Nỗi buồn của "ông trùm" thép Trần Đình Long: Giá quặng sắt lên cao kỷ lục kéo lợi nhuận liên tiếp đi xuống, giá cổ phiếu sụt giảm hơn 30%
Trong quý 1, tuy doanh thu bán hàng vẫn tăng nhưng lợi nhuận từ thép của Hòa Phát đã giảm khoảng 14% do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép là quặng sắt tăng cao kỷ lục. Sang quý 2, giá quặng sắt vẫn tiếp tục tăng vọt do khan hiếm nguồn cung.
Theo số liệu trên trang Businessinsider, giá quặng sắt thời điểm hiện tại đã lên 121,87 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Nếu tính từ đầu năm, giá quặng sắt đã tăng 68% còn nếu tính trong 1 năm trở lại đây, giá đã tăng tới 86%.
Nguyên nhân khiến giá tăng mạnh là do lo ngại về nguồn cung tại Brazil, quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu thế giới.
Tại các cảng của Trung Quốc, lượng quặng sắt dự trữ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017, phần lớn do nguồn cung từ Brazil suy giảm, nơi xảy ra vụ vỡ đập hồi tháng 1/2019 khiến các mỏ khai thác quặng của công ty sản xuất hàng đầu là Vale SA phải đóng cửa để kiểm tra an toàn.
Giá quặng sắt tăng cao kỷ lục. Ảnh: BusinessInsider
Quặng sắt là nguyên liệu chính để sản xuất thép và việc giá quặng sắt tăng mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất thép như Hòa Phát. Lợi nhuận quý 1/2019 của Hòa Phát đã giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, doanh thu mảng thép của Hòa Phát vẫn tăng, cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng khoảng 15%. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ mảng thép lại giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm trước, do giá vốn tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng doanh thu.
Quý 2, kết quả lợi nhuận của Hòa Phát chưa được công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của công ty đang liên tục giảm mạnh, hiện xuống chỉ còn 22.600 đồng/cổ phiếu, giảm 17% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3 và giảm hơn 30% so với hồi đầu tháng 10/2018.
Giá cổ phiếu Hòa Phát liên tục giảm. Ảnh: VnDirect
Tại đại hội cổ đông hồi đầu năm, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đã nêu ra nhiều khó khăn mà tập đoàn đang gặp phải, trong đó khó khăn lớn nhất chính là vấn đề giá quặng sắt. Để sản xuất 1 tấn thép, Hòa Phát cần 1,6 tấn quặng sắt và thời điểm bấy giờ, giá quặng sắt mới chỉ ở mức 85-90 USD/tấn còn giờ đây đã vượt mức 120 USD/tấn.
Bên cạnh đó, các loại chi phí của Hòa Phát năm nay cũng dự kiến sẽ tăng mạnh, như chi phí tài chính tăng khoảng 3 lần do các khoản lãi vay bắt đầu phải hạch toán vào chi phí tài chính, sau khi nhà máy đi vào vận hành, trong khi trước đây được hạch toán vào vốn hóa. Cùng với đó là giá điện cũng bất ngờ tăng hơn 8%.
Năm 2019, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 24% lên 70.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm 22% xuống 6.700 tỷ đồng. Nếu đạt mức lợi nhuận này, đây sẽ là lần đầu tiên lợi nhuận Hòa Phát giảm, sau 7 năm tăng trưởng liên tiếp.
Hồi tháng 3/2018, ông Trần Đình Long từng được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú USD. Tuy nhiên, ngay trong năm, giá cổ phiếu của Hòa Phát liên tục giảm đã khiến tài sản của ông Long xuống dưới 1 tỷ USD. Đến tháng 3/2019, ông Long bị loại ra khỏi danh sách tỷ phú của Forbes.
Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay, khối tài sản của ông Long có giá trị khoảng 15.700 tỷ đồng.
Ảnh: Forbes Việt Nam.
Trí thức trẻ