơi lớn' dựng hàng loạt tàu nổi khổng lồ chứa LNG giữa biển để gom khí đốt
Theo Bloomberg, lượng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) có nguồn gốc từ Nga của Tây Ban Nha đã tăng 84% kể từ đầu năm ngoái, sau khi nước này gặp vấn đề với một nhà cung cấp khí đốt khác là Algeria. Lượng LNG nhập từ Nga chiếm đến 14% tổng nhu cầu của Tây Ban Nha trong khoảng thời gian từ tháng năm ngoái đến tháng 2 năm nay, tăng 6,2 điểm %.
Không chỉ riêng Tây Ban Nha, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu năm ngoái đã tăng 30% khi quốc gia bị trừng phạt này cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu thông qua đường ống.
Tây Ban Nha chính là người mua LNG hàng đầu của Nga cho đến nay, xếp sau lần lượt là Bỉ và Pháp, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg.
Không chỉ LNG, Tây Ban Nha đứng top đầu trong các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng của Nga với tổng chi tiêu – gồm cả dầu thô, khí đốt lên đến 1 tỷ USD, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.
Việc Tây Ban Nha tăng mạnh nhập khẩu LNG từ Nga chắc chắn sẽ khiến các nhà quản lý EU để ý đến. Cho đến nay, EU vẫn giữ quan điểm thúc giục các nước thành viên cắt giảm việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Mục tiêu cuối cùng của khối này là ngừng hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm năng lượng của Nga để cắt nguồn thu của nước này.
Trong khi đó, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ lại đang được hưởng lợi từ chính sách này của châu Âu. Trên thực tế, phần lớn lượng nhiên liệu trước đây từng chuyển vào châu Âu của Nga đã được một số người mua từ châu Á chiếm lấy với giá rẻ. Một số sản phẩm này sau đó thậm chí còn quay lại EU.
Nhịp sống thị trường