Nỗi lo chuỗi cung ứng toàn cầu bị "vũ khí hóa"
Hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ ở Lebanon trong tuần này càng thúc đẩy nỗ lực của các lãnh đạo toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ từ đối thủ
Một loạt vụ nổ máy nhắn tin tại nhiều địa điểm ở Lebanon hôm 17-9 làm chết ít nhất 12 người và gần 3.000 người bị thương. Nhóm vũ trang Hezbollah cáo buộc Israel đã can thiệp vào chuỗi cung ứng.
Một ngày sau, hàng loạt bộ đàm phát nổ khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và khoảng 450 người bị thương. Được biết Hezbollah đã mua số bộ đàm và máy nhắn tin này cùng thời điểm cách đây 5 tháng.
Các quan chức Lebanon kết luận những thiết bị này bị gắn chất nổ trong quá trình sản xuất hoặc phân phối.
Dù phương thức cài chất nổ đã được sử dụng từ lâu trong hoạt động gián điệp song quy mô của cuộc tấn công ở Lebanon khiến nhiều quan chức dày dạn kinh nghiệm cũng phải lo lắng. Họ e ngại chuỗi cung ứng toàn cầu hóa giúp sản xuất hàng hóa giá rẻ và thúc đẩy tăng trưởng có thể bị vũ khí hóa.
TS Harjinder Singh Lallie, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng của Trường ĐH Warwick (Anh), nhận định các vụ nổ đồng thời ở Lebanon chứng tỏ hoạt động gián điệp cực kỳ tinh vi bởi các thiết bị bị thay đổi kết cấu mà không ai phát hiện.
Ông đồng thời cảnh báo thiết bị liên lạc của những nhân vật quan trọng cũng có thể bị xâm nhập để nghe lén hoặc kích hoạt camera bí mật.
Ông Lallie và TS Aleksandr Yampolskiy, Giám đốc điều hành Công ty an ninh mạng SecurityScorecard (Mỹ), đều cho rằng sau vụ việc ở Lebanon, tăng cường hoạt động quản lý rủi ro của bên thứ ba đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Bà Melanie Hart, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, khẳng định bất kỳ nước nào phụ thuộc vào quốc gia khác về sản phẩm đầu vào hoặc công nghệ quan trọng cũng đồng nghĩa đã cho đối phương cơ hội xâm nhập chuỗi cung ứng.
Các quan chức Mỹ từ lâu thừa nhận nền kinh tế số 1 thế giới quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều loại hàng hóa và dịch vụ. Những năm gần đây, chính phủ Mỹ bắt đầu chuyển một số chuỗi cung ứng quan trọng, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia, về nước hoặc đến "các quốc gia thân thiện".
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Các lĩnh vực quốc phòng trên toàn thế giới ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế về công nghệ, truyền thông và cơ sở hạ tầng quan trọng. Các mạng lưới phức tạp này trải rộng qua nhiều quốc gia, khiến chuỗi cung ứng dễ dàng bị xâm nhập.
Điển hình là việc Iran cáo buộc Israel sử dụng những công ty bình phong để cung cấp các thiết bị bị lỗi cho Tehran, bao gồm nhiều thành phần quan trọng của hệ thống tên lửa dẫn đường. Các thành phần này khi sử dụng hoặc sẽ bị lỗi hoặc phát nổ, có khả năng gây hư hại hoặc phá hủy tên lửa đạn đạo cũng như máy bay không người lái của Iran.
Một ví dụ khác là Úc, đất nước nhập khẩu đáng kể thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Theo trang ABC, sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu khiến Úc có nguy cơ gặp phải những lỗ hổng an ninh trên khắp thế giới nếu các linh kiện bị xâm nhập trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển.
Đạo luật An ninh Cơ sở hạ tầng quan trọng được Úc ban hành năm 2018 là nỗ lực bảo vệ các lĩnh vực quan trọng, ngoài năng lượng, quốc phòng còn có chăm sóc sức khỏe, nguồn nước…, khỏi các cuộc tấn công mạng và sự can thiệp từ nước ngoài.
Đạo luật này yêu cầu chủ sở hữu và bên vận hành cơ sở hạ tầng quan trọng phải đáp ứng nghĩa vụ bảo mật nghiêm ngặt, chẳng hạn báo cáo sự cố mạng và bảo mật dữ liệu.
Người Lao Động