Nổi lên nhanh chóng đe dọa cả vị thế của Facebook, Tiktok đang bị biến thành mặt trận tin giả giữa căng thẳng Ukraine - Nga
Từ thời điểm bắt đầu 5 năm trước, mạng xã hội Tiktok phát triển bùng nổ nhờ vào những video vui nhộn bao gồm từ hát nhép, nhảy múa cho đến tấu hài. Thế nhưng giờ đây, một bộ phận người dùng đang sử dụng nền tảng để đăng tải vô số tin giả liên quan đến chiến tranh nhằm định hướng dư luận thế giới về tình hình giao tranh ở Ukraine.
Động thái này đặt ra một trong những thử thách lớn nhất cho ứng dụng “sống ảo” con cưng của công ty công nghệ Trung Quốc Byte Dance kể từ khi đi vào hoạt động 5 năm trước.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, nguồn tin của Wall Street Journal cho hay, TikTok đang chật vật đối diện với vai trò ngày càng gia tăng của mình trên đấu trường địa chính trị. Một số quản lý nội dung của Tiktok ở vào thế lưỡng nan khi phải đưa ra quyết định liệu nên hay không tránh đề xuất một số video, xóa một số bài đăng hoặc cấm cửa một số tài khoản.
Các quản lý nội dung cũng bối rối khi phải nghĩ cách giải quyết một số clip bị hệ thống lọc nội dung “gắn cờ” tự đồng. Hiện nay các quản lý cấp thấp cũng không có được những hướng dẫn cụ thể về nội dung liên quan đến chiến tranh, khiến bản thân họ phải tự mò mẫm vừa làm vừa sửa luật. Kết quả là cách xử lý cùng một loại nội dung trở nên thiếu nhất quán.
Đại diện Tiktok cho hay: “Chúng tôi đang tiếp tục đối diện với cuộc chiến ở Ukraine bằng cách nâng cao tiêu chuẩn an toàn và an toàn nhằm phát hiện các mối nguy từ sớm và gỡ đi thông tin sai lệch có hại”.
Chủ nhật vừa rồi, Tiktok đưa ra một động thái mạnh mẽ: ngừng việc đăng video và livestream mới từ Nga. Công ty cho hay quyết định đưa ra nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên của mình ở Nga sau khi nước này thông qua luật mới về “tin giả”. Bước đi ngay lập tức bị các công ty truyền thông và công nghệ sở tại phản đối kịch liệt. Quyết định này của Tiktok là đáng chú ý bởi bản thân công ty mẹ của doanh nghiệp là ByteDance hiện đang đặt tại Bắc Kinh, nơi chính quyền không ủng hộ lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga.
Theo nguồn tin Wallstreet Journal, ByteDance không phản đối quyết định của TikTok ngừng đăng tải các video mới từ Nga
Điều này diễn ra một tuần sau khi Tiktok tuyên bố hạn chế quyền tiếp cận của người dân tại EU với một số tài khoản của các kênh thông nhà nước từ Nga như RT và Sputnik. Theo nguồn tin mật của Wall Street Journal, quyết định hệ trọng này trước đó đã được thông báo đến lãnh đạo ByteDance tại Bắc Kinh và không gặp phải sự phản đối. Đại diện Tiktok thì cho hay giám đốc điều hành của doanh nghiệp có toàn quyền tự quyết đối với hướng đi của Tiktok.
Từ khi Nga xâm lược Ukraine vào 24 tháng hai, người dùng mạng xã hội đã được thấy vô vàn hình ảnh và video clip đăng lên các nền tảng như Tiktok, Facebook, Twitter và cả Youtube. Trong đó, Tiktok đã mang đến góc nhìn cận cảnh đến tàn nhẫn của chiến tranh hiện đại, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng ứng dụng đang biến thành một hang ổ tin của tin tức không đáng tin cậy.
“Người ta lên Tiktok để giải trí nhưng lại được đưa cho những thông tin thiếu rõ ràng và gây hiểu nhầm về cuộc chiến”- Anne Kruger, giám đốc nhóm nghiên cứu thông tin sai lệch First Draft trụ sở tại Sydney cho hay. Theo cô, việc các video này cứ được bật đi bật lại liên tục càng củng cố thêm những thông điệp sai lầm.
Khi quân Nga tiến vào Ukraine, một video đã được chia sẻ rộng rãi trên Tiktok ghi lại cảnh một đoàn máy bay quân sự sải cánh trên bầu trời được cho là đoạn phim tư liệu ghi lại cuộc tiến quân. Hóa ra, PolitiFact, một trang kiểm tra tin giả tại Washington, đã phát hiện ra video ghi lại cuộc diễn tập máy bay Nga được quay từ giữa 2020. Video này sau đó bị gỡ bỏ.
Một video khác ghi lại cảnh bộ đội thả dù vào vùng chiến sự đã được xem bởi 20 triệu người dùng Tiktok trước khi bị xóa khỏi ứng dụng. Đoạn phim hóa ra được quay từ bảy năm trước.
Những nội dung này thường đi kèm các thông tin xin ủng hộ tài chính của người đăng tải nhằm kiếm chác từ các video.
Ciaran O’Connor, một nhà nghiên cứu tại Viện Đối thoại Chiến lược có trụ sở Ireland cho hay: “Trên toàn cầu, ứng dụng này đang trở thành nơi nhiều người thu nhận thông tin và hình thành quan điểm về cuộc chiến. Nhưng chính nó cũng đang bị biến thành công cụ trong cuộc chiến thông tin”.
Tiktok không phải một công ty dung túng cho tin giả. Tuy nhiên, ông O’Connor chia sẻ rằng nghiên cứu của mình cho thấy Tiktok đã trở thành công cụ hữu hiệu hơn cả trong việc lan truyền tin giả liên quan đến cuộc chiến.
Hồ sơ Tiktok của Margarita Simonyan, biên tập viên RT, không bị dán nhãn là truyền thông nhà nước nhưng tài khoản này đã đăng các video tuyên truyền với hơn 20 triệu lượt xem, nhiều hơn gấp đôi lượng view có được từ tài khoản này trên Youtube. Theo chính sách TikTok, ứng dụng chỉ dán nhãn các tài khoản của tổ chức, trong khi Simonyan thì hoạt động như tài khoản cá nhân.
Vài ngày trước khi giao tranh ở Ukraine nổ ra, các quản lý cấp cao của Tiktok đã có các cuộc họp online để đề xuất các luật lệ mới cho bộ phận vận hành nền tảng ở thị trường Nga và Ukraine. Thành phần nhóm quản lý hầu hết đến từ các đội ngũ chuyên gia về pháp lý, chính sách công, tư vấn bảo mật ở các khu vực TikTok hoạt động mạnh như Dublin và Singapore.
Theo thông tin từ Tiktok, các lãnh đạo công ty đến nay đã tổ chức họp mặt thường xuyên để thảo luận chiến lược đối mặt với khủng hoảng, và công ty cũng mở một trung tâm vận hành túc trực 24/7 để ứng phó với các diễn biến mới. Đội ngũ bảo mật và an toàn (trust and safety) dưới sự lãnh đạo của trụ sở Dublin được giao trách nhiệm giám sát và thực hiện chính sách nội dung của công ty.
Kết quả, TikTok đã bắt đầu gửi các video liên quan đến chiến tranh qua các cơ sở dữ liệu mở để kiểm tra xem liệu đoạn phim đã tồn tại trên mạng từ trước cuộc giao tranh diễn ra hay chưa. Bằng cách này TikTok cố gắng nhận diện và gỡ bỏ kịp thời các bức ảnh cũ giả dạng là các nội dung mới chụp lại hình các chiến cơ, hoạt động ném bom và quân sự.
Các ứng dụng khác đã đi trước TikTok trong việc giải quyết các vấn đề này.
Chỉ vài ngày từ khi tiếng súng nổ ra ở Ukraine, Meta, Twitter và Youtube đã vạch rõ các quy trình nhằm giảm thiểu thông tin được cho là là sai lệch hoặc gây hiểu nhầm. Các công ty này đã ban hành nhiều chính sách mới và bắt đầu dán nhãn cũng như hạn chế các bài đăng liên quan trực tiếp hoặc dẫn đến các kênh truyền thông có dính líu tới chính phủ Nga.
Ba công ty truyền thông đã cho thấy rõ cách thức họ gỡ bỏ và treo vĩnh viễn tài khoản, video và bài đăng có nội dung sai lệch. TikTok hiện vẫn chưa công bố dữ liệu liên quan đến việc gỡ bỏ bài đăng và người dùng giả mạo.