MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo khi nữ công nhân 40 tuổi!

02-06-2016 - 08:38 AM | Xã hội

Đa số chị em công nhân đều không có tích lũy. Khi 35-40 tuổi, trở về quê, họ không có đất để canh tác và cũng không còn biết cách làm việc nhà nông.

Tình trạng mất cân bằng giới tính trong các khu công nghiệp (nhiều nữ, ít nam, nữ chiếm đến trên 70%), đời sống khó khăn, nhiều người không dám nghĩ đến yêu, xây dựng gia đình... đang có thực trong đời sống công nhân ở các KCN, KCX. Đáng lo ngại hơn, nữ công nhân khi tuổi đời 35-40, khi không còn phù hợp với dây chuyền sản xuất hiện đại, họ trở về quê hương nhưng không thể hòa nhập được cuộc sống vốn là nơi chôn rau, cắt rốn của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy vấn đề này và một câu hỏi chúng tôi đau đáu là tương lai công nhân sẽ đi về đâu sau khi họ rời dây chuyền nhà máy, KCN. Có quá nhiều vấn đề đặt ra, vì tích lũy của họ cũng không có. Theo khảo sát của chúng tôi, 79% công nhân trả lời là không có tích lũy. Tức là khi rời DN về thì họ cũng không có đồng vốn để làm ăn và cũng không có điều kiện để lập gia đình. Và đôi khi họ quay trở về thì sự hòa nhập vào cuộc sống vốn trước đó là quê hương họ cũng có khó khăn”.

Yêu rồi tiến tới hôn nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc của mình là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, là khát vọng cuộc sống rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, dường như điều giản dị đó với đa phần công nhân lao động ở KCN, KCX lại không dễ dàng chút nào. Nhiều anh chị em công nhân lao động trẻ tâm sự: chúng em yêu nhau mà chưa dám cưới, cưới nhau lại chưa dám có con, có con lại không nuôi nổi, không có chỗ gửi con phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm nom, nhớ con mà không biết làm sao.

Bà Thanh Hồng – Trưởng Ban nữ công (Tổng LĐLĐ) chia sẻ: Tôi đã có những lần chạm vào sự khó xử của chị em công nhân. Khi chúng tôi đến một KCN của Hà Nội tặng quà, tôi thấy một chị đang bế cháu nhỏ, tôi vui vẻ mời chị xuống để đưa quà cho cháu, nhưng chị ấy buồn bã bảo “Tôi chưa có chồng chị ạ”. Một lần khác, chúng tôi tổ chức khám phụ khoa cho chị em công nhân ở KCN Phú Nghĩa, tôi cũng hỏi thăm một chị đã cứng tuổi xem có bị làm sao không, chị ấy cũng vội trả lời là chưa có chồng, rồi lảng sang chuyện khác”.

Vậy lý do nào khiến chị em công nhân không thể có được hạnh phúc bình thường như những người khác? Theo lý giải của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Thị Thu Hồng, vì áp lực công việc, anh chị em công nhân lao động phải làm việc vất vả, sau đấy về bữa cơm nhanh gọn rồi tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức lao động để mai vào dây chuyền. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu những thiết chế để công nhân có những vui chơi, giải trí, ví dụ như sinh hoạt thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, rồi những diễn đàn trong cộng đồng để công nhân tìm đến những thông tin tốt.

“Công đoàn đang xây dựng kế hoạch hành động phối hợp với Bộ VH-TT và DL thúc đẩy nâng cao các giải pháp, thiết chế, cách thức tuyên truyền đa dạng hơn để nâng cao nhận thức cho công nhân, tạo điều kiện để họ hòa mình vào các hoạt động đó. Vấn đề này cũng không thể giải quyết một sớm, một chiều nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm quyết liệt” – bà Nguyễn Thị Thu Hồng nói.

Một bữa cơm của các nữ công nhân KCN Yên Phong (Bắc Ninh)
Một bữa cơm của các nữ công nhân KCN Yên Phong (Bắc Ninh)

Cùng với đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, thời gian tới tổ chức công đoàn phải làm tốt hơn vai trò chăm lo, hỗ trợ việc làm, thu nhập, bảo đảm quyền lợi của người lao động; tăng cường giáo dục tuyên truyền để từ những diễn đàn cung cấp thêm thông tin, kiến thức, định hướng cho người lao động những vấn đề liên quan hạnh phúc, gia đình, sức khỏe sinh sản, kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng làm mẹ, làm vợ. Tổ chức công đoàn cũng sẽ tiếp tục làm tốt hơn những mô hình, giải pháp để hỗ trợ về tài liệu, tổ chức sinh hoạt tập thể để tăng cơ hội giao lưu, kết nối, có cơ hội tìm kiếm bạn đời, được nâng cao kiến thức. Đó cũng là những giải pháp hỗ trợ cho họ nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy đời sống hôn nhân gia đình ngày một tốt hơn.

Hôn nhân gia đình của công nhân không phải là chuyện đơn giản bởi vì vấn đề gia đình của toàn xã hội cũng có nhiều vấn đề đáng quan ngại. Nhưng theo lãnh đạo Tổng LĐLĐ, chúng ta phải nhìn theo hướng tích cực, không quá bi quan với thực trạng hiện nay. Vì thế, chúng ta phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn. Trong đó các cấp công đoàn sẽ nỗ lực hơn bên cạnh người lao động.

“Tôi nghĩ rằng, hôn nhân gia đình là nhu cầu tự thân của mỗi người và mỗi công nhân lao động, không ai làm thay được. Còn các tổ chức, cấp ủy, chính quyền chỉ có các giải pháp hỗ trợ, cùng với đó là các thiết chế văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho họ. Nếu bản thân người lao động không tự ý thức, không tự chăm chút cho gia đình mình, không tự nâng cao kiến thức gia đình, quan hệ vợ chồng, con cái, nuôi dạy con, kỹ năng cuộc sống để tự xây dựng hạnh phúc gia đình… thì cũng không ai giúp được”./.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên