Nỗi đau outsource: Mất 3.000 USD cho 2 ngày tư vấn, DN này mất luôn cả ‘bí kíp kinh doanh’
Sau khi outsource một tư vấn truyền thông với giá cao, những thông tin kinh doanh của doanh nghiệp này cũng được chia sẻ theo yêu cầu của tư vấn viên. Chưa đầy 1 tháng, ngay tại tòa nhà doanh nghiệp này đặt trụ sở, một mô hình kinh doanh y hệt được mở ra…
Sai lầm trong outsource là một trong 20 sai lầm phổ biến trong truyền thông doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của nhà văn Trang Hạ , cũng là một tư vấn viên truyền thông, từng có doanh nghiệp mất 3.000 USD cho 2 ngày tư vấn truyền thông và đã mất luôn cả “bí kíp kinh doanh”.
Doanh nghiệp này mở một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội và đã thuê một nhà tư vấn truyền thông từ trong TPHCM.
Ngoài 3.000 USD thù lao, doanh nghiệp kể lại đã chăm sóc rất tận tình cho vị tư vấn kia, tới mức “cơm bưng, nước rót”.
Tuy nhiên, sau khi cầm 3.000 USD về TPHCM, tư vấn kia không hề có động thái gì, khiến doanh nghiệp rất lo lắng. Nhưng chưa đến 1 tháng sau, một mô hình trung tâm ngoại ngữ y chang được mở ra, ngay trong tòa nhà của doanh nghiệp này tại Hà Nội…
Và người đầu tư không ai khác chính là nhà tư vấn kia!
“Một người tư vấn nhiều khi đánh giá được ưu thế doanh nghiệp chính xác hơn là người sáng lập ra nó. Do đã cọ xát nhiều với doanh nghiệp, người tư vấn kia ngoài việc hiểu người sáng lập trung tâm là một người rất giàu, còn phát hiện ra mô hình kinh doanh của trung tâm này rất tốt, và cũng nắm được một số bí kíp riêng của trung tâm...”, nhà văn Trang Hạ kể.
Nhà tư vấn này thay vì tổ chức trung tâm tại TPHCM – nơi người này sống và làm việc, đã xây dựng trung tâm ngay tại Hà Nội, tại chính tòa nhà doanh nghiệp thuê anh ta đang đặt trung tâm của mình.
Và chiêu cuối của anh ta là hút nhân lực của doanh nghiệp kia về với mức lương cao gấp rưỡi, giảm học phí chỉ còn 1/2 để lôi học viên về.
Một ví dụ khác về khủng hoảng do outsource : Khi thuê tư vấn truyền thông, có trường hợp đã phải bỏ thêm chi phí cắt cổ để sử dụng dịch vụ do vị kia tư vấn.
“Khi thuê ngoài đơn vị làm TVC , doanh nghiệp được tư vấn làm ở nơi giá đắt nhất Việt Nam mà may ra chỉ những doanh nghiệp như Unilever hay Vinamilk mới có nguồn lực tài chính phù hợp để thuê, trong khi đây chỉ là doanh nghiệp siêu nhỏ".
"Khi đưa TVC lên thì độ viral kém, kịch bản không xuất sắc. Khi mọi chuyện đã qua, doanh nghiệp siêu nhỏ này mới biết đơn vị làm TVC ấy là sân sau của người tư vấn”, nhà văn Trang Hạ chia sẻ.
Lỗ hổng outsource như trên là rất lớn ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều khi do không kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp đã tự gây ra khủng hoảng truyền thông cho chính mình.
Cafebiz/TTVN