Nới điều kiện kinh doanh để taxi truyền thống bình đẳng với Uber, Grab?
Kiến nghị coi hoạt động của Uber, Grab là taxi, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM cũng"đòi"nới điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống...
Như VnEconomy đã đưa tin, tại hội thảo về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 23/1, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đã kể ra vô số "tội" của Uber, Grab.
Sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM Tạ Long Hỷ trình bày bản tham luận 7 trang về "sự xung đột chính sách giữa taxi chính thống và loại hình taxi mới mà Bộ Giao thông Vận tải cho là xe hợp đồng điện tử.
Ông Hỷ cho rằng, từ 2014, khi Uber, Grab có mặt tại Việt Nam thì hai doanh nghiệp nước ngoài này đã làm rung chuyển thị trường taxi trong nước, làm đảo lộn mọi kế hoạch - quy hoạch vận tải của các địa phương.
Thực trạng này, theo ông Hỷ thì có nguyên nhân từ quản lý nhà nước. Đó là đề án thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử được triển khai ồ ạt, không xác định rõ các nội dung phân cấp phân quyền, không ấn định hoặc khống chế số lượng xe thí điểm dẫn đến việc bùng nổ về số lượng dẫn đến mức mất kiểm soát.
Về số lượng xe, tại hội thảo cũng có ý kiến nghi ngờ về con số thống kê chính xác 50.000 của Uber, Grab. Nhưng ông Hỷ khẳng định hiện cả nước đã có trên 50.000 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng từ 9 chỗ trở xuống. Ông Hỷ nêu con số cụ thể hơn là tính đến hết tháng 9/2017, Hà Nội đã cấp 21.800 phù hiệu còn Tp.HCM đã cấp 28.355 phù hiệu xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống.
Thậm chí đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng cấp phù hiệu, các địa phương cho rằng quyền này là của Bộ Giao thông vận tải, Bộ nói quyền này là của địa phương? ông Hỷ đặt câu hỏi.
Phản ánh tiếp theo từ vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM là việc quản lý, kiểm tra, xử lý với Uber, Grab theo các địa phương thì gần như bất lực. Trong khi các xe này có thể đón khách ở những nơi cấm taxi, những nơi các hãng taxi phải đấu thầu mới có quyền đỗ xe chờ đón khách.
Ông Hỷ nhấn mạnh rằng "về hậu quả nên ghi nhận môt sự thật đau lòng", là chỉ có hai ông chủ nước ngoài chỉ trong hai năm đã có thể khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường taxi của Việt Nam, đã và đang đẩy nhiều hãng taxi của Việt Nam đi đến giải thể, phá sản.
Vấn đề tiếp theo được ông Hỷ đề cập là Luật Cạnh tranh quy định một doanh nghiệp khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị quy kết là kinh doanh độc quyền. Hiện tại cả Uber và Grab đều đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam thì liệu đã được coi là kinh doanh độc quyền chưa?
Khẳng định bản chất vận tải của Uber, Grab là taxi, ông Hỷ cho rằng việc định danh sai thì không có chính sách đúng.
Với vô số hệ luỵ từ Uber, Grab, trong khi chờ sửa nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, Hiệp hội Taxi Tp.HCM kiến nghị dừng việc cấp mới phù hiệu. Hiệp hội này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải ban hành quy định về nhận diện thương hiệu đối với các phương tiện đã tham gia thí điểm.
Kiến nghị tiếp theo là loại bỏ chế định xe hợp đồng điện tử với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống tại dự thảo mới về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Vị chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM cũng cho rằng cần gỡ bỏ một số điều kiện dành cho taxi chính thống theo hướng tương đồng với loại hình taxi mới mà Uber, Grab đang điều hành theo hướng công bằng, bình đẳng về điều kiện kinh doanh.
Vneconomy