Nói không với xu hướng "siêu ứng dụng", beGroup tuyên bố đã hoà vốn và dự kiến chính thức có lãi vào năm 2021
"Ngay cả khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, beGroup vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi nhiều doanh nghiệp công nghệ đang thua lỗ nặng, tính bền vững sẽ là động lực chính để beGroup có được lợi nhuận", CEO beGroup nói.
Ra mắt vào năm 2018 trong lĩnh vực gọi xe, beGroup đến nay đã mở rộng sang lĩnh vực giao hàng, đi chợ trực tuyến và dịch vụ tài chính. Dù vậy, người đứng đầu hãng khẳng định sẽ không chạy theo các "ông lớn" khác trong xu hướng phát triển siêu ứng dụng, beGroup theo đuổi tăng trưởng bền vững và có lợi nhuận.
Trong đó, beGroup nhấn mạnh sẽ không tham gia vào các mảng đốt tiền như giao đồ ăn, ví điện tử... "Chiến lược của chúng tôi ngay từ những ngày đầu không xác định sẽ giành thị phần bằng mọi giá, thay vào đó beGroup với tinh thần là doanh nghiệp nội địa sẽ đáp ứng nhu cầu và tạo giá trị cho người Việt", CEO Nguyễn Hoàng Phương trả lời trong lần phỏng vấn mới nhất.
Điều này đã mang lại kết quả ban đầu, beGroup tuyên bố đã đạt điểm hoà vốn trong năm 2020, trở thành ứng dụng đặt xe đầu tiên tại Việt Nam cũng như khu vực đạt được cột mốc này. Bằng kế hoạch tránh xa các mảng bào mòn lợi nhuận, beGroup mục tiêu sẽ có lãi trong năm 2021.
Nói về thị trường vận tải, theo Statista.com, dịch vụ gọi xe máy và taxi của Việt Nam ước tính đạt giá trị 2 tỷ USD trong năm 2020, dự kiến tăng mạnh lên 4,3 tỷ USD đến năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng hiện đạt mức 106,9 USD trong năm 2020, con số có thể tăng gấp đôi trong vòng 4 năm tới.
Với tốc độ tăng trưởng thị trường gọi xe 38%/năm, CEO nhấn mạnh beGroup có cơ hội tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, ứng dụng beGroup đã được tải xuống trên 8 triệu thiết bị di động. Công ty hiện phát triển đội ngũ tài xế với 100.000 người, cung cấp khoảng 350.000 chuyến xe/ngày. Tính đến hiện tại, beGroup đã thực hiện 80 triệu cuốc beBike và beCar trên 10 tỉnh thành cả nước, mảng gọi xe tiếp tục là nguồn doanh thu chủ yếu của hãng.
Tận dụng nhân lực đang có, beGroup cũng ra mắt dịch vụ giao hàng trong năm 2019. Sang năm nay, hãng tiếp tục phục vụ beShopping nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong đại dịch Covid. Ghi nhận, dịch vụ này từ khi ra mắt hiện đạt mức tăng trưởng 200-300%/tháng. beGroup cũng hợp tác với Vexere để bán vé xe buýt...
CEO beGroup Nguyễn Hoàng Phương.
Với những động thái trên, bà Phương mạnh dạn cho rằng beGroup đã đầu tư "nguồn lực" đủ để chiếm 30% thị phần trong lĩnh vực gọi xe. "Ngay cả khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, beGroup vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững. Trong khi nhiều doanh nghiệp công nghệ đang thua lỗ nặng, tính bền vững sẽ là động lực chính để beGroup có được lợi nhuận", CEO nói.
Nhìn thị trường ở góc độ khác, CEO beGroup cho rằng không chỉ chiếm được thị phần, việc giữ chân được khách hàng, đối tác cũng là yếu tố then chốt để tồn tại trong cuộc chơi. Dù không dám xem nhẹ các đối thủ, beGroup vẫn sẽ chứng tỏ khả năng của mình với những dịch vụ và kế hoạch mở rộng trong tương lai. Bởi, một khi độc quyền lên ngôi, dẫn đến sự thao túng, đối tác là tài xế và khách hàng sẽ gặp bất lợi.
Dù chưa tiết lộ chi tiết chiến lược nhằm đạt được sự trung thành từ đối tác cũng như khách hàng, đại diện có nhấn mạnh nhiệm vụ của beGroup lúc này là tìm hiểu nhu cầu và mô hình tiêu dùng địa phương hơn là tiến hành một cuộc chiến về giá. Khi mà, báo cáo của Deloitte đầu năm nay nhấn mạnh quan điểm người Việt ngày càng ít quan tâm đến giá cả, thay thế bằng chất lượng và sự tiện lợi.