Nỗi lo "bom nước" từ hơn 1.000 hồ chứa
Tổng cục Thủy lợi cảnh báo cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào
- 13-11-20171.200 “bom nước” chờ vỡ
- 23-10-2015Hàng triệu "quả bom nước" sẽ mọc nóc nhà dân?
- 14-08-201360.000 người dân phập phồng sống dưới "bom nước"
- 06-07-2013Dân bị "bom nước" đe dọa nhấn chìm
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi tại 45 tỉnh, thành với sức chứa khoảng 13,5 tỉ m3 nước. Hầu hết hồ chứa này được xây dựng từ những năm 70 đến 80 của thế kỷ trước.
Hiểm nguy rình rập
Trong số 6.648 hồ chứa thủy lợi trên, có 702 hồ chứa lớn (dung tích lớn hơn 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập lớn hơn 15 m). Qua rà soát, 70 hồ trong số này có đập thấm nhẹ, 23 đập thấm nặng; 61 đập có mái bị biến dạng nhẹ, 21 đập có mái bị biến dạng mức nặng. Một số đập có dấu hiệu mất an toàn như hồ Khe Chinh, Rong Đen, Tặng An (tỉnh Yên Bái); hồ Khe Chão (tỉnh Bắc Giang); hồ Đồi Tương, Ba Khe, Khe Sân (tỉnh Nghệ An); hồ Thanh Niên (tỉnh Quảng Trị); hồ Cây Khế, đập Làng (tỉnh Quảng Ngãi); hồ Kim Sơn, Giao Hội, Hội Khánh, Hố Trạnh, Thạch Bàn (tỉnh Bình Định); hồ Tân Rai, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng)…
Mái hạ lưu hồ Sông Sắt (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) bị sạt lở nhiều chỗ Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Không chỉ các hồ đập lớn bị hư hỏng, các hồ đập nhỏ cũng trong tình trạng đáng báo động. Trong số 5.946 hồ chứa loại này (chiếm 89,4% số lượng hồ thủy lợi cả nước), qua kiểm tra có 507 đập bị thấm (450 đập thấm nhẹ, 57 đập thấm nặng); 443 đập có mái biến dạng mức độ nhẹ, 170 đập biến dạng mức nặng. Ngoài ra, 697 đập tràn có thân bị hư hỏng, xói lở (467 tràn hư hỏng mức độ nhẹ, 230 tràn mức độ nặng).
Theo ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), do xây dựng từ hàng chục năm trước nên đa phần hồ, đập đã và đang xuống cấp, thậm chí xuống cấp nghiêm trọng.
Vỡ bất cứ lúc nào
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đánh giá hồ chứa thủy lợi hiện được phân làm 2 loại là hồ có van điều tiết và hồ không van điều tiết, để tràn tự do. Đối với hồ tràn tự do này, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.
Phân tích kỹ hơn, ông Tỉnh nói đa số hồ tràn tự do là hồ chứa nhỏ, đập đất, được xây dựng cách đây 30-40 năm bằng công nghệ, kỹ thuật rất lạc hậu. Ngoài ra, đa số hồ tập trung ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu do cấp huyện, xã quản lý, với trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. "Đặc biệt, trong điều kiện mưa, lũ cực đoan, cục bộ như hiện nay, khi nước tràn qua đỉnh đập mà đập làm bằng đất nên khó tránh bị vỡ. Đây chính là nguy cơ rất đáng báo động" - ông Tỉnh khuyến cáo.
Cũng theo ông Tỉnh, do hiện trạng đập yếu như vậy mà trong đợt mưa lũ sau bão số 12 vừa qua, có nơi dòng chảy đến hồ vượt quá thiết kế khiến xảy ra 5 sự cố về hồ chứa ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Còn tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra 18 sự cố về hồ ở các địa phương như Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên...
"Đối với các hồ này, trước mắt đã được xử lý khẩn cấp để bảo đảm an toàn tạm thời. Nhưng tổng cộng cả nước có khoảng 1.200 hồ chứa thủy lợi đang bị xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào" - ông Tỉnh cảnh báo.
Nam Trung Bộ: Mất an toàn hồ đập
Theo đánh giá, nhiều hồ đập ở khu vực Nam Trung Bộ đang mất an toàn, gây nguy hiểm cho người dân trong mùa lụt bão. Tỉnh Ninh Thuận có 20 hồ thủy lợi với tổng dung tích trên 192 triệu m3. Tuy nhiên, hiện có đến 7 hồ và một đập dâng đang hư hỏng một số hạng mục quan trọng, nguy cơ mất an toàn. Hư hỏng nặng nhất là hồ Sông Sắt ở huyện miền núi Bác Ái. Đây là hồ thủy lợi lớn nhất Ninh Thuận với dung tích trên 69 triệu m3. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện toàn tuyến mái hạ lưu đập của hồ bị xói lở nhiều chỗ, tạo thành những hố sâu xuyên vào thân đập. Tình trạng này cũng xảy ra trên mái đập hạ lưu của hồ Sông Trâu ở huyện Thuận Bắc (dung tích 31 triệu m3), Lanh Ra ở huyện Ninh Phước (dung tích 14 triệu m3)…
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, trong bão số 12 vừa qua, tại hồ Đá Bàn ở thị xã Ninh Hòa xuất hiện một số mái taluy bị bong hệ thống đá chèn, với diện tích khoảng 200 m2. Nếu hồ này xảy ra sự cố thì với 75 triệu m3 hồ Đá Bàn sẽ làm 2/3 thị xã nằm trong biển nước.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 30 hồ chứa nước với tổng dung tích 257 triệu m3. Trong đó có nhiều hồ đã xuống cấp vì được xây dựng trên 30 năm. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Khánh Hòa cần ưu tiên nguồn lực để nâng cấp 8 công trình hồ chứa nước đang xuống cấp và xây dựng mới 14 hồ chứa, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 9.200 tỉ đồng.
L.TRƯỜNG - K.NAM
Người lao động