MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi khổ của nhà giàu Hàn Quốc: Sắp gần đất xa trời muốn để lại tiền, quyền cho con nhưng thuế thừa kế tới... 65%!

12-01-2018 - 10:51 AM | Tài chính quốc tế

Mức thuế thừa kế của Hàn Quốc nhiều nhất là 50% - cao thứ 2 trong số các nước thành viên thuộc OECD chỉ sau Nhật Bản với thuế suất có thể đạt 65%.

Bạn sẽ làm gì nếu như là một tỷ phú đã 95 tuổi nhưng lại đang sống ở quốc gia có mức thuế thừa kế cao tới 65%?

Đó là thử thách mà trùm cà phê Kim Jae-myeong – Chủ tịch Tập đoàn Dongsuh, người gây dựng được khối tài sản trị giá 2 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg, đang phải đối mặt. Ông Kim chưa bao giờ xuất hiện trong bảng xếp hạng giàu có thế giới nào, đã không còn trực tiếp quản lý công ty trong 2 thập kỷ nhưng tập đoàn Dongsuh vẫn được kiểm soát bởi gia đình này: Cứ mỗi thế hệ trong gia đình lại tìm cách chuyển giao tài sản cho thế hệ kế tiếp mà không phải chịu thuế.

Đó là câu chuyện hết sức phổ biến tại Hàn Quốc – nơi đang nổi lên như một trung tâm công nghệ toàn cầu với những tập đoàn gia đình trị được biết đến là Chaebol. Hiện tại, những tập đoàn này, từ gã khổng lồ như Samsung Electronics tới Dongsuh, đều đang tăng cường xem xét kỹ lưỡng những biện pháp khôn khéo, nhằm chuyển giao quyền lực cho đời con cháu kế tiếp.

Mức thuế quá cao

Mức thuế thừa kế tại Hàn Quốc nhiều nhất là 50% - cao thứ 2 trong số các nước thành viên thuộc OECD chỉ sau Nhật Bản. Đôi khi, con số này có thể lên tới 65% với những trường hợp là cổ đông lớn nhất. Điều đó có nghĩa là kế hoạch chuyển giao tiền và quyền cho thế hệ tiếp theo sẽ đi kèm với rủi ro mất một lượng lớn tài sản và quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của gia đình mà các thế hệ trước đã tạo ra.

Kết quả là, những ông trùm giàu có của quốc gia này buộc phải tìm ra "đường vòng" để chuyển giao quyền lực cho con cháu thông qua những thỏa thuận mua bán, sáp nhập giữa các công ty con để trao quyền kiểm soát cho người thừa kế. Tuy nhiên, với quá nhiều bê bối hối lộ, gian lận xảy ra tại các chaebol, chính phủ đã buộc phải vào cuộc.

"Các tập đoàn gia đình trị kiểu này thường chuyển giao cho người thừa kế một lượng cổ phần kiểm soát thông qua các giao dịch nội bộ trong cùng tập đoàn và khối tài sản tạo ra theo cách này không thuộc diện chịu thuế", ông Kim Hai-ree – Luật sư tại công ty tư vấn Global&Case nói.

Thống kê của Hiệp hội thương mại Hàn Quốc cho thấy, chỉ 27 tập đoàn có khối tài sản vượt 10 nghìn tỷ won (tương đương 9,4 tỷ USD) đã thực hiện các giao dịch nội bộ đạt giá trị tới 152,5 nghìn tỷ won vào năm 2016, tương đương 12% tổng tất cả các thỏa thuận trong năm đó.

Các chaebol gồm Hyundai Motor, SK Corp và Samsung là 3 đơn vị dẫn đầu về giá trị các giao dịch như vậy: Con số của Hyundai là 30,3 nghìn tỷ won, theo sau là SK 29,4 nghìn tỷ won và Samsung là 21,1 nghìn tỷ won.

Nỗi khổ của nhà giàu Hàn Quốc: Sắp gần đất xa trời muốn để lại tiền, quyền cho con nhưng thuế thừa kế tới... 65%! - Ảnh 1.

Lãnh đạo và nhân viên Dongsuh Food chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Starbucks ở nhà máy Jincheon.

Áp lực gia tăng

FTC - cơ quan chuyên điều tra các thương vụ chuyển giao thừa kế tại Hàn Quốc thường chỉ nhắm vào những công ty có khối tài sản hơn 5 nghìn tỷ won và cổ phần của các thành viên trong gia đình nhà sáng lập vượt 30%.

"Có rất nhiều công ty đã lách luật bằng cách điều chỉnh lượng cổ phần sở hữu ở mức 29,9% để tránh ngưỡng 30%", chủ tịch Kim Sang-jo của FTC nói.

Tập đoàn Hyundai là một ví dụ. Hai người con của ông Chung đã giảm tỷ lệ cổ phần của họ tại công ty quảng cáo đã niêm yết thuộc Hyundai là Innocean Worldwide xuống còn 29,9% trong năm 2015 khi FTC bắt đầu áp dụng quy định này. Được biết chi nhánh này mang về tới 79,9% tổng doanh thu toàn tập đoàn trong năm 2016.

Còn tại tập đoàn Dongsuh, 2 người con trai của ông Kim nắm quyền lãnh đạo doanh nghiệp thông qua cổ phần tại công ty đã niêm yết là Dongsuh Cos và quá trình chuyển giao quyền lực cho con cháu của ông cũng đang được tiến hành. Người phát ngôn của phía Dongsuh xác nhận cổ phần của công ty trong khi từ chối bình luận về khối tài sản của ông Kim cũng như quá trình chuyển giao tài sản.

Nỗi khổ của nhà giàu Hàn Quốc: Sắp gần đất xa trời muốn để lại tiền, quyền cho con nhưng thuế thừa kế tới... 65%! - Ảnh 2.

Bên trong nhà máy Dongsuh Food ở Seoul.

Ông Kim dựng nghiệp từ sản phẩm cà phê pha sẵn được người Hàn đặc biệt yêu thích. Đơn vị kinh doanh dẫn đầu của họ là Dongsuh Foods đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên vào năm 1976 và công ty hiện đã cung cấp 85% lượng cà phê pha sẵn cho người Hàn Quốc và có doanh thu đạt 1,5 nghìn tỷ won.

Gia tộc của ông Kim hiện sở hữu 66,1% cổ phần của Dongsuh. Hàng loạt thương vụ chuyển giao cho người nhà ông này đã được thực hiện từ năm 2006. Hiện 2 người con trai của ông nắm 38,3% cổ phần và người cháu trai lớn của ông nắm 11,2% cổ phần.

Cấu trúc sở hữu như vậy bắt đầu gây ra nhiều tranh cãi khi 93,5% doanh thu toàn tập đoàn đến từ những chi nhánh khác. Tỷ lệ chia cổ tức lên tới 88,9% vào năm 2013 và người cháu trai của nhà sáng lập sở hữu hơn 50% cổ phần.

"Tiền cổ tức nhận được cũng đóng vai trò quan trọng nhằm củng cố quyền lực gia đình khi con cháu của họ có thể sử dụng để mua cồ phần ở những chi nhánh khác trong tập đoàn".

Hiện tại FTC đã công bố sẽ điều tra Dongsuh.

Nỗi khổ của nhà giàu Hàn Quốc: Sắp gần đất xa trời muốn để lại tiền, quyền cho con nhưng thuế thừa kế tới... 65%! - Ảnh 3.

Các sản phẩm của Dongsuh

Làm từ thiện

Dù các nhà chức trách tìm đủ mọi cách ngăn cản các giao dịch nội bộ như vậy nhưng đa phần các chaebol vẫn tìm ra cách khác để trốn thuế. Một trong số đó là chuyển tiền, thường dưới dạng cổ phần cho một tổ chức từ thiện được điều hành bởi một thành viên trong gia đình. Một cách khác là gộp các chi nhánh vào như trường hợp của Samsung khi chọn cách hợp nhất chi nhánh Samsusng C&T và Cheil Industries.

Theo thỏa thuận đó, người thừa kế tập đoàn Samsung Jay Y. Lee sẽ củng cố lại quyền lực của ông tại chi nhánh lớn nhất là Samsung Electronics mà lại "né" được khoản tiền thuế thừa kế khổng lồ. Tuy nhiên thật không may, ông Lee đã bị tuyên án 5 năm tù giam vì tội hối lộ liên quan tới giao dịch này.

Trên thực thế, để quá trình chuyển giao quyền lực thành công còn cần nhiều yếu tố như gia đình gắn kết, tin tưởng lẫn nhau. Đôi khi việc này không diễn ra êm đẹp như vụ kiện tụng gần đây của cha con nhà sáng lập tập đoàn Lotte.

Nhà nghiên cứu Lee Tae-kyu thì cho rằng: "Có nhiều trường hợp người chủ gia đình không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán công ty để trả mức thuế thừa kế quá cao. Kết quả là đất nước sẽ thiếu đi những tập đoàn có bề dày lịch sử và chuyên môn chỉ vì gánh nặng thuế khiến họ (đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ) phải từ bỏ kế hoạch trao quyền thừa kế cho các thế hệ con cháu".

Theo Vân Đàm

Trí thức trẻ

Trở lên trên