MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi lo nợ thẻ tín dụng chẳng của riêng ai, đến người dân ở nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng phải ‘còng lưng’ gánh nợ

29-10-2023 - 19:25 PM | Tài chính quốc tế

Nỗi lo nợ thẻ tín dụng chẳng của riêng ai, đến người dân ở nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng phải ‘còng lưng’ gánh nợ

Cơ quan Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) cho biết các công ty thẻ tín dụng đã tính lãi tổng cộng 105 tỷ USD và hơn 25 tỷ USD tiền phí cho người sử dụng trong năm 2022.

Mức lãi và phí thẻ tín dụng lên cao kỷ lục

Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB), người tiêu dùng nước này đã phải trả mức lãi và phí thẻ tín dụng kỷ lục 130 tỷ USD vào năm 2022. Cụ thể, các công ty thẻ tín dụng đã tính lãi tổng cộng 105 tỷ USD và hơn 25 tỷ USD tiền phí cho người sử dụng trong năm ngoái.

Có thể nói, đây là “số tiền cao nhất” được ghi lại trong lịch sử dữ liệu của CFPB. Báo cáo của CFPB được đưa ra vào thời điểm nợ thẻ tín dụng lần đầu tiên vượt mức 1.000 tỷ USD và áp lực từ cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã tiếp tục đẩy lãi suất lên cao hơn.

Rohit Chopra, giám đốc CFPB, cho biết trong một tuyên bố: “Với khoản nợ thẻ tín dụng vượt 1.000 tỷ USD, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động tái cấp vốn để người tiêu dùng có thể nhận được lãi suất thấp hơn”.

Điểm mấu chốt

Khi mức lãi và phí tăng vào năm 2022, nhiều người Mỹ đã gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ thẻ tín dụng của họ. Theo báo cáo, trung bình người tiêu dùng Mỹ nợ thẻ tín dụng khoảng 5.288 USD vào cuối năm 2022, tăng 24% so với mức thấp nhất năm 2021 và đánh dấu sự trở lại mức cuối năm 2019.

Theo CFPB, chỉ 18% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ có thể thanh toán hết số dư nợ trước ngày đến hạn. Ngược lại, vào năm 2020, chỉ 51,3% người tiêu dùng mang số dư nợ sang tháng tiếp theo và 48% số người được hỏi cho biết có thể thanh toán đầy đủ số dư trước ngày đến hạn.

CFPB nói trong một tuyên bố: “Các chương trình cứu trợ từ đại dịch vào năm 2020 và 2021 giúp một số chủ thẻ thanh toán số dư nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, số người phải đối mặt với nợ dai dẳng có thể tăng lên nếu lãi suất vẫn tăng”. Và lãi suất đã tăng khá nhiều trong năm 2022, do các động thái của Fed nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo CFPB, trung bình mức lãi suất theo phần trăm mỗi năm APR trên private card là 27,7% vào cuối năm 2022, tăng hơn 2 điểm phần trăm so với năm trước. Trong khi đó, lãi suất trên các thẻ đa năng đã tăng từ 18,8% vào giữa năm 2020 lên 22,7% vào năm 2022.

Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2022, lãi suất cơ bản mà hầu hết các ngân hàng thương mại sử dụng để ấn định APR của chủ thẻ đã tăng 4 điểm phần trăm. Các nhà nghiên cứu của CFPB lưu ý: “Nói chung, dữ liệu cho thấy nhiều chủ thẻ đang bị tính phí trả chậm và phải đối mặt với khoản tiền cao hơn do nợ ngày càng tăng”.

Có thể nói, khi gặp tình trạng khó khăn về tài chính, người tiêu dùng Mỹ đã buộc phải sử dụng hình thức mua trước trả sau (Buy Now Pay Later). Việc Fed tăng lãi suất đã đẩy lãi tín dụng lên cao. Nếu lạm phát không thể hạ nhiệt nhanh hơn, vấn đề nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng Mỹ sẽ càng thêm trầm trọng.

Bởi giá cả tăng nhanh làm chi tiêu của người dân thêm cao, từ đó nhu cầu vay nợ qua thẻ tín dụng sẽ càng nhiều. Chưa hết, Fed cũng sẽ chịu thêm áp lực tăng lãi suất quỹ liên bang để kiềm chế lạm phát, khiến cho lãi suất thẻ tín dụng lên cao hơn.

Tham khảo Yahoo Finance

Bạch Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên