MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nội bộ OPEC+ bất đồng?

24-11-2023 - 09:34 AM | Tài chính quốc tế

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất bên ngoài (gọi tắt là OPEC+) bất ngờ hoãn cuộc họp dự kiến thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu.

Theo Reuters, cuộc họp này sẽ diễn ra vào ngày 30-11, thay vì ngày 26-11 như kế hoạch ban đầu.

Các nguồn tin của OPEC+ cho biết nguyên nhân là các nhà sản xuất chưa tìm được tiếng nói chung về sản lượng khai thác và mức cắt giảm tiềm tàng. Giới phân tích cho biết các nước Angola, Congo và Nigeria đang tìm cách nâng hạn ngạch nguồn cung năm 2024 lên trên mức tạm được thống nhất tại cuộc họp của OPEC+ hồi tháng 6.

Thông tin bất ngờ này khiến giá dầu thô Brent ở Anh có lúc giảm còn 81,11 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 23-11. Một số chuyên gia nhận định diễn biến của thị trường cho thấy nội bộ OPEC+ chưa đồng thuận hoàn toàn về quy mô cắt giảm sản lượng trong năm tới. 

Ả Rập Saudi, Nga và các thành viên OPEC+ khác đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu khoảng 5 triệu thùng/mỗi ngày kể từ cuối năm 2022.

Nội bộ OPEC+ bất đồng? - Ảnh 1.

Các bể chứa dầu thô ở TP Cushing, bang Oklahoma - Mỹ Ảnh: REUTERS

Theo đài CNN, giá dầu thô Brent và WTI đều giảm trong 4 tuần liên tiếp do áp lực từ trữ lượng dầu thô cao kỷ lục tại Mỹ và lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. 

Ông Jorge Leon, Phó Chủ tịch cấp cao về thị trường dầu của Công ty Tư vấn Rystad Energy (Na Uy) hôm 22-11 cho rằng ông không loại trừ hoàn toàn khả năng các thành viên OPEC+ sẽ gặp bế tắc khi bàn về chuyện cắt giảm thêm sản lượng lúc này. Theo ông Leon, một số thành viên OPEC+, trong đó có Nga và Nigeria, sẽ khó chấp nhận mức sản lượng thấp hơn nữa.

Chuyên gia này vẫn kỳ vọng OPEC+ đạt được thỏa thuận tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 30-11 nhưng tiến trình này có thể gặp không ít thách thức. Theo Reuters, một số nhà phân tích dự báo OPEC+ có thể sẽ duy trì chính sách cắt giảm nguồn cung trong năm tới hoặc thậm chí nâng mức cắt giảm và Ả Rập Saudi có thể yêu cầu các thành viên khác chia sẻ điều này. 

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên